Panorama Mã Pì Lèng lại gây "sóng" tranh cãi trên cộng đồng mạng
Cộng đồng mạng lại nổ ra những tranh cãi khi thấy hình ảnh cải tạo mới của công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama xây dựng tại đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, Hà Giang.
Năm 2019, công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama tại đèo Mã Pì Lèng bị dư luận chỉ trích dữ dội vì làm ảnh hưởng tới cảnh quan thiên nhiên. Sau đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xác định, mặc dù công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama được xây dựng ngoài khu vực bảo vệ II của danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng, nhưng lại nằm trong lòng Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn.
Thông tin từ UBND tỉnh Hà Giang năm 2019 cho biết: Hiện trạng công trình được xây dựng nằm ngoài mốc giới danh thắng Mã Pì Lèng. Công trình có kết cấu bê tông, cốt thép kết hợp các dàn kết cấu thép dùng để ngắm cảnh, gồm bảy cấp xây bám theo địa hình. (Ảnh phiên bản đầu tiên của công trình, nguồn ảnh: VnExpress) |
Sau khi bị dư luận chỉ trích, Panorama được sơn màu xanh lá năm 2019. (Ảnh: Người Lao Động) |
Qua tham vấn ý kiến của các chuyên gia, bộ ngành chức năng, UBND tỉnh Hà Giang đề nghị chủ đầu tư Panorama tháo dỡ, cải tạo công trình thành điểm dừng chân, ngắm cảnh và yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý.
Hình ảnh mới nhất về công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama sau khi cải tạo. (Ảnh: Diễn đàn Đô thị - Kinh tế - Xã hội Việt Nam) |
Tuy nhiên, năm 2020, rất nhiều khách du lịch và người địa phương phản ánh về khu tổ hợp nhà hàng, khách sạn Panorama đã mở cửa hoạt động trở lại với quy mô "khủng" hơn trước.
Công trình mở cửa trở lại sau cải tạo. (Ảnh: Báo Giao thông) |
Hoạt động kinh doanh tại nhà hàng vẫn tấp nập, rất đông du khách đến nghỉ chân bên trong công trình để chụp ảnh và sử dụng các dịch vụ khác như ăn uống. Giá vé “vào cửa” dịch vụ tham quan du lịch là 20 nghìn đồng/người.
So với phiên bản lần đầu tiên xuất hiện trên mạng xã hội, khu tổ hợp nhà nghỉ, nhà hàng Panorama như lột xác, trở nên đồ sộ nguy nga hơn. Và lại một lần nữa mạng xã hội dấy lên những tranh cãi về công trình này.
Cộng đồng mạng tranh cãi sau khi công trình Panorama tại Mã Pì Lèng cải tạo xong. |
Có ý kiến cho rằng, nhìn toàn cảnh công trình sau khi cải tạo còn cao hơn, đồ sộ hơn và có phần che lấp cảnh quan. Nhưng bù lại, kiến trúc công trình được thiết kế theo mang hơi hướng truyền thống và có màu sắc của cao nguyên đá.
Mã Pì Lèng khi chưa có công trình Panorama. (Ảnh:TTXVN) |
Cộng đồng mạng chia làm hai phe. Một bên nhất mực phản đối công trình dù trước hay sau cải tạo đều gây khuất tầm nhìn, che lấp cảnh quan khi muốn có một bức ảnh chụp toàn cảnh dòng sông Nho Quế uốn lượn nên thơ giữa núi rừng trùng điệp.
"Chỉ sướng mấy vị thích chụp ảnh. Còn đâu, rõ ràng là nó phá vỡ tầm nhìn một cách đầy áp bức."
"Cứ để họ bênh, vì họ chỉ đi xong về. sau 10-20 năm sẽ thấy cái cảnh mình đã gián tiếp phá hỏng một địa danh đáng lý ra mình đã có thể bảo vệ."
"Chỉ sướng cho mấy vị thích "tự sướng" thôi, chứ dân chụp ảnh chuyên nghiệp không ai thích mấy cái "kiến trúc" phá vỡ kỳ quan thiên nhiên kiểu này. Dân chụp ành chuyên nghiệp không ngại trèo đèo lội suối để có tấm hình đẹp. Chứ họ không cần chỗ ngồi nghỉ chân gọi ly cà phê có phục vụ bưng ra."
"Trông vẫn giống lô cốt. Quá tức mắt!"
"Vâng, tôi nghĩ sau vụ này sẽ có nhiều nơi nữa cũng sẽ làm như vây. Và họ chỉ cần sơn, trang trí giống với các địa danh di sản là được. Đã sai luật thì cần phải xử lý đúng luật."
"Có xả thải, vứt rác thẳng xuống dưới không nhỉ?"
"Người này xây được thì người sau xây được, người muốn xây thì không thiếu. Nghĩ ngắn nên thấy hài hước là đúng rồi".
Bên cạnh những ý kiến phản đối thì cũng có một phần cộng đồng mạng lên tiếng bênh vực:
"Mình từng lên Hà Giang và đi qua đó, mình nhìn nhận là không ảnh hưởng bao nhiêu đến cảnh quan nếu không muốn nói là có ích đến vấn đề nghỉ chân, rồi làm nơi đứng ngắm nhìn khung cảnh".
"Đi cung đường đèo mà gặp chỗ này chả khác gì lênh đênh trong đêm tối mà gặp hải đăng".
"Khi họ làm được địa phương ủng hộ, để yên cho họ làm ăn, có nó dân du lịch mới nhiều, dân ở đó mới khá hơn được. Định cho họ nghèo mãi ah?"
"Chửi gì thì chửi vẫn thấy sự tồn tại nó có ích. Hôm tôi đi đang mưa, vào đây ngồi chill ngắm cảnh được phết. Giữa năm sau tính làm chuyến nữa".
"Cái gì cũng có 2 mặt lợi và hại, hại như thế nào thì không biết nhưng cái lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số địa phương thì chả ai nghĩ cho. Khi điều kiện kinh tế phát triển, họ tự biết bảo tồn tài sản thiên nhiên địa phương họ, không cần người ngoài chỉ trỏ... Cái gì cũng muốn thì chỉ nằm mơ, đừng tiêu chuẩn kép".
Dù phản đối hay ủng hộ, cộng đồng mạng cũng đề cao ý thức bảo vệ di sản thiên nhiên, bảo vệ cảnh quan, nhất là đèo Mã Pì Lèng nơi được mệnh danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo” thuộc vùng núi phía Bắc của Việt Nam.
Lam Giang (t/h)