Phát huy vai trò gia đình - nhà trường - xã hội trong giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh
Những năm gần đây, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh luôn được quan tâm nhưng vẫn có một số hạn chế nhất định. Vì vậy, cần có giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả công tác này.
Trong đó, vấn đề đầu tiên phải nhắc tới đó chính là sự kết hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường và xã hội.
Về vấn đề giáo dục đạo đức, văn hóa học đường cho học sinh (HS), ông Nguyễn Viết Hiển – Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình cho biết: “Quán triệt Chỉ thị của Bộ GD&ĐT về phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác giáo dục trẻ em, HSSV, Sở GD&ĐT Thái Bình đã rà soát, chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban đại diện cha mẹ HS trong trường phổ thông đối với việc hỗ trợ nhà trường trong quá trình giáo dục HS, nhất là quan tâm kịp thời các em HS cá biệt, yếu thế, hoàn cảnh khó khăn; việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, ngoài giờ lên lớp chính khóa ngày càng hiệu quả”.
Bên cạnh đó, các nhà trường đã chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ về quyền, bổn phận của trẻ em, mục tiêu giáo dục toàn diện và hài hòa về đức, trí, thể, mỹ; phát triển tốt nhất tiềm năng của mỗi HS; vai trò của gia đình trong việc giáo dục học sinh (HS) và tạo môi trường giáo dục gia đình, hướng dẫn, quản lý con em học tập, rèn luyện. Phát huy sự tham gia của gia đình trong công tác giáo dục đạo đức của nhà trường thông qua các hoạt động ngoại khóa; chia sẻ, hỗ trợ gia đình, cộng đồng và tổ chức xã hội về phương pháp giáo dục HS thông qua Ban đại diện cha mẹ HS, các câu lạc bộ của phụ huynh, phòng tham vấn tâm lý, tọa đàm.
Ngày càng có nhiều gia đình quan tâm nhiều hơn đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, chủ động phối hợp với nhà trường để cập nhật, trao đổi thông tin, tổ chức giáo dục đạo đức, lối sống trong trường học; tham gia tích cực các buổi họp, gặp gỡ trao đổi, xử lí các tình huống có liên quan. Chủ động phối hợp với nhà trường xây dựng và thực hiện các nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong gia đình cho HS.
Các nhà trường đã chủ động tham mưu với địa phương về kế hoạch phát triển nhà trường, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục HS nhà trường, đặc biệt là chất lượng giáo dục đạo đức lối sống. Xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan, ban ngành tại địa phương trong việc giáo dục HS và đảm bảo an ninh, trật tự an toàn trường học. Sự phối hợp này đã giúp nhà trường có thông tin kịp thời trong phối hợp tổ chức hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho HS.
Công tác xây dựng văn hóa trường học, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện: Các nhà trường quan tâm xây dựng khuôn viên, cảnh quan nhà trường xanh, sạch, đẹp. Phong trào xây dựng cổng trường an toàn giao thông được thực hiện tốt ở hầu hết các trường phổ thông trên toàn quốc. Nhiều địa phương tiếp tục duy trì phong trào xây dựng cảnh quan trường học như: “Ngày thứ Sáu xanh - sạch - đẹp”, xây dựng “Vườn hoa thanh niên”, mô hình “Trường học - công viên”...
Mô hình trường học công viên tại trường Tiểu học Đông Tân (Thái Bình) |
Các trường phổ thông thực hiện việc rà soát các khẩu hiệu hiện có, loại bỏ những khẩu hiệu không phù hợp với lứa tuổi, cấp học, môi trường giáo dục.
Theo báo cáo đã có 75% số trường đã lựa chọn, sử dụng các khẩu hiệu theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và phù hợp điều kiện của địa phương và nhà trường. Nhiều trường sử dụng khẩu hiệu thể hiện giá trị cốt lõi, sứ mạng, định hướng giáo dục, đào tạo, khẳng định truyền thống của nhà trường.
Các phong trào thi đua, các cuộc vận động: “Dạy tốt, học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp”, “Đổi mới và sáng tạo trong dạy học”... được triển khai có hiệu quả, đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.
Nhiều trường phổ thông đã chủ động xây dựng môi trường văn hóa học đường, xây dựng bộ Quy tắc ứng xử trong trường học gắn với xây dựng thương hiệu, uy tín của nhà trường trong xã hội: Tại Đồng Tháp có cuộc thi “Học sinh Đất Sen hồng hướng tới: Tự tin, tự lực, biết phản biện, gắn kết với thực tiễn, định hướng tương lai”; Tại Hà Nội: “Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch”; Tại Lào Cai: “Vì học sinh thân yêu; xây dựng trường học kỷ cương - văn hóa; chất lượng giáo dục thực chất”. Các bộ quy tắc ứng xử đã xác lập quy định cụ thể về các mối quan hệ ứng xử của các chủ thể trong nhà trường ứng xử của các thành viên trong nhà trường đã có chuyển biến tích cực.
Công tác tư vấn tâm lý học đường nhằm nắm bắt tâm lý HS, kịp thời phát hiện và xử lý những mâu thuẫn, xung đột trong trường học; tư vấn cho cha mẹ HS về công tác chăm sóc, giáo dục con em, nắm bắt tâm tư tình cảm, định hướng tư tưởng, giáo dục đạo đức cho HS ở gia đình… được triển khai đạt kết quả bước đầu.
Nhiều cơ sở giáo dục phổ thông đã thành lập tổ tư vấn tâm lý, trong đó đề cao vai trò giáo viên chủ nhiệm trong việc thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm lý, tình cảm, đạo đức HS, có giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời những khó khăn thường gặp trong học tập, trong cuộc sống của HS. Ở một số cơ sở giáo dục, tổ tư vấn tâm lý đã phát huy tác dụng tốt.
Hoàng Thanh