Nhiều khó khăn trong việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương ở Đắk Lắk
Trong giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh Đắk Lắk đã tiếp nhận 42 nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Các nạn nhân bị mua bán trở về hầu hết có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định đang có nhu cầu, mong muốn tìm việc làm với mức thu nhập cao.
Tuy nhiên, công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán gặp nhiều khó khăn, chính sách, chế độ chi cho hoạt động hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đối với nạn nhân còn ở mức thấp nên chưa có tác dụng tích cực giúp cho nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.
Công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa) |
Nguồn kinh phí hỗ trợ cho nạn nhân được trích từ nguồn đảm bảo xã hội cấp huyện nên việc bố trí kinh phí hỗ trợ nạn nhân còn chậm.
Các chính sách hỗ trợ gián tiếp khác như hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, vay vốn sản xuất chưa có cơ chế riêng nên khó thực hiện.
Bên cạnh đó, năng lực của một số cán bộ thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân còn hạn chế nên việc hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng chưa cao có hiệu quả cao.
Một số nạn nhân tự trở về địa phương do không có thông tin về các chính sách hỗ trợ của nhà nước và tâm lý mặc cảm, lo sợ nên không thông báo với các cơ quan chức năng để được tư vấn, hỗ trợ cần thiết dẫn đến khó hòa nhập cộng đồng.
Trong những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đắk Lắk đã phối hợp với cơ quan đoàn thể tại các địa phương tổ chức nhiều lần thăm hỏi, tư vấn hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân bị mua bán trở về để hòa nhập cộng đồng.
Các địa phương đã tổ chức hỗ trợ khó khăn ban đầu cho 3 nạn nhân bị mua bán trở về với số tiền 3.000.000 đồng và hỗ trợ thiết yếu trực tiếp cho 01 nạn nhân với số tiền 8.000.000 đồng.
Hải Dương