Ốc đảo đầy cá mập hung hãn ẩn mình dưới vùng biển Maldives
Các nhà nghiên cứu vô cùng bất ngờ về phát hiện mới ở Maldives. Họ mô tả khu vực này là 'vùng bẫy', nằm gần núi lửa biển sâu Satho Rahaa của Maldives. Satho Rahaa có chu vi khoảng 28 km, ngọn núi lửa cổ đã tắt, cao khoảng 1.500 mét so với đáy đại dương
Đây là ốc đảo sự sống với nhiều cá mập đói thường xuyên ẩn nấp rình rập săn các sinh vật biển nhỏ. Những sinh vật này gọi là micronekton, có kích thước khoảng từ 2-20 cm, từ loài nhuyễn thể đến các sinh vật lớn hơn như cá.
Micronekton di chuyển độc lập không ảnh hưởng từ các dòng hải lưu, ban đêm, chúng bơi lên bề mặt đại dương để săn sinh vật phù du, rồi lặn trở lại độ sâu an toàn lúc bình minh. Chúng thường xuyên phải tìm cách tránh né để thoát khỏi sự truy đuổi của đàn cá mập hung hãn.
Theo các nhà nghiên cứu, trong 'vùng bẫy' là những vách đá dựng đứng dưới bề mặt đại dương. Các rạn san hô hoá thạch và đá núi lửa ngăn cản vi sinh vật lặn sâu hơn 500 mét.
Alex Rogers, nhà sinh thái học biển tại Đại học Oxford, Anh cho biết: "Vùng bẫy đang tạo ra một ốc đảo sự sống ở Maldives, có tất cả dấu hiệu về một hệ sinh thái mới khác biệt. Chúng tôi cho rằng vùng bẫy có thể tồn tại ở các hòn đảo đại dương khác".
Phát hiện độc đáo mới là một phần trong Sứ mệnh Nekton Maldives đưa tàu ngầm xuống độ sâu 1.000 mét dưới bề mặt nước ở gần 20 đảo san hô tự nhiên của Maldives.
Sử dụng đèn chiếu của tàu ngầm Omega Seamaster II, các thợ lặn phát hiện ra nhiều loại cá mập khác nhau trong vùng bẫy như cá mập hổ, cá mập sáu mang, cá mập mõm, cá mập đầu búa, cá mập gai ...
Các nhà khoa học tin rằng nghiên cứu chi tiết khu vực vùng nước sâu của đại dương giúp con người tìm hiểu cách nó phát triển hệ sinh thái kỳ lạ nhưng vô cùng bền bỉ, đồng thời tìm ra cách bảo tồn các vi sinh vật, nguồn thức ăn của sinh vật phù du đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Sự tồn tại của vi sinh vật rất quan trọng đối với Maldives, vì bên cạnh du lịch, đánh bắt cá là ngành công nghiệp lớn thứ hai ở đảo quốc này.
Theo khảo sát địa chất của Mỹ, nếu tình trạng ấm lên toàn cầu tiếp tục diễn ra với tốc độ hiện tại, gần 80% Maldives sẽ trở thành khu vực không thể ở được vào năm 2050.
Hoàng Dung (lược dịch)