Người đái tháo đường ăn keto có tốt?
Thái Minh (19 tuổi) nặng 63kg. Ở nhà, bố cô bé cũng béo phì được chẩn đoán đái tháo đường 5 năm trước. Đầu tháng 10, Thái Minh khám sức khoẻ hoàn thiện hồ sơ nộp vào trường đại học, chỉ số đường huyết của cô “ngấp nghé” 7.0mmol/l.
Bác sĩ chưa chỉ định cô dùng thuốc mà hướng dẫn cô điều chỉnh chế độ ăn uống, luyện tập nhằm giảm cân.
Dù không có chỉ định từ bác sĩ nhưng do quá nóng vội cô bé quyết định nhịn ăn. Chỉ hai ngày cô mới ăn một bữa nhiều rau xanh và đĩa lườn gà. Đồ ăn cô tiêu thụ mỗi ngày là sữa và nước lọc.
“Mấy ngày đầu người em lúc nào cũng như không trọng lượng. Mỗi lúc hoa mắt, chân tay run em lại uống sữa có đường. Tình trạng lại được cải thiện. Sau 3 tuần thì thấy mọi việc đều không quá khó khăn.
Đến nay em đã thực hiện chế độ ăn như vậy 3 tháng. Nhưng thật lạ lùng càng nhịn ăn em lại càng tăng cân hơn”, Thái Minh than phiền.
Tương tự, bố cô bé thời gian đầu cũng duy trì chế độ Keto (không tinh bột chỉ miến, rau, không đường, đạm…), đường huyết lúc đói của bố Thái Minh ổn định. Thế nhưng cũng từ đó, ông mắc thêm hội chứng đau dạ dày. Những cơn đau hành hạ người đàn ông ngoài 60 tuổi khốn khổ mỗi ngày. Không những thế, mắt người đàn ông này cũng mờ đi trông thấy.
Lý giải điều này với phóng viên, TS. BS Đỗ Đình Tùng, PGĐ Bệnh viện Xanh Pôn cho rằng người mắc đái tháo đường phải tuân thủ chế độ ăn uống khoa học, không bỏ bữa.
“Người bệnh dứt khoát phải ăn uống điều độ, không được ăn đêm. Đặc biệt các bữa ăn cần cung cấp đủ khoáng chất, vitamin để tạo thuận lợi cho việc chuyển hoá tránh hiện tượng làm kháng insullin.
Hiện tượng kháng insullin ở một số trường hợp nhịn ăn sẽ gây nên tình trạng hạ đường máu. Bởi vì cơ thể không được cung cấp năng lượng, đường thì sẽ sinh ra những hệ thống hooc môn làm tăng đường máu lên.
Ví dụ ngày nào cũng nhịn ăn thì cơ thể sẽ có hệ thống nâng đường máu lên một cách bền vững, tăng khả năng hấp thu đường, đưa đường vào trong máu. Đến bữa ăn cơ thể hấp thu tốt hơn, đường vào trong máu tốt hơn, các tế bào sinh sôi nảy nở nhiều hơn, lắng đọng mỡ nhiều hơn. Do đó, kháng insullin là cơ chế tích tụ mỡ làm tăng khả năng thừa cân béo phì nhiều hơn”, BS Đỗ Đình Tùng cảnh báo.
PGĐ Bệnh viên Xanh Pôn cũng cảnh báo, tương lai của người béo phì là đái tháo đường dẫn đến nhiều biến chứng, nhiều hệ luỵ sức khoẻ. Mà béo phì ở trẻ em và người lớn có những nguyên nhân khác nhau.
Ở người lớn điều trị béo phì phải điều chỉnh chế độ ăn như là giảm lượng mỡ, giảm lượng calo tiêu thụ, tránh nước ngọt, nước uống có gas. Đặc biệt cần duy trì chế độ dinh dưỡng nhiều rau củ quả giảm bớt tốc độ hấp thu đường trong máu.
“Đối với người ăn keto, cắt hoàn toàn tinh bột mà chủ yếu ăn các chất đạm làm cho mất cân bằng giữa đạm đường và mỡ. Nếu thực hiện lâu dài về chế độ này thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc điều trị đái tháo đường. Sẽ làm cho người đái tháo đường kiểm soát đường huyết một cách không tốt.
Có thể khi ăn chế độ keto xét nghiệm đường huyết lúc đói thì ổn định, về bình thường. Nhưng khi chúng ta đánh giá sâu hơn, đánh giá đường huyết sau ăn, chỉ số biến chứng thì theo một số nghiên cứu cho thấy chỉ số biến chứng tăng lên rất cao”, TS. BS Đỗ Đình Tùng nhấn mạnh.
Đái tháo đường đang lặng lẽ đến với người Việt Nam, có những người mắc bệnh mà không hề hay biết. Đây chính là lí do khoảng 50% người mắc bệnh nhưng không được chẩn đoán. Đáng chú ý, trong số được chẩn đoán chỉ có chưa đến 30% số người được điều trị đái tháo đường.
GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam cảnh báo, các thống kê cách đây khoảng 20 năm ở Hà Nội tỉ lệ mắc đái tháo đường là 1,4%, ở TP.HCM là 2,5%.
Theo kết quả điều tra năm 2012, tỉ lệ đái tháo đường trên toàn quốc là 5,7%, trong đó khoảng 60% bệnh nhân chưa được chẩn đoán. Mới đây, nghiên cứu cho thấy tỉ lệ đái tháo đường ở Việt Nam là 7,3%.
Tại báo cáo nghiên cứu khoa học do TS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương nghiên cứu trên hơn 5.000 người dân từ 30-69 tuổi trên toàn quốc cho thấy tỉ lệ đái tháo đường và tiền đái tháo đường toàn quốc lần lượt là 7,3% và 17,8%. Riêng tại Hà Nội và TP HCM, tỉ lệ này là 8,3% - 22,3%.
Theo các chuyên gia, bệnh đái tháo đường ngày càng gia tăng do lối sống ít vận động, ăn uống không hợp lí làm gia tăng béo phì, rối loạn chuyển hóa. Đặc biệt, bệnh ngày càng trẻ hóa với nhiều ca mắc đã được ghi nhận ở trẻ nhỏ 9 - 13 tuổi và thanh niên 20 - dưới 30 tuổi.
Đáng ngại là đái tháo đường làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa, suy thận mạn, mất 60% đoạn chi không do chấn thương, đặc biệt 2/3 người bệnh đái tháo đường tử vong do biến chứng tim mạch.
N. Huyền