Khởi nghiệp với loài cá kiểng có tên lạ, anh Phó Bí thư Đoàn thu hàng trăm triệu đồng
Mô hình khởi nghiệp nuôi cá tai tượng da beo của anh Nguyễn Trí Thức, Phó Bí thư Đoàn thanh niên thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, là một trong những mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh, có triển vọng nhân rộng trong thời gian tới.
Mô hình nuôi cá tai tượng da beo của anh Thức đang có hơn 50.000 con cá thương phẩm.
Thu lợi nhuận hơn 600 triệu đồng/năm
Hoạt động Đoàn nhiều năm qua, anh Nguyễn Trí Thức, Phó Bí thư Đoàn thanh niên thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang có cơ hội tham quan, học hỏi nhiều mô hình kinh tế hiệu quả ở cả trong và ngoài tỉnh.
Một lần đi thăm mô hình nuôi cá tai tượng da beo ở tỉnh Sóc Trăng, anh Thức rất ấn tượng với loài cá này. Nhận thấy đây là loài cá kiểng khá mới tại tỉnh và có nhiều triển vọng, anh bắt đầu mày mò, tìm hiểu cách nuôi và nguồn cá giống đầu vào.
Đến năm 2019, anh khởi nghiệp với hơn 5.000 con cá tai tượng da beo. Tuy nhiên, những ngày đầu xây dựng mô hình, anh Thức gặp không ít khó khăn, thử thách.
“Do chưa có kinh nghiệm, chưa hiểu rõ đặc tính của cá nên đã đôi lần thất bại, có lúc tôi bị thua lỗ vì cá chết không rõ nguyên nhân. Nuôi chưa quen nên việc tìm nguồn thức ăn cho cá cũng không hề dễ dàng.
Tôi cũng gặp khó trong khâu tìm đầu ra. Sau một thời gian kiên trì, tìm hiểu và thử nghiệm, dần dần, tôi có được kinh nghiệm và mô hình đi vào ổn định. Tôi cũng mạnh dạn mở rộng mô hình với nhiều bể nuôi hơn”, anh Thức chia sẻ.
Hiện nay, mô hình nuôi cá tai tượng da beo của anh Thức có khoảng 50.000 con cá thương phẩm, với 2 loại cá màu trắng và màu đen. Mỗi năm, anh Thức nuôi 2 đợt và xuất bán được hơn 100.000 con cá thương phẩm.
Ngoài ra, anh còn nuôi thêm 200 cặp cá bố mẹ để tự ương nuôi và cung cấp cho thị trường hơn 100.000 con cá giống mỗi đợt. Tùy vào kích cỡ và độ lên màu của cá, mà giá bán ra sẽ khác nhau. Nhìn chung, loài cá kiểng này có giá cả khá ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ tự chủ nguồn cá giống, anh Thức tiết kiệm được chi phí đầu vào. Đến nay, anh đã kết nối được với các thương lái ở thành phố Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, tạo đầu ra ổn định cho cá. Với mô hình này, mỗi năm, anh và gia đình thu được lợi nhuận hơn 600 triệu đồng.
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp
Chị Nguyễn Thị Diễm Hương, ở ấp Đông Mỹ, thị trấn Ngã Sáu, là một trong những người đầu tiên tham gia nhân rộng mô hình nuôi cá tai tượng da beo tại địa phương. Sau thời gian tìm hiểu, học hỏi từ mô hình của anh Thức, năm 2021, chị Hương bắt đầu khởi nghiệp nuôi loài cá này.
Chị Hương chia sẻ: “Ban đầu mình không biết nuôi thì thấy khó chứ nuôi quen rồi thì thấy cũng dễ. Quan trọng là mình phải hiểu được đặc tính của cá. Đợt đầu tiên tôi xuất bán được hơn 4.000 con với lợi nhuận trên 50 triệu đồng. Vì vậy đợt này, tôi mạnh dạn nhân rộng mô hình với hơn 10.000 con”.
Thời gian qua, anh Thức tổ chức cho một số đoàn viên, thanh niên tại địa phương đến tham quan, học hỏi mô hình nuôi cá tai tượng da beo của mình. Với loại cá này, nếu nắm vững kỹ thuật, thì sẽ là một mô hình khởi nghiệp lý tưởng cho đoàn viên, thanh niên ở nông thôn, có thể tận dụng được diện tích vườn nhà và mang lại thu nhập khá.
Anh Thức chia sẻ: “Đối với các bạn đoàn viên, thanh niên và người dân có mong muốn khởi nghiệp với mô hình này, tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ về kỹ thuật và cung cấp cá giống cho họ”.
Theo anh Trương Minh Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh: “Tôi nhận thấy đây là một trong những mô hình có tính đổi mới, sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Bởi vì loài cá này ngoài nuôi làm cảnh, còn được sản xuất bán thương phẩm và là món ăn ưa thích của nhiều người. Bên cạnh đó, mô hình còn hướng đến cung cấp cá giống có nguồn gen tốt để bỏ sỉ ở các thị trường trong và ngoài tỉnh”.
Được biết, vừa qua, đây là dự án khởi nghiệp tiêu biểu được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh gửi báo cáo Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2022.
Mô hình nuôi cá tai tượng da beo của anh Thức đại diện cho tinh thần dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh. Mong rằng, trong thời gian tới, mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong đoàn viên, thanh niên và người dân.
Cá tai tượng da beo có tên khoa học là Astronotus ocellatus, là loại cá thuộc họ Cá hoàng đế, có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Loài cá này còn có tên gọi khác là cá tai tượng châu Phi hoặc cá beo lửa. Đây là loài cá nước ngọt, thường sống ở vùng nước lặng và có khí hậu nhiệt đới. Cá tai tượng da beo tương đối dễ nuôi, tăng trưởng nhanh và có khả năng thích nghi với môi trường khá cao. Giống cá cảnh này được ưa thích bởi làn da láng bóng cùng những hoa văn vằn đỏ hoặc vàng khá bắt mắt.
Theo Báo Hậu Giang