Lớp học đặc biệt của cô giáo mầm non 9X ở Gia Lai
Được biết, cô giáo trẻ Rơ Lan Vy là giáo viên mầm non hiện đang công tác tại Trường mầm non song ngữ ETC Gems Chư Sê (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai). Phóng viên Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng nữ giáo viên trẻ này.
PV: Thưa cô, từ đâu mà cô có ý tưởng mở lớp học xóa mù chữ cho bà con dân làng?
Cô giáo Rơ Lan Vy: Bản thân bố của tôi cũng không biết chữ và lớp học này được lập ra trong một lần tôi dạy chữ cho bố mình.
Khi tôi hướng dẫn bố viết chữ, tôi biết rằng trong làng còn nhiều người cũng không biết chữ nên nảy ra ý định đến từng nhà, động viên bà con nào chưa biết chữ thì hãy sắp xếp công việc đồng áng để học cái chữ vào các buổi tối.
Địa điểm học là nhà văn hóa của xã, còn bảng và bàn ghế thì tôi và cán bộ Đoàn xã Dun đã đi mượn của một trường học. Hôm nào ở nhà văn hóa có họp thì Đoàn xã mượn tạm phòng học để việc học tập không bị gián đoạn.
Vậy là, trước nguyện vọng của đông đảo người dân trong làng, được sự chấp thuận, ủng hộ của chính quyền, giữa tháng 6/2022, lớp học xóa mù chữ của làng tôi được mở với khoảng 20 người có độ tuổi từ 15 đến 55 theo học.
PV: Trong quá trình duy trì lớp học có khó khăn nào không, thưa cô?
Cô giáo Rơ Lan Vy: Thời gian đầu bà con đến học cũng rất ít, nhưng sau đó mọi người nhận ra không biết chữ rất thiệt thòi nên sĩ số lớp học tăng lên nhanh chóng.
Mấy tuần đầu, tôi dạy cả tuần nhưng vào buổi tối vì ban ngày mọi người đều phải lên rẫy. Lớp học mở vào buổi tối từ 20h đến 21h30 phút là hợp lý vì lúc ấy mọi người cũng sắp xếp được công việc gia đình.
Sau này, do bận công việc nên 1 tuần tôi chỉ dạy được 3 đến 4 buổi. Mặc dù đã lớn tuổi nhưng các cô chú, anh chị học viên rất ham học, tích cực đến lớp, học hành nghiêm túc làm tôi cũng thấy rất vui.
Nếu mọi người đến làng tôi vào các buổi học sẽ thấy hình ảnh sau những giờ làm việc vất vả bên nương rẫy, người dân làng Greo Sek lại cắp sách vở đến lớp “ê a” học chữ rất vui.
Phần lớn những học viên của tôi là người Jrai lúc nhỏ có đi học nhưng rồi bỏ học giữa chừng vì không đủ điều kiện học tập. Vì gánh nặng cơm áo gạo tiền, lo làm lụng kiếm sống nên bà con không có thời gian theo học trở lại, dẫn đến quên mặt chữ.
Khó khăn nhất của lớp học là hiện nay không có địa điểm cố định, có hôm lớp phải tạm dừng vì có cuộc họp được tổ chức tại Nhà văn hóa trong làng mà chưa mượn được phòng học tạm.
PV: Lớp học này sẽ được duy trì trong bao lâu, thưa cô?
Cô giáo Rơ Lan Vy: Hiện tại lớp học phải tạm ngưng vì năm học mới 2022-2023 đến, chúng tôi phải trả bàn ghế cho nhà trường. Cùng với đó, nhiều học viên phải đi miền Nam làm ăn nên không thể theo được lớp học.
Tôi cũng từng tính đến phương án mở lớp dạy tại nhà nhưng nhà chật và không có tiền mua bàn ghế, bảng nên quyết định cứ đến dịp hè sẽ phối hợp với Đoàn xã mở lớp. Có điều, với cách làm này thì hiệu quả xóa mù chữ sẽ không cao, do khoảng thời gian nghỉ học quá dài. Thế nhưng trước mắt cũng không có phương án nào khả thi hơn cả.
Từ ngày lớp học xóa mù chữ này ra đời, có nhiều người trong làng tưởng chừng như cả đời này không bao giờ biết đến việc đọc chữ thì nay nhiều người ra đường đã đọc được chữ trên các biển thông báo, viết thành thạo.
Tôi cảm thấy rất vui khi nhìn mọi người đã biết viết, biết ký tên của mình cũng như đọc, viết những câu ngắn đơn giản, thậm chí xem được điện thoại. Vậy nên trong thời gian tới tôi sẽ tìm phương án để mở lại lớp và duy trì lớp học này.
PV: Xin cảm ơn cô về cuộc trò chuyện!
Hoàng Thanh