Nhiều người hiểu nhầm về các dự án đang thế chấp vừa công bố
Ngay sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM công bố 77 dự án BĐS trên địa bàn đang được chủ đầu tư mang đi thế chấp ngân hàng, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng vẫn còn nhiều người hiểu nhầm về các dự án nằm trong danh sách này.
Thời gian gần đây, chuyện dự án BĐS được chủ đầu tư mang thế chấp ngân hàng gây nhiều sự chú ý, nhất là khi vụ việc tại chung cư The Harmona (Q.Tân Bình), The Ruby Land (Q.Tân Phú) khiến hàng trăm cư dân nháo nhào lo sợ căn hộ của mình bị ngân hàng siết nợ. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là dự án thuộc số ít chủ đầu tư làm ăn theo kiểu “chụp giật”, gây tâm lý hoang mang cho nhiều khách hàng khác trong bối cảnh thị trường BĐS có dấu hiệu phục hồi tích cực như hiện nay.
Theo yêu cầu của UBND Thành phố về việc rà soát tình hình thực hiện các dự án xây dựng nhà ở trên địa bàn, cũng như đảm bảo tính minh bạch trên thị trường, mới đây Sở TN&MT công bố danh sách 77 dự án đang được chủ đầu tư thế chấp ở các tổ chức tín dụng tính đến ngày 8/6/2016. Tuy nhiên, theo Hiệp hội BĐS TP.HCM, việc công bố danh sách này đang khiến nhiều người hiểu nhầm.
![]() |
Việc không công khai mục đích thế chấp của 77 dự án đang thế chấp ngân hàng vừa được Sở TN&MT công bố khiến nhiều người hiểu nhầm.(Ảnh minh họa) |
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho biết, hiện TP.HCM có 584 dự án BĐS đang triển khai nhưng chỉ có 77 dự án đang thế chấp, chiếm 13,2%. Qua đó cho thấy phần lớn các dự án không thế chấp ngân hàng. Việc công khai các dự án đang thế chấp đã cung cấp thông tin cần thiết cho người tiêu dùng và các chủ thể có liên quan, góp phần xây dựng thị trường BĐS ngày càng minh bạch hơn.
Tuy nhiên, theo ông Châu, việc công bố danh sách 77 dự án đang thế chấp ngân hàng đã có tác động tức thì đến thị trường BĐS làm cho một bộ phận người tiêu dùng băn khoăn, lo lắng, nhất là có người hiểu nhầm là dự án đã bị thế chấp đồng nhất với chủ đầu tư kém năng lực.
Ông Châu giải thích, ở nước ta, các chủ đầu tư dự án phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động từ khách hàng. Đối với nguồn vốn tín dụng, chủ đầu tư thường vay vốn để phát triển dự án, thực hiện quy định về bảo lãnh ngân hàng khi bán nhà ở hình thành trong tương lai... và thường lấy dự án, công trình đó để thế chấp ngân hàng.
Tuy nhiên, một số chủ đầu tư sử dụng vốn huy động sai mục đích, đầu tư dàn trải, thậm chí tiêu dùng cá nhân dẫn đến không hoàn thành dự án, không bàn giao được nhà cho người mua, gây ra nợ xấu gây thiệt hại cho khách hàng và làm cho người tiêu dùng mất lòng tin.
Đối với ngân hàng nhận thế chấp, đa số đều thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quản lý chặt chẽ, nhưng cũng có chi nhánh ngân hàng buông lỏng quản lý, thậm chí dễ dãi, dẫn đến chủ đầu tư sử dụng vốn vay sai mục đích.
Do vậy, các ngân hàng thương mại cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm và có biện pháp giám sát việc chủ đầu tư sử dụng vốn vay tín dụng đúng mục đích, giám sát chặt chẽ tài sản thế chấp hình thành trong tương lai để bảo đảm thu hồi vốn vay.
Theo chủ tịch HoREA, Luật Nhà ở 2014 có quy định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở trong dự án để vay vốn. Trường hợp dự án đã thế chấp nhưng chủ đầu tư có nhu cầu huy động vốn hoặc bán, cho thuê mua nhà ở thì phải giải chấp trước khi ký hợp đồng huy động vốn, mua bán.
Do vậy, chủ đầu tư dự án đã bị thế chấp vẫn được quyền bán, chuyển nhượng, cho thuê nhà ở của dự án với điều kiện phải được ngân hàng nhận thế chấp có văn bản chấp thuận. Người mua nhà tại các dự án đã bị thế chấp ngân hàng có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp văn bản của ngân hàng chấp thuận cho chủ đầu tư được bán nhà, căn hộ hình thành trong tương lai để huy động vốn.
Trên cơ sở đó, để người mua nhà nắm đầy đủ thông tin về các dự án đang bị thế chấp HoREA kiến nghị Sở TN&MT Thành phố khi công bố cá dự án đang thế chấp cần cung cấp thêm mục đích thế chấp như để phát triển dự án; hoặc để xây dựng công trình, nhà ở trong dự án; hoặc để thực hiện bảo lãnh ngân hàng...