Nhờ nghề nuôi con đặc sản, nhiều nông dân 'đổi đời' thu cả trăm triệu đến tỷ đồng
Nuôi giống lợn đen đặc sản, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng
Gia đình chị Phạm Thị Hồng Thắm (thôn Dân Hòa, xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) có hơn 100 con lợn giống đen, trong đó có 13 con lợn nái giống. Đàn lợn đen này được gia đình chị nuôi nhốt trên diện tích đất rộng khoảng 1.000 m2 với hình thức thả rong theo phương thức chăn nuôi của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.
Chị Thắm cho biết, mỗi năm lợn đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 7 – 10 con. Tính ở mức thấp mỗi lứa 7 con, thì mỗi năm 13 con lợn nái sẽ cung cấp khoảng 182 lợn con giống. Trung bình, lợn con giống sau 2 tháng tuổi, bán cho người chăn nuôi lợn thịt, với giá dao động từ 800.000 - 1.000.000 đồng/con, trừ chi phí, thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm.
Tại Lào Cai, ông Tráng Chu Thức (thôn Ngam Lâm, xã Nấm Lư, huyện Mường Khương) cũng quyết định đầu tư nghề nuôi con đặc sản là lợn đen bản địa với số vốn ban đầu là 30 triệu đồng, cộng với vốn vay ngân hàng và anh em họ hàng cho mượn.
Ông Thức cho biết, ngoài chăn nuôi lợn thịt, ông còn đầu tư nuôi lợn nái để bán giống. Lợn được nuôi bằng thức ăn tự nhiên như ngô, chuối, khoai lang…, không sử dụng thức ăn công nghiệp.
Có những thời điểm như năm 2021, đàn lợn đen của gia đình ông lên đến hàng trăm con, bao gồm cả lợn nái, lợn thịt và lợn giống. Hiện nay, ông Thức duy trì 8 con lợn nái, hơn 70 con lợn thịt, cho thu nhập hàng năm từ 300 – 400 triệu đồng.
Gà Đông Tảo - đặc sản tiến vua thời xưa nay được săn lùng vào dịp Tết
Gà Đông Tảo là giống gà quý hiếm thuần chủng của Việt Nam. Giống gà này thường được dùng để tiến vua vào thời xa xưa, hiện nay trở thành đặc sản chỉ những người có điều kiện mới săn lùng.
Gà Đông Tảo là một giống gà đặc hữu, được nuôi từ lâu đời tại xã Đông Tảo thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Mức giá thường thấy của gà Đông Tảo là từ 1,5 triệu - 3 triệu/con. Những con quý hơn có thể có mức giá 5-6 triệu/con.
Qua nhiều năm học hỏi kinh nghiệm, anh Bùi Văn Bộ (xã Tân Dân, Khoái Châu, Hưng Yên) đang thành công khi xây dựng mô hình độc đáo, chăn nuôi gà Đông Tảo cho nghe nhạc không lời, mang về thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.
Thời điểm hiện nay, gia đình anh Bộ đang chăn nuôi chủ yếu giống gà Đông Tảo với trên 100 con gà thương phẩm và hơn 1,5 nghìn con gà mái đẻ.
Anh Bộ cho biết, gia đình anh chăn nuôi gà Đông Tảo với phương pháp truyền thống từ nhiều năm rồi. Tuy nhiên cách nuôi gà cho nghe nhạc thì rất tình cờ, sau một lần xem chương trình chăn nuôi phát trên một kênh truyền hình nước ngoài có sử dụng phương pháp cho vật nuôi nghe nhạc không lời, anh Bộ thấy rất hay nên đã tìm hiểu và áp dụng vào quá trình chăn nuôi gà.
Từ việc chăn nuôi gà theo phương pháp độc đáo, trung bình mỗi năm, gia đình anh Bộ xuất bán ra thị trường trên 1 vạn con gà giống với giá bán 22 - 25 nghìn đồng/con và khoảng 100 con gà Đông Tảo thương phẩm có giá 320 - 450 nghìn đồng/kg.
Cũng tại “thủ phủ” gà Đông Tảo ở xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, nghề nuôi gà Đông Tảo của gia đình anh Nguyễn Tiến Dũng ở thôn Thống Nhất cũng đã được gần 30 năm.
