Nỗi nhớ miền Nam trong những bài ca thống nhất đất nước
Di tích lịch sử Cầu Hiền Lương |
Ngược về nửa cuối những năm 50 của thế kỷ 20, khi đất nước đang bị chia cắt, nỗi nhớ quê hương đã đưa nhạc sĩ Hoàng Hiệp cho ra đời ca khúc bất hủ “Câu hò bên bờ Hiền Lương” (đặt lời cùng Đằng Giao). Bài hát được không chỉ những người con miền Nam đang học tập và công tác ở miền Bắc yêu thích, mà còn được đông đảo người yêu nhạc khắp cả nước mến mộ vì giai điệu tươi đẹp và lời ca chứa chan tình cảm.
Người nhạc sĩ quê ở An Giang đã kể, sau khi tập kết ra Bắc, ông có dịp được cử vào công tác ở bờ bắc sông Bến Hải, sinh hoạt tại một đơn vị bộ đội biên phòng ở một đồn cách cây cầu Hiền Lương chỉ vài trăm mét. Trong những lần đi dọc theo bờ sông, nhìn sang bờ nam, gặp ánh mắt của những chị em từ bên ấy hình như giả bộ ra sông rửa chân tay để được nhìn lại những người thân bên bờ bắc, đã tạo thành cảm hứng để nhạc sĩ sáng tác ra ca khúc nổi tiếng sau này.
Tình yêu trai gái được lồng vào nỗi nhớ thương nửa đất nước đang trong cảnh chia đôi đã đem đến cho người nghe những sự xúc động thật sự: “Nhắn ai luôn giữ câu nguyền, trong cơn bão tố vững bền lòng son”.
Ngay từ những lần phát sóng đầu tiên trên Đài Tiếng nói Việt Nam, bài hát liên tục nhận được yêu cầu phát sóng lại của thính giả yêu ca nhạc cả nước.
Bây giờ, những người yêu dòng nhạc cách mạng đều quen với ca khúc này qua sự trình bày của NSND Thu Hiền, nhưng ít người biết đến người hát ca khúc này đầu tiên là nam ca sĩ Văn Hanh, một trong những nam ca sĩ khá nổi tiếng của Đài Tiếng nói Việt Nam trong thập niên 1950-1960.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã tỏ ra khá bức xúc khi nhiều MC, thậm chí ca sĩ đã giới thiệu sai tên bài hát thành “Câu hò bên bến Hiền Lương”, vì thời những năm 50 đó, trong cảnh chiến tranh, ở hai bên bờ sông Bến Hải lấy đâu ra bến nào cho thuyền đậu!
Sau hơn 20 năm sống cảnh xa quê, đến ngày đất nước thống nhất, Hoàng Hiệp đã được trở về sinh sống ở miền Nam quê hương, về với đất An Giang yêu dấu. Ông được hưởng niềm vui đó tới gần 40 năm cuối đời, trước khi vĩnh biệt người yêu nhạc ngày 9.1.2013 ở tuổi 81.
Ra đời sau “Câu hò bên bờ Hiền Lương” chỉ vài năm, “Những ánh sao đêm” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cũng có một “xuất xứ” tương tự. Nhiều người yêu thích ca khúc này chỉ nghĩ rằng đây là một bài ca ngợi công cuộc xây dựng đất nước ở miền Bắc những năm đầu thập kỷ 60, là bản tình ca của những người làm nghề xây dựng mà không để ý rằng, toàn bộ ca từ của lời 2 chính là nỗi niềm thương nhớ quê hương của tác giả.
Nhạc sĩ quê ở Đà Nẵng kể lại, ông viết “Những ánh sao đêm” theo “đơn đặt hàng” của ca sĩ - NSND Quốc Hương, người vừa tốt nghiệp Nhạc viện Quốc gia Budapest (Hungary) về nước. “Bấy giờ Quốc Hương bảo mình viết một bài nào thật cao để hát” - ông kể - “thế rồi một đêm, từ tầng thượng căn nhà ở phố Huế (Hà Nội), nhìn về phía Kim Liên, lúc đấy đang xây những dãy nhà chung cư mới, thấy đèn rực sáng, tự nhiên nảy ra ý nghĩ những ánh đèn như những ánh sao đêm, những nốt nhạc đã thi nhau ùa về, để đi đến những nốt “xây cho nhà cao, cao mãi...””. Phan Huỳnh Điểu cũng khẳng định, ban đầu, ông chỉ định dùng ca khúc của mình nói về ngành xây dựng, nhưng viết xong lời 1, nghĩ mình là dân miền Nam tập kết ra Bắc, thấy cần phải có chút gì đó với miền Nam, nên viết thêm lời 2 “Lòng nhớ thương quê hương miền Nam anh hằng tha thiết ước mong ngày đêm...”.
Bài hát đã được Quốc Hương thu âm đầu tiên và gắn bó với tên tuổi người ca sĩ nổi danh này khá lâu. Sau đó bài hát cũng được rất nhiều nam ca sĩ nổi tiếng khác biểu diễn như Mạnh Hà, Doãn Tần, Trung Đức, Quang Lý, Ngọc Tân, và sau này là Trọng Tấn... Tuy nhiên, một nữ ca sĩ khác cũng đã thành danh với “Những ánh sao đêm” là Vũ Dậu, người có bản ghi âm cùng tốp vocal dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Những năm 80, chương trình “Chúng ta học tiếng Việt” trên VOV lấy đoạn dạo đầu của bản thu này làm nhạc hiệu mà ai nghe qua cũng thấy ấn tượng.
Hiện đã bước sang tuổi 91, nhưng người nhạc sĩ gốc Đà Nẵng vẫn “không ngừng sáng tác, không ngừng yêu” bên gia đình tại thành phố mang tên Bác.
“Câu hò bên bờ Hiền Lương” và “Những ánh sao đêm” không chỉ là hai ca khúc thuộc dòng nhạc cách mạng nổi tiếng được nhiều người yêu thích, mà còn là những tâm sự cất lên từ đáy lòng của những người con xa quê hương yêu dấu. Tình yêu quê hương tha thiết đó, quyện với tình yêu lứa đôi, đã giúp hai ca khúc này sống mãi trong lòng người yêu nhạc Việt Nam.