Nhìn lại chặng đường 10 năm xây dựng nông thôn mới ở Đắk Lắk
Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới |
Nhiều thành quả ngoài mong đợi
Vào tháng 11/2019, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phong trào thi đua “Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010-2020.
Trong 10 năm qua, các cấp chính quyền tại Đắk Lắk đã khéo léo lồng ghép nhiều cuộc vận động, tuyên truyền và phát động các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, nhận thức của cán bộ, Đảng viên và người dân về Chương trình nông thôn mới ngày được nâng lên. Đại bộ phận nhân dân tin tưởng, đồng tình, ủng hộ, tích cực thi đua, lao động sản xuất, tích cực hưởng ứng phong trào “Đắk Lắk chung tay xây dựng nông thôn mới”.
Các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiện đại, điển hình trong lao động sản xuất, nhiều tấm gương tham gia hiến đất làm các công trình công cộng, đóng góp công sức lao động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
Theo đó, các hộ dân trên địa bàn tỉnh đã hiến hơn 1 triệu m2 đất, tổng số tiền đóng góp hơn 1600 tỷ đồng và hơn 210 nghìn ngày công để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Hiện nay, mức thu nhập bình quân đầu người tại Đắk Lắk đạt hơn 29 triệu 400 nghìn đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 6,5%. Toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 16.700 km đường giao thông. Tổng vốn nguồn lực xây dựng nông thôn mới đạt 140 nghìn 700 tỷ đồng.
Cuối năm 2019, tỉnh Đắk Lắk đã có 43 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (đạt tỷ lệ 28,3%, vượt kế hoạch đề ra 3 xã), bình quân đạt 14 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, nhiều mặt công tác có những chuyển biến tích cực. Chất lượng công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân ngày càng được cải thiện, công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm và thực hiện tốt, tình hình quốc phòng, an ninh, được giữ vững...
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk nhận xét Chương trình xây dựng nông thôn mới là chương trình thành công nhất trong tất cả chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhận thức của người dân đã thay đổi, bà con chung sức đồng lòng, cùng góp công sức xây dựng, phát triển hạ tầng nông thôn, thay đổi bộ mặt làng quê.
Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk đã tặng Bằng khen cho 3 tập thể gồm UBND xã Cư Suê (huyện Cư M’gar); UBND xã Tân Tiến (huyện Krông Pắk) và UBND xã Cư Pô (huyện Krông Búk).
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cũng tặng Bằng khen cho 42 tập thể, 23 hộ gia đình và 42 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2020.
Rác thải nông thôn đang là vấn đề gây ô nhiễm môi trường tại một số địa phương tại Đắk Lắk |
Cần tháo gỡ những hạn chế
Bên cạnh những thành tựu, kết quả đã đạt được, chương trình xây dựng nông thôn mới tại Đắk Lắk vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh chưa đồng đều, có khoảng cách lớn giữa các địa phương.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện một số cơ chế, chính sách chưa thực sự quyết liệt, lúng túng, thiếu đồng bộ. Đặc biệt, một số địa phương, việc xây dựng nông thôn mới còn mang nặng hình thức.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, một số mặt hàng nông sản, chăn nuôi chủ đạo của tỉnh bị xuống thấp, ảnh hưởng đến thu nhập. Điều này gây ảnh hưởng, làm hạn chế đến việc huy động nguồn lực trong dân để xây dựng nông thôn mới.
Một vấn đề nan giải khác là tình trạng ô nhiễm môi trường ở các vùng nông thôn. Cụ thể, năng lực thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải ở khu vực nông thôn rất hạn chế. Nhiều địa phương không tìm được vị trí, địa điểm để thực hiện việc chôn lấp rác theo quy trình, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong nguồn nước.
Ngoài ra, việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng, phân bón tràn lan trong canh tác nông nghiệp, phế phụ phẩm nông nghiệp không được xử lý triệt để đã dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, dư lượng chất kích thích sinh trưởng, mầm bệnh...
Theo ông Phạm Minh Tấn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk, để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục một số tồn tại, hạn chế giai đoạn vừa qua, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và hệ thống chính trị để tổ chức thực hiện chương trình trong giai đoạn 2021-2025, tiếp tục hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thu hẹp khoảng cách vùng miền trong tỉnh.
Ngoài ra, cần triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua “Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới”, chú trọng phát huy sức sáng tạo của tầng lớp nhân dân; rà soát cơ chế, chính sách thực hiện chương trình hiệu quả; triển khai chương trình OCOP theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp.