Người phụ nữ một chân vượt nghịch cảnh thành hoa khôi nhờ điệu múa đặc biệt
Sau tai nạn, sợ những giấc ngủ say
12 năm trước có lẽ là quãng thời gian khó quên nhất trong đời chị Bế Thị Băng (hiện 36 tuổi, Cao Bằng).
Từ một người con gái trẻ trung, yêu đời, tràn đầy nhiệt huyết với bao dự định và hoài bão, chị Băng bỗng phải dừng lại tất cả bởi một vụ tai nạn vào tháng 2/2012.
Hơn chục năm đã trôi qua nhưng khi nhớ lại, sống mũi chị vẫn cay xè: "Hôm đó, trên đường từ phòng khám nha khoa ở Hoàn Kiếm (Hà Nội) về nhà, tôi bị một chiếc xe đầu kéo đâm vào gây bất tỉnh.
Bốn ngày sau, tôi tỉnh lại trong đau đớn và phát hiện chân phải của mình đã bị cắt bỏ, chân trái đang hoại tử, khả năng sống được tiên lượng rất ít. Tôi sợ hãi và hoảng loạn vô cùng, cảm giác cả thế giới như đang sụp đổ”.
Khi đó, câu nói của bố cứ văng vẳng bên tai: "Con không chết được đâu". Lời của bố thôi thúc đứa con gái ở tuổi 24 như tôi vực dậy tinh thần, cố gắng vượt qua cửa tử. Và rồi tôi “sống dậy” với một chân còn lại, trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Ở tuổi 24, đầy sức sống và năng lượng, như bao người con gái khác, chị Băng mong có được một thời thanh xuân hoàn hảo và xinh đẹp nhất. Nhưng nỗi đau đến với chị chẳng hề thông báo trước. Chị hụt hẫng đến mức không dám đối diện với chính mình. Chị đau đớn, suy nghĩ, trăn trở rất nhiều về hiện tại và tương lai, về gia đình, bố mẹ...
"Những ngày tháng sau tai nạn, tôi sợ những giấc ngủ say. Tôi sợ mỗi khi tỉnh dậy, một phần cơ thể nào đó của mình sẽ bị tháo đi mà mình không hay biết. Tôi sợ bản thân, sợ một cơ thể không hoàn thiện. Khi đó, người tôi nghĩ đến nhiều nhất là bố mẹ và gia đình.
Tôi sợ mình sẽ là gánh nặng cho người thân, sợ tương lai mờ mịt, sợ từ nay mình sẽ chẳng làm được việc gì ra trò, gác lại tất cả ước mơ, hoài bão", chị chia sẻ.
Sau 21 ngày nằm viện, chị xin phép bố mẹ cho mình thuê một phòng trọ ở Hà Nội để tiếp tục điều trị. Lúc đó, bố mẹ không đồng ý vì sợ con gái một mình ở lại thành phố sẽ càng khó khăn, về quê còn có bố mẹ chăm sóc. Nhưng chị vẫn kiên quyết không về.
"Tôi chỉ muốn ở lại Hà Nội, không muốn là gánh nặng cho bất cứ ai. Khi đó tôi chỉ nghĩ, cuộc sống là của mình và mình phải tự chịu trách nhiệm với chính nó", chị nhớ lại.
Thế rồi, chị tiếp tục hành trình của bản thân, chấp nhận biến cố, mỗi ngày phải tự nhủ bản thân cần mạnh mẽ hơn, nghị lực hơn.
"Tôi bắt đầu học làm quen với cuộc sống mới. Nghĩ thì đơn giản nhưng làm mới khó khăn biết bao. Những lời bàn ra tán vào của mọi người xung quanh khiến tôi mệt mỏi.
Người thì nói mất một chân còn cố ở lại thành phố làm gì, cứ ở nhà chứ ra ngoài còn khổ thêm. Người lại bảo con gái như tôi quá bất hạnh, về quê là tốt nhất... Những câu nói đó khiến tôi mệt mỏi, từng khóc rất nhiều và muốn trốn tránh bản thân", chị nói.
Sau quãng thời gian dài đấu tranh tư tưởng, từ một người suy nghĩ tiêu cực, chị dần tìm lại được niềm hy vọng. Chị nhận ra người để chị dựa vào khi đó chỉ có thể là bản thân mình.
“Sống bằng con người thật của hiện tại”
"Sau tất cả tôi quyết định làm một điều gì đó để thay đổi bản thân. Tôi không còn đau đáu muốn mình có 2 chân nữa mà sẽ sống bằng con người thật của hiện tại. Khiếm khuyết không phải để che đi, mà tôi dùng khiếm khuyết để đối diện với cuộc đời.
