Những bộ phim phải trả giá đắt vì dùng cảnh nóng rẻ tiền câu khách
Cảnh nóng là yếu tố thu hút với bất cứ bộ phim nào, là thứ gia vị cần thiết để tăng độ hấp dẫn cho các tác phẩm điện ảnh. Và đôi khi nó cũng là yếu tố không thể thiếu trong câu chuyện phim.
Cảnh nóng cũng là công cụ hữu ích để các nhà sản xuất tận dụng nhằm quảng bá cho phim do sex luôn là yếu tố khiến khán giả tò mò. Tuy nhiên, những cảnh giường chiếu nếu khai thác thô thiển và quá đà sẽ phản tác dụng, thậm chí có thể xóa sổ một bộ phim.
Gần đây nhất, mùa 1 của phim truyền hình The Idol có sự góp mặt của Jennie nhóm BlackPink phát sóng đầu tháng 6/2023 trên kênh HBO đã thông báo ngừng sản xuất phần tiếp theo. Nguyên nhân là 5 tập phim không nhận được thiện cảm của công chúng và bị chỉ trích ngay từ khi ra mắt vì những cảnh nóng dày đặc và gượng gạo. The Guardian nhận xét đây là "một trong những chương trình tệ nhất từng được sản xuất".
Tờ GQ của Anh gọi cảnh sex trong tập 2 The Idol là "cảnh quan hệ tình dục tệ nhất trong lịch sử". Gregory Ellwood của The Playlist đánh giá đây là phim khiêu dâm trá hình. Lượng khán giả của The Idol ngay lập tức sụt giảm 100.000 người ở tập 2 chỉ vì cảnh giường chiếu tệ hại diễn ra ngay phần mở màn. Đây có thể coi là minh chứng rõ ràng nhất của việc một tác phẩm điện ảnh phải trả giá đắt vì dùng cảnh nóng rẻ tiền để câu khách.
Sex/Life (Tình dục/đời sống) - tựa phim về đời sống tình dục dù được Netflix phát sóng 2 mùa nhưng nhận về chỉ trích dữ dội từ khán giả và giới phê bình. Họ cho rằng đây không khác gì "rác phẩm" vì cảnh nóng được khai thác dày đặc như phim khiêu dâm. Mỗi tập trung bình có 3 cảnh nóng với thời lượng khác nhau, riêng tập đầu tiên có tới 5 cảnh khiến người xem ngán ngẩm. Tờ TIME bình luận: "Sex/Life quá tệ". Trên Rotten Tomatoes, phim chỉ đạt 40% điểm tích cực - mức khá thấp.
Tương tự, series phim chiếu rạp 50 sắc thái (Fifty Shades of Grey) gây chú ý bằng cảnh nhạy cảm nhưng nhận về bão chỉ trích vì lãng mạn hóa bạo lực trong tình dục với phụ nữ. Tổ chức Đạo đức trong truyền thông (Morality in Media) cho rằng 50 sắc thái đã "dung túng cho nạn bạo dâm" vốn bị lên án trong xã hội Mỹ.
Dù khá ăn khách ở phòng vé nhưng 50 sắc thái phải nhận tới 5 giải Mâm xôi vàng năm 2016 ở cả 5 hạng mục bị đề cử gồm: Phim dở nhất, Nam và Nữ diễn viên tồi nhất, Kịch bản chán nhất và Cặp đôi tệ nhất màn ảnh.
Trước đó, phim Love ngay khi ra mắt tại LHP Cannes 2015 và chiếu rộng rãi sau đó đã bị cả khán giả và các nhà phê bình phê phán. Love khiến người xem phát ớn ngay khi thấy poster và nhiều chi tiết miêu tả cảnh quan hệ tình dục quá chi tiết như phim gợi dục, không hề mang giá trị nghệ thuật.
Love có cảnh giường chiếu tay đôi, tay ba được quay ở các góc táo bạo làm không ít người xem đỏ mặt. Sức ép của dư luận khiến Hội đồng phân loại phim Pháp phải điều chỉnh mức giới hạn độ tuổi khán giả từ 16 lên 18, điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử điện ảnh nước này.
Thậm chí, không ít phim bị cấm chiếu vì có cảnh sex dày đặc và phản cảm. Cụ thể là năm 2014, bộ phim Nymphomaniac (Người đàn bà cuồng dâm) bị cấm chiếu ở nhiều quốc gia, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ vì những cảnh sex quá dữ dội.
Còn ở Việt Nam, tháng 7/2021,Vị trên toàn lãnh thổ ở mọi nền tảng vì có cảnh khỏa thân tập thể 30 phút. 5 nhân vật gồm 4 phụ nữ lớn tuổi và 1 nam giới người Nigeria sống trong một căn nhà và không mặc gì trong mọi hoạt động. Phim bị cấm chiếu do vi phạm các điều cấm trong Luật Điện ảnh. Ngay trailer của tác phẩm này cũng bị nhiều khán giả nhận xét tiêu cực bởi các nhân vật và bối cảnh quá xa lạ với Việt Nam.
Có thể thấy dù ở Việt Nam hay nước ngoài, những bộ phim khai thác cảnh nóng và hình ảnh nhạy cảm một cách sống sượng và phản cảm đều nhận về kết cục không mấy tốt đẹp. Nó có thể bị khán giả quay lưng, giới phê bình chỉ trích, doanh thu sụt giảm, kế hoạch sản xuất phần tiếp theo bị ảnh hưởng, thậm chí tồi tệ hơn là sẽ bị cấm chiếu và mất đi cơ hội đến với công chúng.