Khởi nghiệp từ 50 con gà thuần chủng, đến thời điểm hiện tại trang trại nhà anh đã có khoảng 400-500 con gà. Vào gần Tết, nhà anh luôn tấp nập vì có khách đến mua loại gà đặc sản này.
Để đủ số lượng gà bán dịp Tết, anh Dũng phải nuôi lứa gà này từ 16-18 tháng, trọng lượng mỗi con từ 4-5 kg. Về giá bán, mỗi con gà Đông Tảo trung bình khoảng 1,5 - 3 triệu đồng.
Thu nhập từ bán gà giống và gà thịt mỗi năm đem về cho gia đình anh Dũng cả trăm triệu đồng tiền lãi.
Nuôi chồn hương thu cả nửa tỷ đồng
Ban đầu chỉ nuôi chơi vài 3 con nhưng sau đó thấy giá trị của con đặc sản này cao nên năm 2017, anh Nguyễn Hữu Khánh (SN 1986, trú tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) quyết định nghỉ việc ở khách sạn về đầu tư trang trại nuôi chồn hương.
Anh Khánh đầu tư 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua thêm mấy cặp chồn hương về nuôi. Chồn hương anh Khánh nuôi chủ yếu để bán giống. Khách hàng của anh ở mọi miền đất nước, trong đó chủ yếu là ở Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình.
Anh Khánh cho biết, thời gian đầu mới nuôi con đặc sản này thì số lượng chồn hương sinh ra chỉ đủ cung cấp chồn giống chứ không đủ để bán chồn thương phẩm. Một số nhà hàng có nhu cầu đặt mua nhưng anh cũng không hàng có để cung cấp.
Hiện nay, trang trại của anh Khánh có diện tích 400m2 và hiện đang có 100 con chồn hương. Chồn hương sinh sản chủ yếu từ tháng 2 đến tháng 10. Mỗi năm, trang trại xuất chuồng khoảng 100 con. Giá mỗi cặp chồn hương giống khoảng 8-9 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm, anh Khánh thu lãi 400 - 500 triệu đồng từ nghề nuôi chồn hương.
Cũng nhờ mô hình nuôi chồn hương bán giống nên gia đình ông Nguyễn Văn Tòng (ở ấp Tân Hòa, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, Cà Mau) có nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Khoảng 3 năm qua, đàn chồn của gia đình ông Tòng luôn duy trì ở mức trên dưới 30 con, với 10 con sinh sản. Mỗi năm, một con chồn hương giống sinh sản ít nhất 2 lần, mỗi lần 3 – 5 con. Vì nuôi bán liên tục, nên tháng nào nhà ông Tòng cũng có chồn giống bán. Giá bán chồn đực là 3 triệu.con, chồn cái 4 triệu đồng/con. Tuy nhiên hiện vẫn không đủ hàng để bán.
Doanh thu cả tỷ đồng nhờ nuôi nhím
Trang trại nuôi nhím của gia đình bà Lê Thị Phương (ở thôn 4, xã Hợp Tiến, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) có số lượng 320 con ra đời đã 10 năm nay.
Từ 4 cá thể nhím ban đầu, đến nay trang trại bà Phương đã có 320 cá thể nhím, trong đó có 100 cặp nhím bố mẹ, còn lại là nhím thịt.
Bà Phương cho biết, khi nhím được 8 tháng tuổi trọng lượng đạt 10kg/con, là lúc xuất bán hợp lý nhất, giá bán dao động từ 300.000 - 320.000 đồng/kg. Nhím giống khi được trên 7 kg sẽ bán với giá 500.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, bà Phương thu về khoảng 550 - 600 triệu đồng/năm.
Còn gia đình chị Hàn Thị Lý (xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) là một trong những gia đình người tiên phong, mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình con nuôi đặc sản này.
Sau thời gian tham khảo các mô hình nuôi nhím, chị Lý đã đầu tư mua 3 đôi con giống, xây dựng chuồng trại để nuôi thử nghiệm.
Sau đó, chị đã đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng khu chuồng với 60 lồng nuôi cố định bằng khung sắt. Hiện gia đình chị có 130 con nhím.
Chị Lý cho biết, hiện nay, giá 1kg nhím thương phẩm khoảng 300 nghìn đồng; nhím giống có giá từ 2,5 đến 3 triệu đồng/đôi. Với đàn nhím 130 con, doanh thu mỗi năm của gia đình chị khoảng 1 tỷ đồng.
Hải Yến (t/h)