Ông Đặng Thành Tâm vắng mặt, nữ tướng KBC báo sạch nợ trái phiếu, đón FDI tỷ USD
Ngày 23/6, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2023. Chủ tịch Đặng Thành Tâm vắng mặt do việc gia đình. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, CEO KBC, chủ trì đại hội.
Bà Hương cho biết, tính tới ngày 22/6, KBC chính thức đưa nợ trái phiếu về 0 đồng. Theo báo cáo tài chính, tới cuối năm 2022, KBC có tổng dư nợ trái phiếu 3.900 tỷ đồng.
Trước đó, hồi cuối tháng 5, KBC của ông Đặng Thành Tâm chỉ mua được một nửa số trái phiếu chào mua lại trước hạn. Đây là một tín hiệu khá bất ngờ sau gần một năm thị trường trái phiếu doanh nghiệp lao dốc.
Tại đại hội, CEO KBC bật mí về một doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn dự kiến thuê phần còn lại của Khu công nghiệp (KCN) Nam Sơn Hạp Lĩnh (Bắc Ninh), sẽ mang vào Việt Nam hàng tỷ USD.
Trước đó, KBC đã cho Goertek thuê 62,7ha KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh và ghi nhận doanh thu vào quý II/2023.
Ngày 20/6, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch chung của tỉnh Bắc Ninh và KBC có thêm 150ha ngay sát KCN Quế Võ. Với khu đô thị Phúc Ninh, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và KBC đã họp và trong thời gian ngắn sắp tới sẽ xử lý xong một số vấn đề thủ tục để tiếp tục ký hợp đồng và thu tiền khách hàng đã mua nhà và mở bán giai doạn tiếp theo.
Tại Bắc Giang, Bà Thu Hương cũng cho biết, KCN Quang Châu và Quang Châu mở rộng đã cho Foxconn thuê 50ha. Sắp tới, KBC đang làm thủ tục để Quang Châu thu hút hơn 1,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. KCN Quang Châu được xem là điểm nhấn phía Bắc và là nơi tập trung các doanh nghiệp công nghệ cao.
Theo bà Hương, trong quý II, Bắc Giang tiếp tục đứng thứ 2 cả nước về tăng trưởng kinh tế. Trước đó, Bắc Giang đã thu hút đầu tư 1,2 tỷ USD, trong đó KBC đóng góp các doanh nghiệp 700 triệu USD.
Dự án nhà ở xã hội (NOXH) tại thị trấn Nếnh, tỉnh Bắc Giang đã xong và chuẩn bị bàn giao trong năm nay. Trong khi đó, những dự án mới đang đẩy mạnh quá trình pháp lý.
Tại Hải Phòng, Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 chưa chính thức được động thổ nhưng KBC đã đền bù được vài trăm ha, bằng hình thức mua đất của dân. Khu đô thị Tràng Cát cũng đã được triển khai các công đoạn, san lấp được 100ha.
CEO của KBC cũng cho biết, hiện có khoảng 20 doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc đang quan tâm đến KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh và KCN Tràng Duệ 3.
Về tình hình kinh doanh chung, theo đại diện của KBC, diện tích cho thuê KCN dự kiến 2023 là 250ha, hiện nay đã đạt 70%. Ước doanh thu 6 tháng đạt 4.500 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 2.000 tỷ, hoàn thành 50% kế hoạch cả năm.
KBC lên kế hoạch dự kiến doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2023 lần lượt 9.000 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng như đề ra đầu năm. Trong năm 2023, KBC tập trung cho thuê với các doanh nghiệp đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Trung Quốc với các dự án sản xuất điện tử, linh kiện tai nghe, logistics, đồ điện gia dụng.
Trước đó tại một talkshow, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch cho biết, ông và KBC “may mắn, chứ không tài giỏi gì” khi doanh nghiệp bất động sản công nghiệp bứt phá, tiền dồi dào và quỹ đất lớn sẵn sàng phục vụ các tập đoàn lớn nước ngoài, trong đó có Apple.
Gần đây, các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp, trong đó có KBC, đã tham gia xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân để tăng cường cam kết với các tập đoàn nước ngoài.
Ông Tâm cho biết, đơn cử như Apple, ngay khi vào Việt Nam, tập đoàn này mong muốn phải bảo đảm nơi ăn chốn ở cho công nhân để đảm bảo sản xuất.
Thời gian qua, KBC cho thuê đất khu công nghiệp với giá cao hơn (gấp 1,5-2 lần) và đang nhắm vào lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất chip.
Mạnh Hà