Osin bệnh viện ngày Tết: Nhiều tiền nhưng buồn lắm
Càng cận Tết, ai ai cũng hối hả trở về nhà ăn Tết, thế nhưng ở một số bệnh viện lớn như Hữu Nghị Việt Xô, Viện Lão khoa Quốc gia vẫn còn không ít ô sin bệnh viện quyết bám trụ những mong có người thuê trông người ốm trong những ngày Tết.
Thu nhập tiền triệu mỗi ngày
Chiều 27 Tết, sân Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô vắng bóng người ra vào. Thảng hoặc, có một vài người đến thăm người thân, dăm ba người ra viện. Tất cả đều vội vã.
Ngày tết, tuy kiếm bạc triệu nhưng những người làm "osin bệnh viện" đều mang trong mình nỗi buồn xa quê khôn tả. (Chị V, mặc áo đỏ, đang chăm sóc bệnh nhân) |
Ấy vậy mà, ngay giữa sảnh chính trước cửa khoa cấp cứu vẫn có một nhóm 4 nam giới và 2 người phụ nữ ngồi tụm lại. Khuôn mặt ai cũng lộ rõ vẻ mệt mỏi. Dù miệng vẫn nói chuyện với nhau nhưng tất cả đều chăm chăm hướng ánh nhìn ra cổng viện.
Với giọng đậm chất Nghệ, anh Thành ( Đô lương, Nghệ An) thao thao bất tuyệt: Lúc nãy có một người ở Ba Đình tìm đến thuê 7 ngày Tết để chăm cụ bà bị liệt đã 3 năm nay. Bệnh như thế quá nặng rồi, ấy thế mà chỉ trả có 500.000 đồng/ngày.
Nghe vậy, một “ đồng nghiệp” ngồi kế bên chen vào, anh này nói “ Giờ chúng ta là hàng hiếm. Số người ở lại như chúng ta còn rất ít. Vì thế mọi người không nên phá giá, tối thiểu 800.000 đồng /ngày ở viện, và 700.000 đồng/ngày ở nhà nuôi ăn thì mới làm”.
Đang rôm rả, bỗng dưng cả nhóm người nhớn nhác đứng dậy. Chẳng ai bảo ai, 3 trong số họ vội lao ra cổng viện. Ở đó, có một phụ nữ đứng tuổi đang đứng chờ sẵn. Chừng 30 phút sau, 1 trong số 3 người vội vã quay trở vào sân viện. Vừa xách túi, anh vừa kể với mấy người bạn, ông già 76 tuổi ở Vĩnh Tuy, mới bị tai biến mạch máu não. Nói rồi anh tất tả chạy ra cổng, leo lên xe người phụ nữ nọ.
Bác V. (xe ôm) tại cổng bệnh viện Hữu Nghị cho biết: Tại bệnh viện này có một nhóm khoảng 20 người chuyên chăm sóc thuê cho người ốm. Họ từ khắp nơi đổ về nhưng nhiều nhất là Phú Thọ, Thái Bình. Những ngày Tết, chỉ còn khoảng một nửa số người này ở lại.
“Họ không chỉ chăm sóc cho bệnh nhân tại viện mà nếu gia chủ có nhu cầu thuê về nhà họ cũng sẵn sàng đi. Ngoài đội ngũ chuyên bám trụ ở đây, thì những ngày Tết cũng có người mới đến tìm việc làm thời vụ. Số này thường đông gấp đôi. Họ ngồi đơn lẻ trong sân hoặc đứng chờ ngoài cổng viện.
Thông thường, những ngày Tết nhu cầu tìm người giúp việc chăm sóc người ốm khá đông. Không công khai nhưng nơi này trở thành “ chợ” cung cấp người giúp việc chăm sóc người ốm. Từ sáng đến giờ tôi đã chở 5 người đến nhà chủ” – bác V. nói.
Cực chẳng đã mới phải bỏ Tết
Không ngồi cũng hội những “osin bệnh viện chuyên nghiệp”, chị Nguyễn Thị Hợp (47 tuổi ở Tam Dương, Vĩnh Phúc) lại chọn ghế đá trước khoa ngoại, Bệnh viện Việt Xô ngồi đợi khách.
Vừa thấy tôi đi đến, chị vội vàng bắt chuyện ngay. Chị kể, đã có 8 năm trông người ốm Tết.
