Nơi những con sóng vỗ bờ (4): Bình Định
Bình Định là mảnh đất có bề dày lịch sử với nền văn hóa Sa Huỳnh rực rỡ. Đây cũng là nơi xuất phát phong trào nông dân khởi nghĩa vào thế kỷ thứ 18 với tên tuổi của anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, là quê hương của các danh nhân như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và các văn sĩ, thi nhân như Nguyễn Diêu, Đào Tấn, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên.... Bình Định cũng được biết đến với truyền thống thượng võ và có nền văn hóa đa dạng, phong phú với các loại hình nghệ thuật như bài chòi, hát bội, nhạc võ Tây Sơn.
Và khi nói đến Bình Định cũng là nói đến bờ biển dài trên 130km trải dài dọc phía Đông của tỉnh, với gần một nửa số huyện, thành phố giáp biển. Ven biển Bình Định có 33 đảo lớn nhỏ được chia thành 10 cụm đảo hoặc đảo đơn lẻ. Những đảo đó được thiên nhiên ban tặng vô số thắng cảnh và bãi biển tương đối bằng phẳng, cát trắng, nước biển trong xanh, ngập tràn ánh nắng.
TP Quy Nhơn, Bình Định. (Ảnh: Internet) |
Thủ phủ của tỉnh Bình Định là thành phố Quy Nhơn, nằm ven biển miền Trung Việt Nam; là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, du lịch của tỉnh. Nằm ở phía Đông Nam tỉnh Bình Định, một bên là biển Đông xanh ngắt vỗ về, một bên là núi biếc trùng điệp, TP Quy Nhơn trải dài theo hình cánh cung, ôm lấy bờ biển cát vàng óng ánh, mang một vẻ đẹp hoang sơ mà rực rỡ làm say đắm lòng người.
Nói đến Quy Nhơn, người ta nghĩ ngay đến khu du lịch Ghềnh Ráng – nơi được coi là một kiệt tác của thiên nhiên với dãy núi có những viền đá muôn hình vạn trạng. Nằm cách trung tâm thành phố 3km về phía Đông Nam, Ghềnh Ráng là sự hợp thành của những bãi đá nối tiếp nhau uốn lượn sát biển theo đường cong của eo núi. Sự xâm thực của thiên nhiên, sự bào mòn của sóng biển đã phô bày những khối đá khổng lồ nằm chồng chất lên nhau, tạo ra những hang hốc, hình thù cổ quái, sinh động. Cái tên Ghềnh Ráng cũng hàm chứa bao nét đặc trưng của con người nơi đây và gây tò mò cho mọi người khi lần đầu tiên nghe cái tên lạ lẫm này.
Tương truyền xưa kia, mỗi khi đi qua nơi đây, người dân chài phải xử lý cánh buồm sao cho hạ bớt gió để thuyền đi chậm lại nhằm tránh va chạm vào những bãi đá nhọn nhô ra biển. Thao tác này trong ngôn ngữ bình dân của những người dân chài gọi là “ráng”, lâu dần người ta đọc thành Ghềnh Ráng.
Năm 1927, Vua Bảo Đại du ngoạn đến Ghềnh Ráng và cho xây dựng khu nhà nghỉ cùng sân thể thao. Vì bãi tắm này chỉ dành riêng cho Hoàng hậu Nam Phương, bà thường đến đây vào mỗi dịp nghỉ mát nên người ta gọi là bãi tắm Hoàng Hậu. Bãi tắm này còn có tên gọi là Nhạn Châu vì tại đây cũng có nhiều đàn chim nhạn bay đến tìm mồi.
Bãi tắm Hoàng Hậu là một quần thể những ghềnh đá nối tiếp nhau uốn theo đường biển, nổi tiếng nhất là bãi đá trứng; có tên gọi như thế vì những viên đá ở đây tròn và nhẵn như quả trứng, có đủ kích thước to nhỏ. Nghe người dân kể lại, khi xưa, để chiều lòng Hoàng hậu Nam Phương, Vua Bảo Đại đã cho người đi tìm những hòn đá tròn nhẵn ở khắp nơi về đặt ở đây, để rồi đến nay, nơi đây đã trở thành một thắng cảnh của Quy Nhơn.
