Nhiều người trẻ rơi vào ‘địa ngục trần gian’ do sập bẫy của bọn lừa đảo
Khi bố mẹ của Goi Zhen Feng, nam công dân Malaysia (23 tuổi), tới Thái Lan, họ chắc chắn nghĩ rằng sẽ đưa cậu con trai khỏe mạnh về nước an toàn. Nhưng kết quả, họ rời khỏi Thái Lan với bình tro cốt của cậu con trai cả.
Trước đó, vào ngày 11/5, Goi, một giáo viên thực tập, đã qua đời trong cô đơn tại một bệnh viện ở thị trấn biên giới Mae Sot, phía tây Thái Lan sau chuyến đi đầy hỗn loạn và không hề biết bản thân đang đến trung tâm lừa đảo ở khu vực châu Á.
Tại nhà tang lễ ở thị trấn biển Si Racha, phía đông Thái Lan, hôm 15/9, bố mẹ của Goi lặng lẽ đặt chiếc áo hoodie và balo của con trai lên trên chiếc quan tài màu trắng chứa thi thể con trai.
Khi chiếc quan tài dần biến mất sau cánh cửa, người mẹ của Goi là bà Yang Fei Pin chỉ còn biết siết chặt lấy tay chồng là ông Goi Chee Kong (50 tuổi).
“Khi vợ tôi sinh con, tôi đã đứng chờ bên ngoài phòng sinh. Trái tim tôi ngập tràn niềm vui khi con ra đời. Nhưng giờ đây tôi nhìn thi thể con, trái tim tôi như bị bóp nghẹt”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Goi Chee Kong.
Những dấu vết đầu tiên
Giới chức Malaysia tin rằng, cái chết của Goi là ca tử vong chính thức đầu tiên bắt nguồn từ mạng lưới lừa đảo nhắm vào giới trẻ châu Á để cưỡng bức lao động và tống tiền.
Theo lời kể của một số nạn nhân được giải cứu là cư dân đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc, không ít người người đã bị những kẻ bắt giữ giết hại, hoặc qua đời sau những lần bỏ trốn trong tuyệt vọng.
Tại Trung Quốc, Hong Kong, Malaysia, Thái Lan và Indonesia, hàng chục nghìn người trẻ bị cạn tiền hoặc bị cắt đứt liên lạc xã hội trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành, đã bị chính những người đồng hương tẩy não, lừa đảo hoặc tra tấn sau các cuộc trò chuyện qua điện thoại.
Trên thực tế, cái chết của Goi ở Thái Lan có thể không bao giờ được làm rõ. Và phần lớn nạn nhân bị những kẻ lừa đảo giăng bẫy trên mạng xã hội.
“Thằng bé gặp một cô gái trên mạng, và chúng nói chuyện qua video với nhau. Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy mặt con bé, ngoại trừ nghe được giọng nói. Mỗi khi chúng tôi bước vào phòng, con bé sẽ dừng cuộc gọi có thể là do xấu hổ, hoặc do đường truyền internet bị gián đoạn”, ông Goi Chee Kong cho hay.
Vào ngày 19/1, Goi rời nhà ở thành phố Ipoh của Malaysia để tới Bangkok gặp “người yêu trên mạng”. Trước khi đi, Goi hứa sẽ trở về nhà vào ngày 5/2, một ngày trước sinh nhật của mẹ.
“Thằng bé đã không về nhà. Tôi biết có chuyện gì đó đã xảy ra. Con trai luôn ở bên vào dịp sinh nhật của tôi”, bà Yang Fei Pin chia sẻ.
Sau đó, bố mẹ của Goi đã báo cáo tin con trai mất tích với cảnh sát Malaysia.
Tới ngày 31/3, bố mẹ Goi nhận được cuộc gọi của con trai, và được biết con đang nằm tại một bệnh viện ở Mae Sot, thị trấn biên giới giáp với “vùng kinh tế đặc biệt” của Myanmar và cũng là nơi tọa lạc của sòng bạc khét tiếng KK Park, nằm cách Bangkok gần 500 km.
Sòng bạc khét tiếng này được biết tới là nơi lừa đảo quy mô lớn, và được hình thành trong khuôn viên hàng chục tòa nhà bao gồm khu chợ, nhà ở và khách sạn.
“Thằng bé nói cần 80.000 ringgit (17.600 USD) để chữa bệnh. Tôi chắc chắn lúc đó con trai đang bị đe dọa. Giọng nói của con giống như một người khác vậy”, bố của Goi kể lại.
Đây cũng là lần cuối cùng bố mẹ của Goi được nghe thấy tiếng con trai. Họ cũng không thể biết có thật lúc đó con trai đang nằm viện hay không.
Giới chức Malaysia cùng với những nguồn tin mật hoạt động trong sòng bạc KK Park cho biết, họ nhìn thấy nhiều thanh niên trong bộ dạng mệt mỏi sau nhiều giờ phải làm việc.
Những công dân Hong Kong, Đài Loan và Thái Lan từng được giải cứu khỏi KK Park tiết lộ nhiều lao động tại đây bị đánh đập, lạm dụng và thậm chí là cưỡng ép mổ lấy nội tạng.
