Ông khách Nga phải lòng bà mẹ đơn thân
Có lẽ ông trời thương cuộc đời tôi nên mang anh đến. Anh tuyệt vời đến mức các con thường thốt lên rằng: Papa là người đàn ông tốt nhất thế gian”.
Từng hai lần đổ vỡ hôn nhân, bà mẹ hai con bất ngờ gặp được anh Touloupov Vladimir tại nhà hàng nơi chị làm phục vụ. Họ chia sẻ cuộc đời và xây đắp hạnh phúc trong ngôi nhà tràn ngập tình yêu thương, bên những thiên thần xinh xắn.
Cứ “yêu là đau khổ”
Nhắc tới chị Lâm Thị Mỹ Linh, nhiều chị em trong hội nhóm mẹ bỉm sữa sẽ nhớ ngay đến hình ảnh bà mẹ đông con, trong đó có hai em bé lai Việt - Nga bụ bẫm và đáng yêu.
Chị Linh sinh ra và lớn lên tại Vũng Tàu. Năm 18 tuổi, khi bạn cùng trang lứa đang còn vui vẻ tận hưởng những năm tháng áo trắng tươi đẹp thì chị đã sớm trải nghiệm “yêu là đau khổ”, và phải trả giá đắt cho sự bồng bột của tuổi trẻ. Chị có thai ngoài ý muốn khi vừa rời cánh cổng trường cấp III.
Chị Linh bên ông xã Touloupov Vladimir những ngày mới yêu nhau |
Khi con đầu bốn tuổi, chị gặp và tiến tới hôn nhân cùng người chồng thứ hai. Tưởng rằng đây sẽ là cơ hội làm lại cuộc đời, thế nhưng hạnh phúc của chị chỉ vỏn vẹn được một tháng đầu.
Chồng chị lúc ấy ham chơi, lười làm, đêm ngày cờ bạc, lô đề. Trước đó, dù đã được nhiều người khuyên bảo nhưng chị vẫn quyết tiến tới với hy vọng anh sẽ thay đổi, tu chí làm ăn.
Một năm sau ngày cưới, chị Linh hào hứng khoe với chồng chuyện đã cấn bầu. Nghe xong người đàn ông đáp lại với thái độ dửng dưng, lạnh lùng. Biết chẳng thể trông chờ vào chồng, Linh vác bụng bầu đi làm công nhân nhà máy thủy hải sản. Chị nhận thêm việc, cố làm từ tờ mờ sáng tới đêm muộn để dành dụm tiền sinh con.
Những tưởng với sự xuất hiện của đứa trẻ sẽ là cầu nối để dung hòa mối quan hệ vợ chồng, thế nhưng đến ngày chị đi sinh, chồng chị cũng chẳng ló mặt tới.
Cứ như vậy, hơn ba năm chung sống, mâu thuẫn liên tục được đẩy lên cao trào. Không ít lần chị muốn tự kết liễu cuộc đời tủi nhục của mình, nhưng nghĩ đến hai đứa con thơ đã chịu đủ thiệt thòi, chị lại gượng đứng dậy.
Chị nhận ra: “Tôi đã sai khi nghĩ rằng anh ta sẽ thay đổi, sai vì không thực hiện được lời hứa với con là sẽ cho bé một gia đình hạnh phúc. Khi bình tĩnh lại, tôi biết mình không thể ích kỷ như thế. Nếu giải thoát cho bản thân vậy hai đứa nhỏ sẽ ra sao khi thiếu mẹ? Chúng chính là động lực để tôi tiếp tục sống”.
Năm 2011, khi con gái thứ hai hơn một tuổi, chị quyết định ly hôn. Ôm con bước ra khỏi nhà, trong tay chị chỉ vỏn vẹn 1 triệu đồng. Quần áo cũng chẳng có vali đựng, chị vơ tạm vào chiếc túi nhựa và xách đi.
Chị gửi con cho mẹ đẻ để ra thành phố làm thợ cắt tóc. Dù đã cố gắng rất nhiều, song số lương ba cọc ba đồng chị làm ra chỉ đủ đóng tiền học cho con, còn chi phí khác phải nhờ nhà ngoại.
Chứng kiến em gái quá vất vả, chị gái Linh khuyên em nên đi học tiếng Anh để xin một chân phục vụ nhà hàng mới mong có thu nhập khá hơn. Với vốn ngoại ngữ ít ỏi học từ trung tâm Anh ngữ, chị Linh xin vào một nhà hàng Úc ở Vũng Tàu vừa để học nghề, vừa trau dồi ngôn ngữ.
Nhờ chịu thương chịu khó nên ngoài thời gian làm công việc bưng bê, chị lại tranh thủ cầm quyển thực đơn của nhà hàng để luyện từ mới, chịu khó nghe khách Tây nói chuyện. Lâu dần sự kiên nhẫn và chăm chỉ của chị đã được đền đáp, vốn từ đa dạng và cách phát âm của chị cũng tốt hơn.
Tiếng sét ái tình trong nhà hàng
Năm 2014, anh Touloupov Vladimir có chuyến công tác ở Vũng Tàu ba tháng, anh ở khách sạn gần nơi chị làm việc, ngày nào anh cũng đi ăn ở khu vực đó, nhưng lại không bao giờ vào nhà hàng nơi chị Linh làm. Một hôm, nghe lời mời chào ngọt ngào của nhân viên tiếp đón, anh đã ghé vào ăn tối.
