Cô gái trẻ 'biến' lá cây thành tiền, mở hướng phát triển làng nghề truyền thống
Với mong muốn gìn giữ, duy trì và phát triển nghề thủ công truyền thống của quê hương, chị Quản Thị Cúc (SN 1987, quê Thái Bình), một nghệ nhân trẻ đã nảy ra ý tưởng sáng tạo các sản phẩm từ nghệ thuật thêu 3D.
Chia sẻ với PV Infonet, chị Quản Thị Cúc cho biết, từ nhỏ chị đã đam mê với việc "se chỉ luồn kim" này và chị luôn mong muốn gìn giữ được nghề thủ công truyền thống.
"Tôi trưởng thành từ làng thêu truyền thống ở huyện Vũ Thư (Thái Bình) và bén duyên với công việc này từ thuở lên 9-10 tuổi.
Lúc bấy giờ, tôi đã tự mình thêu được những sản phẩm hoàn chỉnh và có thể phụ giúp mẹ thêu để kiếm tiền. Tuy nhiên, khi lớn lên, tôi đã chọn nghề khác để kiếm sống.
Thế nhưng vài biến cố ập đến, tôi đã từ bỏ công việc và khăn gói về lại quê nhà Thái Bình. Nhận thấy nghề thêu tay dần mai một và nhiều người ở làng gần như không "mặn mà" với nghề này, không hiểu sao tôi lại muốn góp sức vực dậy, thổi lửa cho làng nghề sống lại. Nghĩ là làm, tôi bắt tay vào thực hiện và toàn tâm toàn ý theo đuổi nghề thêu thủ công này", chị Cúc kể lại.
Chị Cúc cũng cho rằng, điều quan trọng nữa là khi chị muốn vực dậy nghề truyền thống này là vì khi làm chị thấy được niềm vui ở đó, thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn khi công việc chị lựa chọn lại giúp được nhiều người biết đến nghề thêu cũng như giúp xã hội lưu giữ và phát triển nghề. Cũng vì thế nên chị ngày càng yêu thích và mong muốn phát triển nghề thêu tay.
Chị Cúc kể về những ngày đầu bắt tay vào làm. Làm được ra sản phẩm nhưng tìm được đầu ra để tiêu thụ sản phẩm là hành trình đầy gian nan:
Trước đó, tôi cũng chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm thêu tay. Thời gian đầu, tôi lên Hà Nội, đến trước cổng Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) và đi tận Sa Pa (Lào Cai) tìm đến một số cửa hàng lưu niệm ở đó để giới thiệu sản phẩm của làng nghề chúng tôi, nhờ họ bán giúp.
Dần dà cũng có một số nơi đồng ý ký gửi nhưng lượng sản phẩm bán được vẫn rất ít. Thậm chí, có những lúc tôi phải bán cả xe máy và điện thoại để có tiền đền bù cho khách khi nhận may gia công áo, váy mà vô tình thêu phải chỉ phai màu.
Không nản lòng, tôi quyết tâm tìm hướng đi mới. Từ tranh thêu, tôi chuyển sang thêu họa tiết hoa văn trên quần áo. Rất may, ý tưởng này được nhiều người đón nhận. Rồi tôi bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về nghệ thuật thêu 3D và sáng tạo ra những họa tiết, phụ kiện thời trang mới lạ, tinh xảo.
Và cũng từ đó, công việc của chị trở nên “xuôi chèo mát mái” hơn. Đến cuối năm 2016, chị Cúc thành lập Trung tâm đào tạo thêu tay Thu Cúc, kết hợp mở lớp dạy thêu trực tuyến với mong muốn kết nối cộng đồng làm đồ handmade. Đến nay, trung tâm của chị thu hút được gần 3.000 người, bao gồm cả người Việt đang sinh sống trong nước lẫn ở một số nước ngoài như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Một bước ngoặt lớn để đưa nghề thêu truyền thống của chị "vươn xa" hơn theo chị kể đó là vào năm 2019, một học viên đã nhờ chị hướng dẫn cách thêu tay trên xương lá bồ đề. Từ đây, chị Cúc đi sâu nghiên cứu và từng bước cải tiến kỹ thuật thêu tay trên loại chất liệu độc đáo này sao cho sản phẩm sắc nét đến từng chi tiết.
"Tôi nhận ra rằng lá bồ đề có độ bền cao, hình dáng lá rất đẹp và chứa đựng nhiều giá trị sống ý nghĩa. Cá nhân tôi muốn lá bồ đề sẽ tái sinh với một hình ảnh mới.
Bỏ qua các bước xử lý, để có những chiếc có xương lá lành lặn để thêu thì những công đoạn thêu trên lá cũng như thêu trên vải đòi hỏi phải cực kỳ khéo léo và cẩn thận bởi thêu trên những chiếc xương lá thì không dễ dàng thêu được như trên vải.
Với những chiếc lá thêu, sản phẩm phải làm rất lâu mới có thể hoàn thiện. Vì sản phẩm không làm được nhanh nên không có nhiều, vì thế khách muốn mua phải đặt hàng từ trước, khi sản phẩm hoàn thiện tôi mới giao cho khách", chị Cúc cho hay.
Chị Cúc cũng chia sẻ thêm, chủ đề chính trong các sáng tác của chị là chữ thư pháp, điểm xuyết thêm họa tiết hoa lá, đồng thời còn có những linh vật phong thủy như sen cá, tùng hạc, rồng phượng… Mỗi sản phẩm nếu đơn giản cũng làm mất ít nhất 1 ngày, phức tạp thì mất 1-2 tuần để hoàn thành.
Trong đó, sản phẩm khó nhất chị từng thực hiện là lá thêu hình tượng Phật vì không dễ để lột tả trọn vẹn thần thái của Phật. Quá trình thêu khá kỳ công nên giá thành mỗi sản phẩm dao động từ 400.000 đồng đến vài triệu đồng.
Hiện tại chị Cúc đã có nguồn khách ổn định đầu ra cho sản phẩm lá thêu, tiếng lành đồn xa, nhiều khách tự tìm đến đặt hàng.
"Nếu nghề thêu tay mang lại thu nhập không nhiều bằng công việc cũ tôi làm nhưng tôi vẫn chọn làm vì đây là niềm vui, là công việc giúp ích cho xã hội và cộng đồng thêu tay truyền thống.
Quan trọng hơn cả là tôi thấy đây là công việc có ý nghĩa nên lựa chọn gắn bó với nghề. Dự định của tôi sắp tới là nghiên cứu và phát triển thêm nhiều sản phẩm đẹp đẽ mang lại niềm vui, sự hài lòng cho nhiều người", chị Cúc nói.
Hoàng Thanh