Philippines: Mỹ nên tiếp tục tuần tra trên Biển Đông
Hôm 11/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, ông Charles Jose cho hay trong cuộc hội đàm tại Washington vào hôm nay (12/1), Manila sẽ đề nghị Mỹ tiếp tục hoạt động tuần tra nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, tuyến đường biển thương mại huyết mạch tại khu vực châu Á. Ngoài ra, khả năng Philippines tham gia cùng Mỹ và các đối tác an ninh ở khu vực châu Á, thực hiện chương trình tuần tra chung trong tương lai, cũng sẽ được đưa ra thảo luận.
Hình ảnh máy bay Trung Quốc bay thử nghiệm trên đường băng mà Bắc Kinh xây trái phép ởbãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. |
Theo ông Joe, việc các máy bay Trung Quốc mới đây thực hiện bay thử nghiệm trên đường băng mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trên bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, còn là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc mưu đồ áp đặt vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông.
“Trung Quốc có thể tuyên bố chính thức hoặc buộc chúng ta phải công nhận cái gọi là vùng phòng không trên Biển Đông. Điều cần làm hiện nay là phải có ngay hành động để phản đối âm mưu của Trung Quốc”, AP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines.
Năm 2013, Trung Quốc đã đơn phương thiết lập vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông bao trùm không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Tokyo và Bắc Kinh đang tranh giành quyền kiểm soát. Hành động của Trung Quốc đã khiến Mỹ cùng Nhật Bản lên tiếng phải đối mạnh mẽ.
Còn tại Biển Đông, Bắc Kinh từng nhiều lần ngang nhiên xua đuổi máy bay của Philippines và Mỹ xuất hiện gần khu vực Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa.
Để đảm bảo quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, Mỹ đã lần đầu tiên điều tàu khu trục tên lửa USS Lassen tới gần hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép trên bãi đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi tháng 10/2015. Sau đó, giới chức Mỹ cũng công khai tuyên bố sẽ tiếp tục chương trình tuần tra nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.
Về phần mình, Trung Quốc cho rằng việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo chủ yếu phục vụ mục đích dân sự như đảm bảo an toàn giao thông trên biển và đánh bắt cá song mưu đồ quân sự hóa trên vùng biển chiến lược cũng dần lộ rõ. Theo giới phân tích, sự xuất hiện của các hòn đảo mới là cơ sở giúp Bắc Kinh mở rộng phạm vi tiếp cận trên Biển Đông.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Associated Press (AP) của Mỹ. Đây là hãng tin lớn nhất trên thế giới, có trụ sở tại New York. AP cũng là một trong những nguồn cung cấp tin tức lớn nhất cho các tờ báo, đài truyền hình và đài phát thanh trên thế giới.