Ghềnh Ráng.(Ảnh: Internet) |
Không chỉ hấp dẫn du khách bằng những cảnh vật thiên nhiên, Ghềnh Ráng còn làm nặng lòng du khách, bởi đây còn là nơi in đậm dấu ấn cuộc đời thi sĩ Hàn Mặc Tử, nổi tiếng tài hoa bạc mệnh.
Rất nhiều du khách một lần đến Bình Định đều cho rằng một trong những trải nghiệm đáng giá nhất của họ tại đây chính là được ngắm bình minh ở Eo Gió, khu vực này cũng được là địa điểm ngắm bình minh đẹp nhất ở Việt Nam. Ở độ cao hơn 70m so với mặt nước biển, cái tên Eo Gió xuất phát từ hình dáng địa lý của nơi đây. Eo núi hướng ra biển lớn, đón gió từ biển thổi vào với sức gió cực mạnh và hơi nước biển lạnh. Vào mùa đông, khi biển động dữ dội mang theo mưa vào gió lớn bào mòn đá nơi đây tạo nên những khe rãnh xẻ ngang đồi núi. Chính những yếu tố thiên nhiên này đã tạo cho Eo Gió vẻ đẹp nguyên sơ, kỳ vĩ.
Nếu đã đến với Quy Nhơn, bạn cũng không nên bỏ qua cơ hội đến với Cù Lao Xanh. Đây là một hòn đảo đẹp thuộc xã Nhơn Châu, nằm cách TP Quy Nhơn khoảng 24km. Cù Lao Xanh còn gọi là đảo Vân Phi. Có khá ít dân cư sinh sống, hòn đảo mang vẻ đẹp hoang sơ bình yên với không khí trong lành, thích hợp cho những chuyến nghỉ dưỡng và du lịch khám phá thiên nhiên.
Cột cờ Tổ quốc trên đảo Cù Lao Xanh là cột cờ đầu tiên trong tổng số 7 cột cờ được xây dựng trên 7 đảo tiền tiêu, thuộc dự án xây dựng cột cờ Tổ quốc do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phát động. Những ai đi biển, giữa biển mênh mông trùng khơi, nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh cột cờ đều dấy lên cảm xúc về chủ quyền thiêng liêng.
Cột cờ Tổ quốc trên đảo Cù Lao Xanh.(Ảnh: Internet) |
Ngay bên cạnh cột cờ thiêng liêng là ngọn hải đăng – mắt thần của biển. Nằm trên độ cao 120m so với mực nước biển. Hải đăng Cù Lao Xanh cao 19m, đây là một trong những ngọn hải đăng được xây dựng sớm và hiện đại nhất Việt Nam. Đứng từ trên đỉnh núi dưới chân ngọn hải đăng nhìn xuống, Cù Lao Xanh đẹp như một bức tranh. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hải đăng vẫn luôn sáng đèn, giúp tàu thuyền định vị khi đánh bắt trên biển Bình Định và khu vực biển lân cận của Nam miền Trung. Vì vậy, ngọn hải đăng còn được gọi là đôi mắt thần của biển. Ngoài ra, nó còn có mục đích quan trọng là xác định chủ quyền đất nước.
Bình Định có thế mạnh nổi bật về tài nguyên biển đảo với sự đa dạng của các hệ sinh thái đặc trưng như: hệ sinh thái biển là cơ sở hình thành các bãi tắm và khu vực cảnh quan; hệ sinh thái đảo với các đảo lớn nhỏ gần bờ và xa bờ; hệ sinh thái trong lòng biển với các rạn san hô, sinh vật biển; và hệ sinh thái đầm phá, vũng vịnh, bán đảo. Hệ thống tài nguyên này là tiền đề để tỉnh phát triển dòng sản phẩm chính, đặc trưng, có sức hấp dẫn cao và đủ khả năng để tạo thương hiệu cho du lịch Bình Định.