Những khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế biển của Hải Phòng
Đối với thành phố cảng Hải Phòng, ngoài những chính sách nói trên, Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, trong đó chỉ rõ tiềm năng, ưu thế và giải pháp phát triển kinh tế biển của Hải Phòng.
Bên cạnh đó, các luật, nghị định, quy hoạch phát triển Cảng Hải Phòng được điều chỉnh, cập nhật kịp thời và thường xuyên. Nhìn lại 5 năm gần đây, có thể nói Hải Phòng đã thay đổi từng ngày, tạo nên sức sống và tầm vóc mới.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Minh Ngọc, Tổng Thư ký Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học và Kinh tế Hải Phòng, dưới góc độ khoa học, nhìn nhận các yếu tố tạo nên một thành phố phát triển kinh tế biển theo đúng nội hàm của nó. Kinh tế biển bao gồm rất nhiều lĩnh vực: Hàng hải (cảng và vận tải biển); Công nghiệp tàu thủy; Khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản; Du lịch biển, đảo; Kinh tế thềm lục địa; Dầu khí và tài nguyên khác trên biển; đặc biệt là các dịch vụ phụ trợ tạo giá trị gia tăng trong khai thác tiềm năng cảng biển như logistics, các loại hình dịch vụ cảng biển (chuỗi cung ứng),… thì thấy rằng Hải Phòng còn nhiều hạn chế nhất định.
Nói về quy hoạch cơ sở hạ tầng của thành phố về cảng biển, những năm gần đây có sự đột biến về sản lượng và số lượt tàu. Tuy nhiên, việc chia nhỏ quy hoạch cảng giai đoạn đầu có ưu điểm tạo sức hút đầu tư nhưng về lâu dài tạo nên sự manh mún.
“Hiện nay, Hải Phòng có tới 44 bến là quá nhiều, không phát huy được lợi thế quy mô để phất triển và hiện đại hóa cảng. Sự kết nối giao thông giữa các loại hình vận tải khác với cảng biển chưa đồng bộ, đặc biệt đường sắt và đường thủy nội địa. Sự kết nối giao thông đường bộ thường chạy theo sự phát triển cảng biển”, ông Hoàng Minh Ngọc nhận định.
Vịnh Cát Bà, thuộc quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng. |
Tại Hải Phòng, dịch vụ logistics đã bắt đầu phát huy vai trò, nhưng chưa tạo thành chuỗi khép kín và hiệu quả dịch vụ thấp. Các loại hình dịch vụ cảng biển quy mô còn manh mún, nhỏ lẻ.
Hiện nay, đội tàu vận tải biển Việt Nam còn nhỏ về quy mô, tuổi tàu lớn, năng lực cạnh tranh thấp. Nhiều doanh nghiệp vận tải biển trong những năm gần đây do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, cũng như hạn chế về quản lý dẫn đến thua lỗ, có nguy cơ phá sản.
Công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu, mặc dù có quy hoạch Hải Phòng là trung tâm công nghiệp tàu thủy của cả nước, song sau những sai lầm về đầu tư phát triển Tập đoàn Vinashin, cơn bão khủng hoảng của các nhà máy đóng và sửa chữa tàu chưa thể khắc phục ngay được.
Hiện nay trên địa bàn Thành phố Hải Phòng chỉ còn ít nhà máy có thể trụ vững, trong đó có một doanh nghiệp FDI. Đồng thời kéo theo đó là sự thua lỗ, phá sản của các cơ sở dịch vụ phụ trợ cho công nghiệp đóng tàu mới được hình thành còn non trẻ.
Về đánh bắt và nuôi trồng, chế biến thủy sản, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả đạt được mới ở mức khiêm tốn. Đội tàu cá của Hải Phòng nhìn chung còn phát triển tự phát, nhỏ lẻ, tàu đánh bắt xa bờ còn ít. Sự hiện diện trên biển để bảo vệ chủ quyền chưa tương xứng với tiềm năng của diện tích thềm lục địa và bờ biển Hải Phòng. Chưa có nhiều thương hiệu thủy sản gắn liền với địa phương, chưa có nhiều cơ sở chế biến được đầu tư hiện đại và thương hiệu lớn.
“Lĩnh vực khai thác thềm lục địa và tài nguyên biển gần như chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. Chưa có một chiến lược thực sự khả thi ở lĩnh vực này, mặc dù đối với thế kỷ 21 là thế kỷ của biển”, ông Hoàng Minh Ngọc nói.
Từ những hạn chế trên, ông Hoàng Minh Ngọc đề xuất thành phố Hải Phòng cần có sự kết nối giữa các cảng với các loại hình vận tải khác, tạo nên mạng lưới vận tải đa phương thức tới cảng; có cơ chế, chính sách tạo đột phá về phát triển dịch vụ logistic và các dịch vụ gia tăng của cảng biển; Tiếp tục đầu tư và có cơ chế để ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu Hải Phòng tiếp tục phát triển;…
Có thể nói, sức sống của Hải Phòng đang trên đà phát triển lên tầm cao mới nhưng dư địa phát triển còn rất nhiều, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế biển.