Nhà đầu tư “bấn loạn” trong vòng xoáy cắt lỗ-bắt đáy, hưng phấn khi thị trường hồi phục
Thị trường co giật, biến động mạnh liên tục từ phiên 6/7 đến nay khiến tâm lý bi quan, hoang mang bao trùm, nhiều nhà đầu tư bị cuốn vào vòng xoáy bán vội khi giảm mạnh và hành động bắt đáy sớm…khiến tài khoản lỗ lại càng lỗ.
Cảm xúc “hỷ nộ ái ố” mòn mỏi chờ đợi một phiên hồi đã được giải tỏa bằng sắc xanh trên diện rộng của thị trường trong 2 phiên gần đây. “Vitamin tự tin” vì thế cũng được lan tỏa nhiều hơn tới nhà đầu tư.
Rất nhiều các nhà đầu tư, cả Fn hay F0 bị tác động bởi các nhịp giảm sâu suốt từ khi hệ thống giao dịch mới của HOSE đi vào hoạt động. Nhà đầu tư kinh nghiệm hơn thì giảm thiểu được tác động, tài khoản ở trạng thái giảm lãi hoặc hòa vốn, còn lại đa phần rơi vào tình huống "ôm full hàng", thậm chí còn margin cao – đã phải chịu đòn từ lãi xuống lỗ, càng bắt đáy càng lỗ, chần chừ điểm bán không bán, đến khi bán xong thì cổ phiếu hồi.
Lặp đi lặp lại các trạng thái trong các phiên vừa qua đã khiến không ít nhà đầu mệt mỏi, chán nản và lo sợ trước sự bốc hơi của tài khoản. Chưa kể, hàng loạt các room với luồng thông tin đa chiều, góc nhìn đa chiều và tốc độ lan truyền nhanh các thông tin tiêu cực, thông tin chưa kiểm chứng, các nhận định không chuẩn xác…lại càng khiến nhà đầu tư hoảng loạn hơn, nếu như trước đây tự tin vùng 1.350, thì chỉ trong hơn 1 tuần qua, hầu như nhà đầu tư cá nhân nào cũng đã tin vào kịch bản Vnindex đi về nơi xa…1.200 điểm.
Thanh Thủy, nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường từ cuối năm 2020, mất ăn mất ngủ vì tài khoản giảm mạnh, nhiều khoản đầu tư trước đó đang lãi chuyển sang lỗ, rất nhanh.
Một phần danh mục chứng khoán phiên 12/7 của nhà đầu tư Thủy |
Theo lời khuyến nghị, Thủy mua vào HPG ở vùng giá được cho là không còn hấp dẫn trong ngắn hạn, gần 52.000 đồng/cp. Trải qua các phiên lình xình quanh mốc 51.000-52.000, HPG giảm sâu về vùng 44.950 phiên 12/7, nhà đầu tư này tạm ghi nhận khoản lỗ 13%, tương ứng lỗ 178 triệu đồng. Tương tự, AAA cũng mua ở vùng giá rất cao hơn 19.000 đồng/cp, cũng nhanh chóng về vùng 15.400 đồng/cp, tạm lỗ hơn 20,3%, tương ứng lỗ hơn 196 triệu đồng. Và tương tự, giá vốn SHB cũng rất cao, gần 29.600 đồng, nhà đầu tư này tạm lỗ 19,8%, tương ứng lỗ 293 triệu đồng.
Phiên 14/7, Thủy quyết định cắt lỗ cả 3 cổ phiếu trên. Trong đó, đáng tiếc nhất là SHB đã có ngay một cây trần phiên 15/7, đưa giá cổ phiếu lên lại vùng 27.300 đồng.
Chia sẻ thêm, Thủy cho biết, đã từng "ăn đậm" cổ phiếu NVL, và bắt đáy khi cổ phiếu này giảm từ vùng 120.000 về 110.000 đồng/cp, nhưng các phiên sau đó, NVL tiếp tục lao dốc và thường xuyên duy trì ở mức 103.000-104.000 đồng/cp, thậm chí có lúc xuống 101.000 đồng/cp. Bình quân giá là giải pháp được Thủy lựa chọn.
Nhà đầu tư Anh Kiệt, F0 mới toanh tham gia thị trường được gần 2 tháng, khoe từng lãi vài trăm triệu, nhưng nay đã bay khoảng 400 triệu đồng trong đợt sụt giảm vừa qua. Thị trường "sập" vừa qua, lại "sập" nguyên tuần – như ngôn ngữ nhà đầu tư này nói, đã khiến Kiệt hoảng loạn.