Tôi nhớ những bước chân đầu tiên trên đôi nạng gỗ khi ra đường. Rất nhiều người tò mò nhìn mình nhưng tôi đã chấp nhận rồi và bước đi tự tin, vững vàng", chị Băng chia sẻ.
Chị kể, cuộc đời mình bắt đầu thay đổi từ năm 2014 trong một lần lên sân thượng ngắm bình minh cùng mẹ. Khi nhìn ánh mặt trời lóe sáng, chị cảm thấy những tia hy vọng đang le lói. Bỗng dưng chị muốn nhảy múa, hòa mình vào trong ánh sáng đó.
Chị nhận ra việc nhảy múa sẽ giúp bản thân giữ được thăng bằng tốt hơn khi chỉ có một chân. Chị tập đứng, tập đi, tập trườn bò trên sàn đến thâm tím thân thể. Chị tập cho đến lúc cảm giác đau không còn nữa. Dần dần, chị không còn bận tâm đến những vết bầm tím mà chỉ tập trung xem thứ mình muốn có làm được hay không.
Nhảy múa là việc không đơn giản. Người bình thường đã khó, huống hồ người chỉ còn một chân như chị. Nhưng nhờ những ngày tháng rèn luyện không mệt mỏi, chị Băng đã mang điệu múa của mình lên sân khấu, truyền cảm hứng cho nhiều người.
Nỗ lực đã được đền đáp. Năm 2019, chị Bế Thị Băng vui mừng khi đạt danh hiệu hoa khôi "Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết" nhờ điệu nhảy trên một chân do chị biên đạo. Đây có lẽ là bước ngoặt thứ hai trong cuộc đời của chị từ sau tai nạn.
Tham gia cuộc thi, chị mong muốn mình có thể thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực, mong muốn được hòa nhập với cộng đồng, truyền tải sức mạnh lạc quan tới những người cùng cảnh ngộ. Chính chị cũng không ngờ lại đạt được giải thưởng lớn như vậy. Và đây cũng là bước ngoặt giúp chị tự tin hơn.
Mỗi ngày, được gặp nhiều người, có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, chị càng nhận ra bản thân mình trưởng thành hơn từ trong suy nghĩ. Chị lại mang những suy nghĩ tích cực ấy để truyền đến những người có chung cảnh ngộ.
Hiện chị Bế Thị Băng là Đại sứ Mottainai (Quỹ Học bổng trẻ em bị thiệt thòi bởi tai nạn giao thông) và nhiều chương trình truyền cảm hứng cho những người khuyết tật.
Ngoài ra chị cũng có những dự án cá nhân khác như: Nạng yêu thương, bước chân diệu kỳ với mục đích xoa dịu nỗi đau người khuyết tật.
Đối với chị đó là hành trình đầy yêu thương, ý nghĩa. Trong suốt thời gian đó, chị gặp không ít người có hoàn cảnh khó khăn. Có những người vì khiếm khuyết mà thiếu tự tin, mất đi tinh thần vươn lên. Bằng kinh nghiệm của bản thân, chị luôn nỗ lực hết mình để truyền tải tình yêu và nghị lực trong cuộc sống.
“Một câu chuyện làm tôi nhớ mãi cho đến bây giờ, đó là lần tôi gặp một cậu bé đến từ Vĩnh Phúc. Em bị tai nạn giao thông và bị cắt 2 chân dưới gối. Em có hỏi tôi rằng, tại sao chị có thể tự tin như vậy. Câu hỏi của cậu bé đã chạm đến ký ức của tôi.
Lúc đó, tôi trả lời em thế này: 'Vì chị đang sống cuộc sống của chính mình, là chính mình. Chị yêu khiếm khuyết và yêu bản thân. Sự tự tin sẽ đến khi em biết chấp nhận khiếm khuyết của cơ thể và đừng quan tâm đến cái nhìn tiêu cực của người khác. Hãy sống vì bố mẹ, vì gia đình em và vì em. Đó mới là điều quan trọng'", chị kể.
Sau cuộc nói chuyện ấy, hai mẹ con cậu bé ôm nhau khóc vì xúc động. Ngay buổi trưa hôm đó, cậu bé đã tự tin hơn, nói chuyện cởi mở hơn với mọi người.
Trên hành trình của mình, chị Băng không ngừng nỗ lực để mang tới những tia sáng hy vọng, nghị lực sống cho những người đồng cảnh từ câu chuyện của bản thân.
"Tôi biết ơn bước ngoặt đã cho mình một cuộc sống mới. Tôi có được suy nghĩ khác. Đó là: Dù bản thân có thế nào không quan trọng, quan trọng là ta đã làm được những gì đẹp và ý nghĩa nhất khi ta còn được sống”.
Ảnh: Nhân vật cung cấp