Phát triển khoa học và công nghệ Quảng Ninh đến 2020
Tuy nhiên, cơ cấu các ngành, lĩnh vực phát triển chưa thực sự hợp lý, còn thiên nhiều về khai thác và sơ chế các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, nhất là các ngành công nghiệp. Các ngành, lĩnh vực sản xuất còn thiếu các công nghệ sạch, thân môi trường. Năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp còn yếu. Nhiều tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh về du lịch, cơ khí điện tử, kinh tế biển, kinh tế biên mậu chưa được khai thác triệt để nên chưa tạo được tốc độ tăng trưởng GDP cao.
Khoa học và công nghệ chưa giúp đề ra những giải pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh của du lịch, công nghiệp, nông nghiệp; Kinh tế biển, kinh tế biên mậu. Quảng Ninh đang thiếu nhiều nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao, đội ngũ cán bộ quản lý còn ít về số lượng, yếu về chất lượng. Chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút cán bộ trình độ cao. Đầu tư cho khoa học và công nghệ còn thấp, chưa có giải pháp hữu hiệu để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư. Các dịch vụ về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, sở hữu trí tuệ, quản lý công nghệ chưa được chú ý đúng mức. Cơ chế chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ, hỗ trợ đào tạo nhân lực yếu. Thủ tục hành chính còn quan liêu, phiền hà, chưa tạo sức hút mạnh đối với các nhà đầu tư.
Để phát triển KT–XH của tỉnh đạt được mục tiêu “Đến năm 2020, trở thành tỉnh dịch vụ - công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, là một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước với hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; Đảm bảo giữ gìn và bảo vệ môi trường bền vững. Giữ gìn và phát huy tốt bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy bền vững kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và những khác biệt, đặc sắc của Vịnh Bái Tử Long; Phấn đấu trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội”, Quảng Ninh cần chuyển mạnh sang phát triển theo chiều sâu.
Giải pháp về phát triển khoa học công nghệ gồm: Thu hút các ngành công nghiệp đẩy mạnh công đoạn sản xuất sản phẩm công nghệ sạch, năng suất cao như: Đầu tư vào các nhà máy lắp ráp và đóng gói hàng điện tử quy mô lớn, mở rộng ngành chế biến thực phẩm, sản xuất nhiệt điện và sản xuất than bằng công nghệ sạch; Tăng năng suất và hiệu quả các hoạt động KT-XH hiện tại theo hướng phát triển bền vững; Đẩy mạnh ứng dụng và cải tiến khoa học công nghệ thay vì tăng lao động cơ học, vốn và tài nguyên; ứng dụng công nghệ internet nâng cao năng suất, kết nối của doanh nghiệp và chính quyền điện tử; Ứng dụng giải pháp công nghệ trong Y tế như trạm y tế di động, tổng đài y tế và trong giáo dục; Ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường như vận chuyển than bằng băng chuyền kín, áp dụng kỹ thuật đốt than hiệu quả cao trong các nhà máy nhiệt điện để cắt giảm khí thải…
Định hướng và phương án phát triển tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 cụ thể: Đổi mới tư duy về phát triển khoa học và công nghệ trong các ngành, lĩnh vực kinh tế truyền thống như khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo, đóng tàu; Những ngành, lĩnh vực mới như lắp ráp và kiểm chứng điện tử, chế biến thực phẩm và đồ uống. Đối với những ngành công nghiệp này, công nghệ của nhiều nước trên thế giới và trong khu vực đã phát triển ở trình độ cao và ổn định, vì vậy Quảng Ninh không cần nghiên cứu mà cần tập trung vào việc tìm kiếm, mua, chuyển giao công nghệ tiên tiến và đạt yêu cầu về công nghệ xanh nhằm không những nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh và năng lực cạnh tranh mà cả về môi trường và phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Đối với các ngành, lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh như du lịch, kinh tế biển, thương mại quốc tế, kinh tế biên mậu; nuôi trồng và chế biến nông lâm thủy sản, công nghiệp sản xuất dược phẩm… đây là những lĩnh vực có tính đặc thù chỉ riêng có ở Quảng Ninh với tính chất nguyên vật liệu có các đặc tính riêng biệt thì khoa học công nghệ của tỉnh cần tập trung vào việc nghiên cứu phát hiện, làm rõ giá trị các nguồn tài nguyên để quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng mô hình khai thác, sản xuất sản phẩm mới với công nghệ mới để hình thành các doanh nghiệp mới, lĩnh vực sản xuất mới và các ngành công nghiệp mới; Làm rõ các mô hình hội nhập phát triển kinh tế, thương mại quốc tế, kinh tế biên mậu, dịch vụ vận tải quốc tế.