Nhờ phiên hồi phục mạnh vừa qua, tâm trạng đã có phần bình tĩnh hơn, nhưng sự tiếc nuối vẫn hiện hữu "bất ngờ có cú sập, nhiều cổ phiếu trong danh mục giảm, tôi bán tháo. Bán xong, cảm thấy may mắn vì đã quyết định như vậy. Nhưng tôi dại dột, tâm lý muốn gỡ gạc, nhảy vào bắt đáy nên mua mới vào các cổ phiếu penny. Quá dại, hàng về tài khoản, là lỗ luôn", Kiệt chia sẻ. Hiện một phần danh mục của Kiệt sau khi đã cơ cấu, gồm AAA, HPG, GEX, TCB, FPT.
Nhóm cổ phiếu được rất nhiều nhà đầu tư nắm giữ là ngân hàng cũng có phen xanh mặt khi đây là nhóm giảm mạnh nhất. Nhiều nhà đầu tư kinh nghiệm hoàn toàn dễ hiểu trước đà giảm này khi các kỳ vọng về nhóm này đã dần lộ diện, cũng là lúc "tin ra là bán". Thông tin bi quan về lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm mạnh trong nửa cuối năm vì phải hạ lãi suất cho vay – được chia sẻ rộng rãi trong suốt giai đoạn thị trường giảm. Những cổ phiếu được cho là "khỏe", có câu chuyện, vừa vụt tăng tuần trước đó cũng quay đầu giảm như TCB, VPB.
Nhà đầu tư Nguyễn Oanh chia sẻ, mua VPB vùng giá 68.000 đồng/cp, rất phấn khởi khi cổ phiếu lên vùng 72.000 đồng/cp, nhưng với kỳ vọng cổ phiếu lên 8x, nhà đầu tư này dĩ nhiên chưa bán. Kết quả, VPB giảm mạnh, có lúc giảm sâu về vùng 60.500 đồng/cp, vài trăm triệu bốc hơi, trong khi nhà đầu tư này đã bắt đáy ngay khi cổ phiếu về vùng 65.000 đồng/cp và tiếp tục chịu lỗ.
Rất nhiều nhà đầu tư có hướng mua dò đáy, bắt đáy, và sau đó bị cuốn vào tâm lý gồng lỗ, mua trung bình xuống, và tiêu cực hơn là gia tăng sử dụng vay margin để mua. Càng thấy giảm, càng muốn "bắt".
Trong khi, nhiều nhà đầu tư có kỹ thuật tốt, canh đúng vùng mua hấp dẫn ngắn hạn của VPB, 60.000-61.000 vài phiên trước, và bán hàng có sẵn đúng bằng lượng mua vào, với giá 65.000.
Tương tự, nhà đầu Thắng cùng nhóm bạn, đã đủng đỉnh mua vào cổ phiếu SHB khi cổ phiếu này rơi về vùng 23.000-24.000 ở những phiên qua và tạm thu thành quả tích cực khi SHB tăng trần, và đến nay vẫn tiếp tục sắc xanh, lên vùng 28.000 đồng/cp.
Thậm chí, nhiều nhà đầu tư còn lựa chọn được những cổ phiếu đi ngược dòng thị trường, như VPG ghi nhận gần như tăng liên tục từ đầu tháng 7 đến nay, tương ứng tưng 17,5%, thậm chí sau phiên thị trường giảm mạnh, cổ phiếu này vẫn nhích nhẹ lên 33.800 đồng và hiện đang ở mức 39.200 đồng.
Nhiều nhà đầu tư sau khi trải qua các nhịp vừa rồi, đang tranh thủ bán ra hạ tỷ trọng cổ phiếu, còn các nhà đầu tư vừa qua "nhặt" được các cổ phiếu tốt có giá hấp dẫn, có câu chuyện lại đang đủng đỉnh hưởng thành quả và tiếp tục nắm giữ.
Kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán, được nhiều nhà đầu tư chia sẻ, luôn chọn cổ phiếu tốt, an toàn và có kỳ vọng đủ hấp dẫn, và cần bình tĩnh nhìn nhận khi thị trường điều chỉnh là cơ cấu danh mục, loại bỏ mã yếu, không bắt đáy sớm. Lưu ý, nhiều cổ phiếu giảm mạnh nhưng chỉ là so với vùng đỉnh gần nhất (tại đây, cổ phiếu đã tăng hàng chục %, hoặc bằng lần trong 1 năm qua) nhưng so với mốc hồi mới tăng thì vẫn còn rất cao, và việc mua giảm giá vốn mỗi ngày kể cả dùng margin mang lại rủi ro lớn cho nhà đầu tư.
VN-Index xuống mức thấp nhất trong 8 tuần, nhà đầu tư tranh thủ bắt đáy
TTCK Việt Nam tiếp tục chìm trong sắc đỏ khi VN-Index giảm tới 17,63 điểm (1,36%) còn 1.279,91 điểm trong phiên hôm qua, 14/07, kéo chỉ số này xuống mức thấp nhất trong 8 tuần gần nhất.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị