Người đàn ông mở 'lớp học 0 đồng' ở TP.HCM: 'Bọn trẻ năn nỉ khiến tôi không thể cầm lòng!'
Anh Huỳnh Quang Khải (32 tuổi, ngụ phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM) nhận thấy khu phố mình ở có nhiều em nhỏ hoàn cảnh khó khăn, ở quê lên TP.HCM mưu sinh kiếm sống, lang thang cơ nhỡ, thiếu sự chăm sóc của cha mẹ, một số em dù đã mười mấy tuổi vẫn chưa biết mặt chữ nên đã nhen nhóm ý tưởng mở lớp dạy miễn phí cho những đứa trẻ này.
Trước khi trở về làm thầy giáo toàn thời gian, nghề chính của anh Khải là hướng dẫn viên du lịch. Sau thời gian ấp ủ ý tưởng anh đã đứng ra mở lớp học này vào năm 2009, đặt tên là Lớp học tình thương Ngọc Việt.
Ở lớp học đặc biệt này, các em nhỏ được dạy miễn phí 2 môn Toán và tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5. Ngoài ra, các em còn được học về cách ứng xử, các kiến thức, kỹ năng sống... Lớp học do hai vợ chồng anh Khải và một cô giáo về hưu tình nguyện phụ trách giảng dạy.
Ban đầu lớp học chủ yếu dạy cho con em công nhân, người lao động trong khu vực. Duy trì được vài năm, tới 2013 do quá bận rộn với công việc hướng dẫn viên du lịch, không có thời gian đứng lớp, anh Khải phải đóng cửa lớp học một thời gian.
Trao đổi với PV Infonet, anh Khải nói: “Bẵng đi khoảng 2 năm, tới 2015, một lần gặp lại học trò cũ bán vé số dạo, nhặt ve chai ngoài đường, bọn trẻ năn nỉ tôi mở lớp để được đi học như bạn bè đồng trang lứa khiến tôi không thể cầm lòng. Vậy là hai vợ chồng tôi cùng nhau dựng lại lớp học từ đầu.
Thời gian đầu khó khăn vô cùng, phải vận động tiền của anh em bạn bè, bà con làng xóm lấy tiền mở lớp nhưng không đủ. Sau hai vợ chồng chấp nhận bán số vàng hồi môn để gom góp tiền mua sắm bàn ghế, mua tập vở cho tụi nhỏ.
Không có điều kiện thuê địa điểm mở lớp, tôi tận dụng khoảng sân trước nhà chừng 10m vuông quây lại, lợp mái tôn làm lớp học. Một tấm bảng nhỏ, chục bộ bàn ghế và giá sách, cứ thế mà lớp học đơn sơ đã tồn tại tới giờ”.
Hiện lớp học của anh Khải có 46 học sinh từ 8-17 tuổi, đều là con của những người lao động nghèo đến TP.HCM sinh sống.
Buổi sáng, các em sẽ phụ việc gia đình hoặc đi bán vé số, làm phụ hồ, rửa chén cho quán ăn, tối về lại cắp sách đến lớp tình thương Ngọc Việt. Đặc biệt, học viên lớn tuổi nhất là một bác chạy xe ôm đã ngoài 60 tuổi. Ngoài ra còn 2 học viên nữa cũng đã trên 45 tuổi nhưng vẫn rất cần mẫn, luôn đến lớp đúng giờ.
Giờ đây, nhờ sự cố gắng của anh Khải và sự hỗ trợ từ cộng đồng và các tổ chức đoàn thể địa phương mà mảnh đất phía sau nhà anh Khải đã trở thành không gian lớp học hiện đại, phòng ốc cũng đã khang trang hơn xưa.
Chương trình giảng dạy của anh là hai môn tiếng Việt và Toán theo cấp bậc tiểu học. Lớp anh Khải có 90% các em không đủ điều kiện đến trường, 5% các em thiếu giấy tờ tùy thân, còn lại là những em chậm phát triển.
“Với những học sinh có vấn đề về trí tuệ, tôi càng phải kèm cặp sát sao vì những em này gặp trở ngại trong việc ghi nhớ và mất nhiều ngày mới có thể lĩnh hội kiến thức 1 bài học trong khi những em khác chỉ cần một ngày”, anh Khải chia sẻ.
Có nhiều em 15 tuổi mới học lớp 1, học những chữ cái đầu tiên khi đến lớp. Có em rất chậm, một bài phải học hai ba hôm mới được. Nhiều em ngày đi làm, tối đi học nên cũng không đều, phải dạy đi dạy lại để các em theo kịp các bạn khác.... Lớp đông, mỗi em một khả năng khác nhau nên thầy cô phải kiên nhẫn và cố gắng với từng em.
Ngần ấy năm đồng hành với những đứa trẻ, anh Khải xem bọn trẻ như những đứa con của mình, mong ước lớn nhất của người đàn ông này là bọn trẻ lớn lên sống có ích cho xã hội.
Hoàng Thanh