Vào ngày 11/4, Goi được một người lạ đưa vào viện dưới danh phận của một công dân Malaysia, và cầm theo hộ chiếu giả. Nhưng lúc này, Goi đã ở trong tình trạng không thể nói được. Đây chính là nguyên nhân khiến gia đình Goi không có manh mối để sớm tìm ra con trai cho tới khi mọi chuyện đã quá muộn.
Trong giấy chứng tử, nguyên nhân chết của Goi được ghi là do hội chứng Guillain-Barre. Đây là tình trạng xuất hiện những rối loạn hiếm gặp trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các dây thần kinh gây ra tổn thương rễ thần kinh hủy myelin. Bệnh diễn tiến vài ngày hoặc vài tuần sau khi có triệu chứng đường hô hấp hoặc nhiễm siêu vi, chủng ngừa. Triệu chứng điển hình đầu tiên là tình trạng viêm đa dây thần kinh cấp tính và tiến triển nhanh gây ra mất cảm giác và yếu cơ.
Song theo các quan chức Malaysia, Goi được cho đã bị đánh đập và có dấu hiệu bị bạo hành dẫn tới chảy máu bên trong.
Khi Goi qua đời và không có người tới nhận, thi thể của chàng trai trẻ được các tình nguyện viện chuyển tới một ngôi chùa ở Si Racha ở miền đông Thái Lan. Tới ngày 15/9, thi thể Goi đã được hỏa táng sau nhiều tuần chờ đợi người thân tới nhận. Bố mẹ Goi được nhận thi thể con trai sau khi làm xét nghiệm ADN. Vào ngày 30/8, bố mẹ Goi mới nhận được thông tin con trai đã qua đời.
“Dù đó những lời mời kết bạn, tìm bạn gái/trai hay việc nhẹ lương cao, xin đừng để bị lừa. Những đối tượng lừa đảo sẽ dùng mọi thủ đoạn để lừa bạn tới địa ngục trần gian”, bố của Goi cảnh báo những người trẻ tuổi sau cái chết của con trai.
Băng đảng Trung Quốc
Những vụ lừa đảo do các băng đảng Trung Quốc thực hiện thường được điều hành từ cơ sở nằm ở thị trấn Sihanoukville của Campuchia, nơi giáp biên giới với Myanmar và Lào.
Hoạt động lừa đảo cũng hết sức tinh vi dưới cái bóng của nhiều trang web chuyên sao chép các ngân hàng và doanh nghiệp thực. Đối tượng lừa đảo đi săn "con mồi" dưới danh nghĩa là đại lý giao dịch tiền điện tử, cảnh sát hoặc quan chức.
Đáng nói, một số người được gọi là “nhân viên bán hàng" biết rõ hành vi phạm pháp nhưng vẫn làm việc cho các băng đảng lừa đảo. Song cũng không ít người là nạn nhân của bọn buôn người. Một khi đã dính líu tới các băng đảng lừa dảo, họ sẽ bị biến thành con nợ và phải trả phí từ 3.000 -15.000 USD mới có thể rời bỏ tổ chức.
“Đây là hành vi tống tiền. Tiền được thanh toán qua hình thức tiền ảo, nên không thể lần ra dấu vết”, ông Victor Wong, nam doanh nhân người Malaysia đang làm việc ở Thái Lan và đã tham gia hỗ trợ tìm kiếm nhiều nạn nhân của bọn lừa đảo như Goi.
Theo ông Wong, nếu nạn nhân từ chối làm việc hoặc quá nghèo để chi trả khoản tiền chuộc thân, họ sẽ bị bán sang các mạng lưới lừa đảo khác.
Giới chức tin rằng trung tâm lừa đảo chính là các tòa nhà mái đỏ của sòng bạc khét tiếng KK Park, và đây cũng là nguồn thu chính của lực lượng phiến quân ở Myanmar.
Ác mộng kéo dài
Vào giữa tháng Tám, cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ đối tượng người Trung Quốc nằm trong danh sách truy nã đỏ của Interpol là She Zhijiang. Hắn bị chính quyền Bắc Kinh cáo buộc điều hành đường dây đánh bạc trực tuyến bất hợp pháp.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, She mang hộ chiếu Campuchia và là Chủ tịch Yatai International Holdings Group, đơn vị đã đổ hàng tỉ USD vào xây dựng thành phố mới Yatai ở Myanmar nằm đối diện với thị trấn biên giới Mae Sot của Thái Lan. Đây cũng là nơi tọa lạc của khu phức hợp giải trí Shwe Koko, và KK Park là sòng bạc nổi tiếng nhất.
Ông Sim Chon Siang, một chính trị gia Malaysia, cho rằng có hàng trăm người Malaysia vẫn đang gặp rắc rối vì rơi vào bẫy của bọn lừa đảo.
“Con cái của chúng ta đang bị rơi vào tay bọn lừa đảo. Tất cả các nước đều phải có trách nhiệm làm mọi việc có thể để ngăn chặn tình trạng này”, ông Sim nhấn mạnh.
'Con mồi’ chính trong các vụ bắt cóc liên quan tới đánh bạc ở Philippines là phụ nữ
Rời chiếc khẩu trang, giới trẻ Hàn Quốc đổ xô đi chăm sóc da, phẫu thuật thẩm mỹ
Minh Thu (lược dịch)