Những người “nặng lòng” với biển, đảo quê hương (Phần 4)
TS Mai Ngọc Hồng: Cổ tích về tấm bản đồ khẳng định chủ quyền Việt Nam
Ông không phải là người nghiên cứu Biển Đông ngay từ đầu, ông đến với Biển Đông chỉ là cơ duyên nhưng tấm bản đồ mà ông đóng góp đã tạo ra tiếng vang rất lớn trong dư luận Việt Nam và thế giới. Tấm bản đồ cổ đời Nhà Thanh năm 1904, khẳng định cương vực Trung Quốc chỉ đến Đảo Hải Nam. Ông là Tiến sĩ Mai Ngọc Hồng (Nguyên Trưởng phòng tư liệu thư viện của Viện Hán Nôm, hiện là GĐ Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam)
TS Mai Ngọc Hồng, Nguyên Trưởng phòng tư liệu thư viện Viện Hán Nôm |
Câu chuyện mà ông kể với chúng tôi về cơ duyên có được tấm bản đồ trong tay và chuyện ra mắt tấm bản đồ cũng chẳng khác gì chuyện cổ tích. Khoảng năm 1977, ông làm phòng tư liệu chuyên sưu tầm tài liệu chữ Nôm, khi đấy có một đội cộng tác viên (CTV) là các cụ già đi khắp nơi sưu tầm các sách cổ về bán lại cho Viện Hán Nôm. Hôm ấy, trưa lắm rồi, có cụ râu tóc bạc phơ, cụ là đoàn trưởng của đoàn CTV sưu tầm sách nhiều năm, đến Viện. Cụ buồn bã nói: “Lão đi nhiều ngày nay rồi nhưng không tìm mua được cái gì, lão chỉ có tập này”. Ông mở ra xem thì không phải là tài liệu, sách chữ Nôm mà chỉ là cái bản đồ, mặt sau là vải, gấp lại thành hơn 30 mảnh. Cơ quan lại không có nhiệm vụ sưu tầm tài liệu này, ông nói: “Cơ quan cháu không có nhiệm vụ sưu tầm cái này, bao nhiêu tiền cụ bán được”. Ông lão trả lời: “100 đồng thì lão mới có vài cân gạo”. Vì thương cụ, ông Hồng đã bỏ ra hơn 1 tháng lương để mua tấm bản đồ, lúc đó lương ông có 70 đồng. Mua rồi, ông giấu biệt đi không dám khoe với vợ vì sợ bà sẽ không vui lòng vì đã “tiêu quá tay”. Và vì giấu kỹ quá nên ông cũng quên mất mình có bản đồ này.
Đến đầu tháng 6/2012, tình hình Biển Đông căng thẳng, ông vô cùng bức xúc, trong tiềm thức ông nhớ mình có tấm bản đồ và ông đã tìm thấy nó, mày mò tra sách, ông nhận ra bản đồ này có ích cho đấu tranh chủ quyền. Ông gọi học trò thân tín đến và nói: “Chú mang bản đồ này hiến cho Nhà nước giúp thầy”. Đến đầu tháng 7 anh học trò trở lại, mang trả bản đồ cho ông. Ông buồn lắm, cảm thấy hụt hẫng vô cùng, chán nản, không ăn không ngủ. Bẵng đi một thời gian, anh học trò dẫn theo một đoàn báo chí đến và hỏi tấm bản đồ. “Nhưng vì buồn chán tôi để nó ở đâu không rõ.”- ông chia sẻ. Ông đành khất đoàn. Từ hôm đó ông lại mất ăn mất ngủ, chỉ sợ không tìm thấy mọi người sẽ đánh giá ông là ông bán nó đi...Đến lúc cùng cực của tuyệt vọng, một hôm vợ ông gọi ông lại xem có chuột ở trên gác xép, ông cầm gậy đến đập, đập nhẹ một cái thì tấm bản đồ rơi ra. Như bắt được vàng ông liền gọi anh em phóng viên đến, rồi sau này bảo tàng đến. Nhưng từ khi báo đăng lên thì ông cũng vô cùng lo lắng chỉ sợ kẻ xấu nào biết ông giữ tấm bản đồ sẽ tìm thủ đoạn để chiếm đoạt hoặc tiêu hủy nó. Nếu như vậy, ông sẽ là người có tội với tổ quốc, ông cha. Lo lắng quá khiến ông gầy rộc đi, mắt thâm quầng.
Thế rồi tấm bản đồ được đưa đến Bảo tàng lịch sử quốc gia, ông đã thấy mình làm điều có ích cho đất nước, một kỳ tích mà ông không thể ngờ được. Kỳ tích ấy như một câu chuyện cổ tích về ông tiên râu tóc bạc phơ mang đến cho ông tấm bản đồ rồi thử thách khi tấm bản đồ bị thất lạc và tấm bản đồ lại trở về bằng một cơ duyên bất ngờ...
TS Mai Ngọc Hồng hiến tặng Nhà nước tấm bản đồ quý này. |
Trong khi nói chuyện, mỗi lần nhắc đến chủ quyền Biển Đông, khóe mắt nhăn nheo của ông lại ngân ngấn nước mắt. Có lẽ niềm rung động từ trái tim người con đất Việt đã cùng với cơ duyên như chuyện cổ tích đã kéo ông đến gần hơn với những vấn đề Biển Đông. Hiện nay, ông cũng đang tìm tòi nghiên cứu các tài liệu chữ Nôm khẳng định chủ quyền. Câu nói mà ông rất tâm đắc: “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách” (Sự hưng vong của quốc gia dù là kẻ thất phu cũng phải có trách nhiệm)