Nơi xây dựng cảng đặc biệt Liên Chiểu hơn 3.400 tỷ đồng
Dự án cảng Liên Chiểu nằm dưới chân đèo Hải Vân, có quy mô hơn 3.400 tỷ đồng, đang được khẩn trương hoàn thiện thủ tục để tiến hành đấu thầu, khởi công vào đầu tháng 9/2022.
Đây là một trong 3 cảng biển nước sâu của Việt Nam, được quy hoạch là cảng đặc biệt.
Dự án cảng Liên Chiểu Đà Nẵng gồm 2 phần, phần cơ sở hạ tầng dùng chung và phần kêu gọi đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến hơn 3.400 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ hơn 2.900 tỷ đồng và phần còn lại sử dụng vốn ngân sách địa phương của TP Đà Nẵng.
Cảng Liên Chiểu có tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng |
Cảng Liên Chiểu có vị trí thuận lợi về độ sâu, thuận tiện về kết nối giao thông: đường sắt, đường bộ và kết nối với các khu công nghiệp của thành phố (khu công nghệ cao, khu công nghiệp Liên Chiểu).
Khi đưa vào vận hành, cảng Liên Chiểu sẽ khắc phục các hạn chế về giao thông cắt ngang thành phố, đảm bảo an toàn giao thông đô thị, môi trường du lịch ở khu vực phía Đông. Đồng thời, từng bước chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng phục vụ du lịch.
Dự án nằm dưới chân đèo Hải Vân |
Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam đã ký quyết định số 1059 phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng Liên Chiểu và Đường ven biển nối cảng Liên Chiểu trên tổng diện tích gần 470ha.
Theo Đồ án quy hoạch đã điều chỉnh, tổng diện tích khu cảng Liên Chiểu là 450ha, với ranh giới vị trí như sau: phía Bắc giáp đèo Hải Vân, phía Nam giáp cửa sông Cu Đê, phía Đông giáp vịnh Đà Nẵng và phía Tây giáp tuyến đường tránh Nam Hải Vân.
Dự án dự kiến khởi công vào tháng 9/2022 |
Trong đó, quy mô sử dụng đất của bến cảng Liên Chiểu gồm có các khu chức năng như: khu bến container tiếp nhận được tàu đến 8 nghìn TEUS (giai đoạn 1) và định hướng tiếp nhận các tàu đến 18 nghìn TEUS (tương đương 200 nghìn DWT) trong dài hạn; quy mô quy hoạch gồm 8 bến container với tổng chiều dài 2.750m cho tàu từ 30.000-200.000 DWT.
Khu bến thủy nội địa có tổng chiều dài 1.200m, quy hoạch cho các tàu, sà lan đến 5 nghìn DWT phục vụ gom hoặc chia hàng cho khu bến container, khu bến tổng hợp đến các cảng biển, thủy nội địa khác trong cả nước.
Quy mô của dự án gồm các hạng mục chính như kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối... |
Khu bến hàng lỏng và khí quy hoạch cho cỡ tàu đến 30 nghìn DWT (trong đó có bố trí khu vực để di dời các bến hàng lỏng hiện hữu); quy mô gồm 6 bến, bố trí tại khu vực đê chắn sóng, kết nối với đê chắn sóng bằng cầu dẫn; các công trình hàng lỏng và khí được bố trí đủ khoảng cách an toàn đến các công trình khác trong quy hoạch và lân cận. Khu kho bãi đường sắt quy hoạch bãi tập kết, bốc xếp hàng hóa phục vụ đường sắt nhằm kết nối trực tiếp khu bến cảng Liên Chiểu với mạng đường sắt quốc gia; vị trí quy hoạch ở phía sau khu bến container.
Đường kết nối đến cảng Liên Chiểu sẽ có quy mô 6 làn xe cơ giới |
Giao thông đường biển, luồng hàng hải vào cảng Liên Chiểu được thiết lập mới có chiều dài hơn 7km, rộng 160-220m, cao trình đáy luồng từ 14,6-17,8m; giao thông đường sắt sẽ định hướng kết nối từ ga Kim Liên vào đến trong cảng Liên Chiểu với chiều dài 1,5km, chạy dọc khu đường sau cảng vào bãi hàng hoá đường sắt.
Đối với tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu, sau khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết có quy mô sử dụng đất gần 20ha, tổng chiều dài 2,95km kết nối từ đường vào cảng đến tuyến đường tránh Nam Hải Vân; quy mô mặt cắt ngang đảm bảo 6 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 30m; trên tuyến đường này có cầu vượt nút giao đường sắt Bắc - Nam và QL1A, hầm chui vào đường lên Suối Lương, đồng thời mở rộng cầu Liên Chiểu trên đường Nguyễn Văn Cừ…
Cầu cảng nhỏ Liên Chiểu hiện nay |
Đê kè chắn sóng có tổng chiều dài hơn 2.000m, đảm bảo che chắn sóng theo hướng Đông Bắc và Đông Đông Bắc; trên mặt đê quy hoạch bố trí các tuyến đường ống dẫn hàng lỏng từ bến cảng vào đến kho hàng lỏng phía trong bờ.
Phối cảnh dự án cảng Liên Chiểu |
Được biết, nhiều tập đoàn trong và ngoài nước đã bày tỏ sự quan tâm đến cảng Liên Chiểu. Tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022, tập đoàn Adani của Ấn Độ mong muốn sẽ hỗ trợ và đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu thành trung tâm cảng đẳng cấp thế giới.
Ngoài ra, liên danh 2 tập đoàn BRG và Sumitomo cũng đã làm việc với TP Đà Nẵng về kế hoạch đầu tư cảng Liên Chiểu.
Diệu Thuỳ