“Nước bạn ra 19 đòn, Việt Nam mới ra được 1 đòn”
Trong khi các nước trên thế giới từ lâu đã biết đến công cụ phòng vệ thương mại (PVTM)- chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và sử dụng hiệu quả để bảo vệ các doanh nghiệp của mình khỏi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu thì ở Việt Nam công cụ này dường như vẫn còn bỏ ngỏ.
TS. Nguyễn Thu Trang giám đốcTrung tâm WTO và Hội nhập VCCI |
Cụ thể, TS. Nguyễn Thu Trang cho biết, tính đến tháng 10/2015, đã có 70 vụ kiện chống bán phá giá với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu, 7 vụ kiện trợ cấp và 17 vụ kiện tự vệ. Tổng số vụ dẫn tới áp dụng biện pháp PVTM là 46 vụ. Trong khi đó, Việt Nam tới nay mới chỉ sử dụng công cụ này 4 lần, với 3 vụ kiện tự vệ và 1 vụ kiến chống bán phá giá. Tổng số vụ dẫn tới áp dụng biện pháp PVTM là 2 vụ.
“Nhìn vào số liệu, nếu so sánh các vụ kiện như đấm bốc thì các bạn ra đòn 19 lần, Việt Nam mới ra đòn được 1 lần. Còn nếu ra đòn thành công thì các bạn hạ nốc- ao chúng ta 23 lần, chúng ta mới hạ nốc- ao được 1 lần. Đây là bức tranh toàn cảnh về việc chúng ta sử dụng biện pháp PVTM như thế nào ở nhà ta để bảo vệ ta, so với các bạn sử dụng biện pháp phòng vệ như thế nào ở nhà bạn để đối phó với chúng ta”, bà Trang nói.
Cũng theo bà Trang, nếu nhìn vào các vụ điều tra PVTM đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam có thể thấy phần lớn vụ việc là điều tra áp dụng biện pháp tự vệ. Điều này dường như đi ngược lại thông lệ quốc tế, đây là biện pháp ít được sử dụng.
Bởi công cụ này không chống lại hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà chỉ đơn thuần là biện pháp bảo hộ tạm thời trước tình trạng gia tăng đột biến của hàng hóa nhập khẩu gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa. Nghĩa vụ của bên đi kiện tương đối nhẹ nhàng nhưng lại làm khó cho Chính phủ vì phải đền bù cho các nước nhập khẩu bị ảnh hưởng.
Thứ hai, nguyên đơn khởi kiện trong vụ việc này đa số đang nắm giữ vị trí độc quyền, thống lĩnh thị trường. Trong cả 3 vụ việc PVTM của Việt Nam thì nguyên đơn chỉ gồm 1 hoặc 2 doanh nghiệp. Những doanh nghiệp này có đủ năng lực, điều kiện để đi kiện. Tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa PVTM là công cụ của nhà giàu, chưa phải là công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích của các doanh nghiệp nhỏ, chịu tác động mạnh từ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nước ngoài tại Việt Nam.
Thứ ba, các sản phẩm bị kiện ở Việt Nam đều không phải là các sản phẩm trong tốp đầu về nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này cho thấy nhiều loại hàng hóa khác của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nhập khẩu chưa được bảo vệ bằng công cụ PVTM.
“Trong bối cảnh hội nhập khi xóa bỏ hàng rào thuế quan, PVTM là công cụ cực kỳ quý giá để bảo vệ thị trường nội địa. Nhưng điều gì đang cản trở doanh nghiệp thực hiện công cụ này?” bà Trang đặt câu hỏi.
Theo kết quả điều tra của Trung tâm WTO và Hội nhập- VCCI khoảng 63% các doanh nghiệp được hỏi đã biết về công cụ PVTM. Trong khi đó, cách đây 10 năm, khi các tra- basa của Việt Nam lần đầu tiên bị kiện ở Hoa Kỳ, hầu như không có doanh nghiệp nào có khái niệm về PVTM. Có 15,09% không biết về PVTM, hơn 19% đã từng tìm hiểu sơ sơ, và chỉ 1.89% đã tìm hiểu tương đối kỹ về PVTM.
Có một vấn đề cũng khá lo ngại khi có đến 86% số doanh nghiệp cho rằng nếu đi kiện thì mình sẽ gặp khó khăn trong huy động tài chính. Về khả năng tập hợp bằng chứng chứng minh hàng hóa nước ngoài bán phá giá, cũng chỉ có 2% doanh nghiệp cho rằng mình có thể tập hợp đầy đủ các thông tin, bằng chứng cho việc đi kiện. 33% số doanh nghiệp cho biết đây là nhiệm vụ bất khả thi đối với họ. Còn lại 65% cho rằng có thể tập hợp một số thông tin nhưng không đầy đủ cho việc đi kiện.
Theo bà Trang, PVTM không phải là “cuộc chơi” của cá nhân mỗi doanh nghiệp riêng lẻ, nó là “cuộc chơi tập thể”- là hành động của cả một ngành sản xuất nội địa sản phẩm liên quan.
Đặc biệt, với việc ký và thực hiện các FTA, thị trường hàng hóa Việt Nam sẽ đứng trước thách thức lớn từ hàng hóa nước ngoài nhập khẩu, trong đó ngoài những thách thức đương nhiên của quá trình cạnh tranh còn có các thách thức đến từ những hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ các đối tác.
Do đó các doanh nghiệp cần nâng cao hiểu biết, kỹ năng, tăng cường hiệu quả sử dụng các công cụ PVTM được phép, hợp pháp để đấu tranh với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc gây thiệt hại từ hàng hóa nước ngoài.