27 Tết, vừa rời nhà chủ lúc 12h, chị Hợp đã có mặt tại BV Việt Xô để chờ được thuê làm osin bệnh viện |
Bình thường chị đi làm giúp việc gia đình. Đến 27 Tết sau khi đã giúp chủ dọn dẹp sạch sẽ nhà chị xin về quê nghỉ Tết. Nói là về quê nhưng thực ra chị không về mà đi thằng đến Bệnh viên Hữu Nghị tìm việc làm thêm những Tết.
Năm nay cũng thế, sau khi dời nhà chủ từ Cầu Giấy 12h hơn chị đã có mặt ở sân bệnh viện. Đã quá 2h chiều vẫn chưa thấy có người đến thuê. Chị bảo “Sẽ ngồi đây đợi đến hết đêm. Nếu sáng mai vẫn không có người gọi đi thì chị sẽ về quê ăn Tết”. Nói đến đây, chị trùng xuống đôi mắt thoáng buồn.
Ngưng một lát, chị kể tiếp nhà chị có 3 con trai. Cả 3 đều đã lớn, hai con đầu làm công nhân, cậu út 20 tuổi đang học đại học. Cách đây 10 năm, chị đã xuống Hà Nội làm ô sin.
“Nhiều người làng cứ nghĩ công việc này là xấu, là đi làm mướn. Họ cũng ì xèo, nói vào nói ra khiến thời gian đầu chồng và các con không đồng ý. Nhưng tôi phân tích, cả nhà 5 miệng ăn chỉ trông vào 3 sào ruộng, tôi cũng không biết buôn bán, lấy gì để nuôi nhau? Đi làm giúp việc hết tháng có một khoản tiền lận lưng. Làm gì cũng là làm, tôi không ăn cắp, ăn trộm… thì có gì mà phải xấu hổ?” – chị Hợp nói.
Với suy nghĩ ấy, chị quyết tâm đi. Từ đó, năm thì mười họa chị mới về quê một vài hôm. 10 năm đi làm giúp việc gia đình thì 8 năm trông người ốm Tết.
Nói đến đây chị ngân ngấn nước mắt: “ Không thích về Tết là dối lòng, không nhớ nhà nhớ quê là không đúng. Mỗi lần nhìn nhà chủ quây quần bên mâm cơm Tất niên, thấy họ xúng xính đi thăm thú họ hàng,nhất là nhà nào có trẻ con là thương cháu ở quê lắm.
Cháu mình thì không chăm đi chăm cháu người, chưa kể ngày Tết gia đình chủ đủ đầy, còn mình lủi thủi bên cụ già hoặc lẫn, hoặc ỉa chảy đái dầm, buồn lắm chứ. Giờ chả biết ở nhà ông ấy chuẩn bị Tết như thế nào nữa?.”
Biếu chị ít tiền, tôi vừa mong chị có việc làm vừa mong chị thất nghiệp. Bởi biết đâu, nếu “ế khách” chị lại có một cái Tết sum vầy bên gia đình mà ở đó chị được tự tay chăm sóc chồng, con, cháu sau gần chục năm xa vắng. Cho dù cái Tết ấy có thể đạm bạc hơn nhưng tình cảm gia đình đầy ắp.
Nhưng chị Hợp cũng giống như bao người giúp việc bệnh viện khác, họ đều mong có việc để làm, để có thêm khoản thu nhập cho những ngày giáp hạt sắp đến.
Chị Nguyễn Thị V ( Đoan Hùng, Phú Thọ) cũng làm giúp việc cho một bệnh nhân nam tại BV E Hà Nội. Đây là lần đầu tiên chị V không được về quê ăn Tết. Chị làm giúp việc cho nhà chủ đã được 2 năm. Nhà chỉ có ông bà già hơn 70 tuổi.
Năm ngoái, đến 28 Tết là chị đã được nghỉ về quê nhưng hơn một tháng nay, ông chủ đổ bệnh, chị Vân phải theo vào viện chăm. Người già vốn đã khó tính, giờ càng khó tính hơn. Ông lẩm bẩm suốt ngày. Để cái cốc không đúng chỗ ông cũng nói, lau mặt cho ông hơi mạnh tay ông cũng càu nhàu.
Có hôm chị đang hứng bô cho ông đi vệ sinh, bất ngờ ông dùng tay hất bô, chân đạp vào người chị khiến chị ngã bổ ngửa, bao nhiêu nước đái văng khắp mặt. “ Tôi đã khóc. Ở nhà, đến bố mẹ đẻ tôi còn chưa chiều như thế, vậy mà với người dung vẫn cứ phải nhẫn nhịn, phải chịu đựng” – chị V ngậm ngùi.