Ông nông dân làm giàu từ cây sầu riêng và bưởi da xanh, mỗi năm thu lợi nhuận gần 2 tỷ đồng
Những năm gần đây, ông Nguyễn Văn Quang ở thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình (Bác Ái) nhờ mạnh dạn chuyển sang trồng sầu riêng và bưởi da xanh đã cho hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận thu được từ vụ sầu riêng đầu tiên gần 2 tỷ đồng.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn sầu riêng với diện tích 18 ha và vườn bưởi da xanh 1 ha trĩu quả đang vào vụ thu hoạch, ông Nguyễn Văn Quang, kể: Tôi quê gốc ở Bình Định, vì kinh tế khó khăn nên quyết định vào vùng đất Phước Bình để lập nghiệp.
Qua hơn 27 năm gắn bó với quê hương thứ hai, tôi nhận thấy điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở đây phù hợp cho việc trồng các loại cây ăn quả nên quyết định trồng cây sầu riêng và bưởi da xanh. Nhờ chịu khó, mạnh dạn trong chuyển đổi cây trồng, đến nay vườn cây ăn trái của gia đình tôi đã cho quả ngọt, thu nhập mỗi năm trên 2 tỷ đồng.
Từ việc đi tham quan thực tế các vườn trái cây ở các tỉnh miền Tây, cộng thêm học hỏi trên mạng internet đã giúp ông làm chủ được kỹ thuật chăm sóc các loại cây trồng này.
Ông Quang chỉa sẻ: Để cây cho năng suất cao, trái to, đều, đẹp, thì mật độ trồng phải thưa, cây không bị che nắng cộng với quá trình xử lý đất, phân, sâu bọ trong quá trình cây sinh trưởng và ra hoa sẽ giúp cây sầu riêng và bưởi phát triển tốt. Thời gian bắt đầu thu hoạch từ năm thứ 7 trở đi sẽ giúp cây đủ sức cho trái và tuổi thọ cây cao hơn những cây thu hoạch từ năm thứ 4, thứ 5.
Qua 7 năm trồng và chăm sóc với chi phí đầu tư gần 10 tỷ đồng, đến nay vườn cây ăn quả của gia đình ông đã cho thu nhập vụ sầu riêng đầu tiên, thu lợi nhuận gần 2 tỷ đồng, riêng vườn bưởi da xanh cho thu hoạch quanh năm đem về lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Quang ở thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình bên vườn sầu riêng của gia đình.
Từ hiệu quả vườn sầu riêng và bưởi da xanh của gia đình ông Quang, nhiều hộ dân ở xã Phước Bình đã chủ động tìm đến học hỏi kinh nghiệm để áp dụng làm theo. Cùng với việc hằng ngày chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình, ông Quang còn dành thời gian giúp đỡ nhiều người trong thôn, xóm, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, cách trồng, chăm sóc cây sầu riêng và bưởi da xanh đạt năng suất cao.
Ngoài ra, gia đình ông còn tạo công ăn, việc làm ổn định cho 8 lao động ở địa phương với thu nhập 6 triệu đồng/tháng với công việc chăm sóc các loại cây trồng.
Ông Katơr Chinh, cán bộ nông nghiệp xã Phước Bình, cho biết: Những năm gần đây việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên quy mô lớn ở địa bàn xã đã làm thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ của bà con, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng bền vững.
Hiện trên địa bàn xã đã phát triển vùng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao với diện tích trên 1.800 ha, gồm các loại cây: Điều, bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt... Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu. Ông Nguyễn Văn Quang là nông dân tiêu biểu trong thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả kinh tế cao.
Người phụ nữ "bỏ phố về quê" để khởi nghiệp trồng bưởi đỏ
Nhận thấy tương lai phát triển của việc trồng bưởi tại Yên Thế, chị Nguyễn Thị Hoài Anh đã vận động, giúp đỡ chị em trong vùng chuyển đổi cây trồng sang cây bưởi để nâng cao thu nhập.
Theo báo Ninh Thuận