Ấn tượng của chị Linh lần đầu gặp Touloupov là người đàn ông ngoại quốc tóc dài, vàng hoe, rối bù, mang đôi dép kẹp, quần lửng, áo thun nhìn khá lôi thôi, bù lại trên môi anh lúc nào cũng nở nụ cười và bập bẹ vài câu tiếng Việt hài hước.
Thấy chị Linh bưng đồ ăn đến bàn, Touloupov nhìn chăm chú và thốt lên câu: “Mắt em đẹp lắm”. Bối rối trước nhận xét của vị khách nước ngoài, chị thầm nghĩ: “Anh là người đầu tiên khen tôi đó”.
Khi đã “phải lòng” cô gái phục vụ người Việt, những lần sau Touloupov chỉ đến nhà hàng nơi có chị Linh làm việc để dùng bữa.
Chị kể: “Anh đến nhà hàng, ai cũng quý vì anh luôn biết cách pha trò để làm mọi người vui. Sau một tháng quen biết thì mình chính thức đến với anh. Lúc đó mình chỉ nghĩ đơn giản là tìm một ông Tây để có người cùng lo cho con, chứ chẳng thiết chuyện yêu đương. Mình là mẹ đơn thân không tài không sắc, chỉ mong gặp may mắn”.
Touloupov là người đàn ông từng trải, vui nhộn và ấm áp, khiến bà mẹ đơn thân cảm mến. Biết nhau gần hai tháng, Touloupov muốn đến thăm chỗ ở của chị. Căn phòng chật chội cuối con hẻm nhỏ trong khu lao động nghèo khiến chị Linh e ngại.
Khi Touloupov tới, thấy căn phòng của ba mẹ con chỉ đủ kê một chiếc giường, ánh mắt anh nặng trĩu như muốn khóc.
Một thời gian sau, mẹ chị Linh phát bệnh ung thư, Touloupov biết chuyện, anh chủ động hỗ trợ để bà có tiền chạy chữa. Ngày đưa bà từ bệnh viện về, vì con hẻm quá nhỏ, xe không vào được, Touloupov đã chung tay khiêng cáng đưa bà vào tận nhà.
Không lâu sau, mẹ chị Linh qua đời, anh tất bật phụ giúp, lo cho đám tang của bà như một người con. Dù không hiểu văn hóa tang lễ, cũng không sành sỏi tiếng Việt, người đàn ông ấy vẫn khiến người dân trong xóm quý mến vì chẳng nề hà việc gì.
Lo xong việc ma chay, Touloupov đề nghị được lo cho ba mẹ con chị Linh. Trước khi trở về nước, Touloupov đã tìm một căn phòng rộng rãi hơn để thuê cho chị cùng các con sinh hoạt. Kể từ ngày đó, anh thường xuyên qua lại giữa Việt Nam và Nga để chăm sóc mẹ con chị Linh.
Càng ở bên nhau, hạnh phúc càng lớn dần theo năm tháng. Touloupov hay nói với chị: “Tại sao anh không gặp em sớm hơn! Anh muốn bù đắp cho mẹ con em, anh sẽ không bao giờ để em buồn thêm nữa”. Năm 2017, sau lần Touloupov về Việt Nam ăn tết, anh chị đã làm thủ tục đăng ký kết hôn và có với nhau một bé trai, đặt tên là Timothy. Ðến năm 2019, sau nhiều năm đi lại giữa hai nước, Touloupov quyết định đưa cả gia đình sang Nga sinh sống. Một thời gian sau, chị Linh sinh bé gái Anastasia, nay đã bảy tháng tuổi.
Bước vào cuộc hôn nhân thứ ba, chị Linh từng đắn đo nhiều, chị lo tiếp tục dẫm phải vết xe đổ, chị lo chẳng thể dung hòa được mối quan hệ bố dượng, con riêng. Tuy nhiên, đến giờ phút này, sau bảy năm chung sống, chị Linh đã thêm tin vào tình yêu, chị cũng tin rằng mọi hy sinh, vất vả của bản thân đã được bù đắp xứng đáng.
Nhìn cách Touloupov chăm sóc, quan tâm tới các con riêng, chị Linh nghĩ rằng quyết định đưa các con đi cùng là lựa chọn đúng đắn.
Chị tâm sự: “Khi sống chung mới biết anh rất tâm lý, anh xem việc học của các con là trên hết. Anh không phân biệt con chung, con riêng. Đôi khi anh thương yêu chiều chuộng các con hơn cả vợ.
Có lẽ ông trời thương xót cho cuộc đời của tôi nên đã mang anh đến. Anh tuyệt vời đến mức các con thường thốt lên rằng: Papa là người đàn ông tốt nhất thế gian”.
Hiện tại gia đình chị Linh định cư ở Nga. Anh Touloupov làm việc cho công ty xuất khẩu hải sản, chị ở nhà chăm sóc các con. Chị cho biết, chừng ấy năm bên nhau cả hai chưa từng mâu thuẫn hay xảy ra bất đồng quan điểm. Mỗi khi trao đổi về một vấn đề, vợ chồng chị đều dung hòa để mọi thứ trở nên nhẹ nhàng…
Tổ ấm nhỏ giờ đây có thêm hai thành viên mới |
Quen nhau qua mạng, vợ Việt chồng Tây tiến tới hôn nhân hạnh phúc dù chênh nhau 10 tuổi
Dù đến từ hai đất nước khác nhau, chênh lệch tuổi nhau nhưng với tình yêu, sự chung thủy, cuộc sống gia đình của Thảo Vy cùng chồng Tây luôn ngập tràn tiếng cười và niềm hạnh phúc.
Theo www.phunuonline.com.vn