Nhiều giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động sau dịch
Dưới tác động của đại dịch Covid-19, các giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động đang trở nên ngày càng cấp bách. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo 7 nhóm giải pháp lớn cho vấn đề này.
Nhiều giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch. (Ảnh: Nhân dân) |
Thích ứng linh hoạt
Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hàng chục triệu lao động. Số liệu từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, trong quý 3, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 4,7 triệu lao động bị mất việc làm; 14,7 triệu lao động tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; hơn 10 triệu lao động giảm giờ làm, tạm dừng việc làm. Nguồn cung lao động bị suy giảm.
Trong quý 3, cả nước có 47,2 triệu lao động có việc làm, giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Cơ cấu việc làm chuyển dịch theo hướng tiêu cực khi tăng số lượng lao động làm việc ở lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; giảm ở lĩnh vực dịch vụ công nghiệp, xây dựng...
Trước thực trạng này, thời gian qua, Chính phủ và các tỉnh, thành phố đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ an sinh cho người lao động. Từ đầu tháng 7/2021 đến nay, cả nước có hơn 27,62 triệu lượt người lao động được tiếp cận với các chính sách, nguồn lực hỗ trợ từ các gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ. Tổng kinh phí đã chi theo các gói hỗ trợ là hơn 27.000 tỷ đồng. Sự quan tâm, trợ giúp kịp thời đó góp phần giúp nhiều lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, bảo đảm việc làm.
Cùng với nguồn lực trợ giúp, nhiều ý kiến cho rằng, các bên liên quan cần chủ động triển khai nhiều giải pháp bảo đảm việc làm cho người lao động.
Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, các bên cần kết hợp hai chính sách là tài khóa và tiền tệ, kèm theo các chính sách về an sinh xã hội. Trong đó, chính sách tiền tệ đóng vai trò then chốt, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, nhất là đối với những doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi và bứt phá.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ, tập đoàn hiện có 155.000 lao động; ở thời điểm giãn cách xã hội, tập đoàn có tới 56.000 lao động không thể đến làm việc tại doanh nghiệp, hiện vẫn còn nhiều lao động chưa thể trở lại làm việc.
Để thích ứng, tập đoàn bố trí dây chuyền sản xuất phù hợp theo nơi ở của người lao động, đề phòng trường hợp không may có ca Covid-19 thì chỉ có một nhóm phải tạm dừng hoạt động. Cùng với đó, trong giai đoạn người lao động phải nghỉ việc, các doanh nghiệp thuộc tập đoàn chi trả thu nhập cho người lao động bằng mức lương tối thiểu vùng. Nhờ đó, lực lượng lao động của Tập đoàn Dệt may Việt Nam ít biến động, hoạt động sản xuất, kinh doanh đều tăng trưởng.
Các giải pháp phục hồi thị trường lao động
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần có những chính sách hỗ trợ người lao động trong giai đoạn đầu quay lại làm việc như hỗ trợ kinh phí thuê nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí vận chuyển, xét nghiệm tầm soát Covid-19…. Cùng với đó, đẩy mạnh liên kết vùng trong điều tiết cung cầu lao động phục vụ hồi phục phát triển kinh tế xã hội.
Để phục hồi thị trường lao động, Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, hiện Bộ đang dự thảo chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, với 7 nhóm giải pháp lớn với những cơ chế chính sách tập trung vào những vấn đề lớn.
Cụ thể, hỗ trợ trực tiếp người lao động, giúp chi trả chi phí đi lại, nhu yếu phẩm, tiền điện, tiền nước, chi phí xét nghiệm… Hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng người lao động, cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ kết nối cung cầu lao động. Hoàn thiện bền vững thị trường lao động; bảo đảm điều kiện về nơi sinh sống cho người lao động; xây dựng quan hệ giữa người lao động hài hòa, tiến bộ.
Các chuyên gia nhận định việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi, ổn định thị trường lao động trong đại dịch Covid-19 thể hiện tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân của Đảng và Chính phủ, đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn. Điều này góp phần phục hồi sản xuất, bảo đảm đời sống ổn định cho người dân.
Khôi Nguyên
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.