Phá bỏ tam cấp, lập lại vỉa hè đã được thực hiện từ sau năm 1993
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng việc thành phố ra quân dẹp vỉa hè, dỡ bậc tam cấp là chủ trương đúng, cần dư luận ủng hộ.
Từ năm 1993, khi luật đất đai thay đổi, Hà Nội đã quy định lại rõ ràng về việc xây dựng bậc tam cấp đối với những ngôi nhà mặt đường. Tuy nhiên, từ đó đến nay, cả người dân và cơ quan chức năng chưa thực sự thực hiện quyết liệt, nghiêm chỉnh.
Nguyên nhân thuộc về cả người dân và quy hoạch
Trao đổi cùng phóng viên Infonet, nguyên Hiệu trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội – Tiến Sĩ Nguyễn Văn Hùng cho rằng tình trạng nền nhà cao hơn vỉa hè ở thủ đô lỗi nằm ở cả bên phía người dân phần do các cơ quan chức năng chưa quản lý triệt để, quyết liệt.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Hùng - Nguyên hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng việc lập lại trật tự đô thị cần được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, phù hợp với thực tế |
Theo đúng quy định về xây dựng, người dân khi xây nhà phải dựa trên cốt nền đường chuẩn, người làm đường cũng phải dựa trên cốt chuẩn để làm đường. Nếu làm đúng được như vậy thì cũng sẽ không xảy ra lỗi như bây giờ. “Nguyên tắc là không được xây lấn ra ngoài địa giới ngoài mặt bằng của mình. Bên cạnh đó nếu làm đường mà làm đúng dựa trên cốt chuẩn thì không phải làm bậc tam cấp như thế. Nếu nền thấp mà người dân xây nền nhà cao hơn thì lỗi ở người dân và người dân phải chịu, đường xây sai cốt nền thì bên làm đường phải chịu. Ai làm sau mà làm sai thì trách nhiệm thuộc về người đó” – Nguyên Hiệu hưởng trường Đại học xây dựng Hà Nội cho biết.
Nói đến nguyên nhân, tiếng sỹ Hùng cho rằng có hai nguyên nhân chính. Về phía người dân, theo ông, nhiều gia đình làm nền cao hơn mặt đường do tâm lý đề phòng đường ngày càng cao lên (thực tế đã xảy ra tại khu vực Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái, nhiều nhà dân thấp hơn nền đường cả mét) hoặc nhà xây sau đua theo nhà xây trước. Thứ hai là khi xây nhà, tâm lí của người dân sẽ lo đến việc mùa mưa nước ngập vào nhà (thực tế xảy ra thường xuyên tại Thủ đô) nếu cốt đường cao hơn thì nước sẽ chảy vào nhà nên họ đành phải nâng nền nhà lên. Nền cao so với vỉa hè, mặt đường dẫn tới việc họ phải xây bậc tam cấp như bây giờ.
"Tại những dự án công trình lớn, cơ quan chức năng kiểm soát độ cao của nền nghiêm ngặt. Nhưng với nhà dân, việc này dường như không làm quyết liệt" – Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm
Thực tế cho thấy, nhiều nhà tận dụng diện tích sử dụng bằng việc xây các bậc tam cấp lấn ra bên ngoài phần địa giới cho phép. Bên cạnh đó, nhiều năm trước, việc xử lý lấn chiếm vỉa hè chưa thực sự nghiêm, cả vỉa hè lẫn bậc tam cấp đều được triệt để tận dụng để kinh doanh buôn bán.
Ông Hùng cũng cho biết thêm, thực chất người dân không phải là không biết, nhiều khi họ biết là sai nhưng vẫn cố lấn chiếm bằng nhiều cách ngoài bậc tam cấp như mái hắt, ống nước điều hòa. Ý thức của người dân chưa thực sự cao và quản lý chưa chặt chẽ là nguyên nhân tranh cãi về phá bỏ bậc tam cấp như hiện nay.
Đòi lại vỉa hè: phải thực hiện công bằng, quyết liệt nhưng cũng cần linh hoạt dựa trên thực tế
Tiến sỹ Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, việc lấn chiếm vỉa hè bằng bậc tam cấp như hiện tại, nếu như lỗi sai là ở người dân thì người dân phải tự chịu trách nhiệm và xử lý đúng như theo pháp luật. Ông cũng cho biết thêm, với những phần xây dựng nằm ngoài diện tích ghi trong sổ đỏ đều được cho là lấn chiếm, vì thế chủ trương của thành phố như hiện nay là đúng đắn. Vì thế, người dân có thể giải quyết bằng cách sử dụng các kết cấu tạm để lên xuống. Còn về lâu dài thì người dân có thể tính đến phương án hạ cốt nền, xây bậc tam cấp lùi vào trong nhà, tuy cách này có làm giảm diện tích sử dụng, mất thời gian và mất mỹ quan nhưng là cách hợp lý.
Kết cấu tạm để lên xuống sau khi phá bỏ bậc tam cấp |
Nguyên hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng đề xuất, để việc lấn chiếm không tái diễn, Hà Nội cần phải thực hiện đồng bộ, công bằng, quyết liệt. Không thể để một khu phố trong tình trạng nhà cao, nhà thấp, vỉa hè chỗ rộng chỗ hẹp, bậc tam cấp thò thụt như hiện tại.
Tuy nhiên, tiến sỹ cũng cho biết, đương nhiên theo chủ trương thì cần phải làm một cách công bằng nhưng cũng cần xử lý linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. “Luật đất đai sửa đổi có hiệu lực từ năm 1993, vì thế với những phần xây dựng đã tồn tại từ trước năm 1992 thì các cơ quan chức năng cũng nên có những phương án xử lý linh hoạt, phù hợp với tình hình hiện tại” – Tiến Sỹ Nguyễn Văn Hùng chia sẻ thêm.