Người bán dâm hoàn lương, nhiễm HIV... không "lộ" danh tính, ngân hàng khó cho vay
Theo Quyết định số 2/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng, việc thí điểm hỗ trợ vay vốn tín dụng đối với người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế sẽ tiếp tục thực hiện tại 15 tỉnh thành, quyết định có hiệu lực từ ngày 1/3, thời gian thực hiện đến hết 31/12/2020.
![]() |
Đã có hơn 500 người là người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương... được vay vốn để làm ăn. |
Từ năm 2021 trở đi, thông qua đánh giá kết quả đạt được sẽ xem xét quyết định việc mở rộng trên phạm vi cả nước.
Theo đó, các đối tượng trên sẽ được hỗ trợ vay 20 triệu đồng trong thời hạn 36 tháng với lãi suất bằng lãi suất cho vay hộ nghèo, lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất cho vay.
Ông Đào Anh Tuấn- Giám đốc Ban tín dụng học sinh sinh viên và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, chính sách cho vay vốn tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương, đã được ngân hàng triển khai từ năm 2014 theo Quyết định 29/2014 của Chính phủ.
Tuy nhiên đến 2016 mới thực hiện được cho vay do đến hết năm 2015 Chính phủ chưa bố trí được nguồn vốn để thực hiện cho vay.
Trong 2 năm triển khai, Ngân hàng Chính sách xã hội, đã cho vay hơn 12,8 tỷ đồng cho 504 khách hàng, doanh số thu nợ là hơn 1,6 tỷ đồng, dư nợ là 11,2 tỷ đồng, với 460 khách hàng còn dư nợ.
Trong đó, những đơn vị có dư nợ cao như: Hải Phòng 1,6 tỷ đồng, Lào Cai 1,5 tỷ đồng, Hà Nội và Đà Nẵng là 1 tỷ đồng. Đến nay, chương trình chưa phát sinh nợ quá hạn.
Hầu hết các đối tượng được vay vốn đều thực hiện tốt nghĩa vụ của mình sau khi vay và chấp hành tốt các quy ước của tổ tiết kiệm và vay vốn đề ra.
Theo ông Tuấn, đây là một là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước giúp xã hội giảm kỳ thị, phân biệt đối xử và gần gũi với họ hơn.
“Việc cho vay giúp các cá nhân, hộ gia đình có tiền để mở rộng, đầu tư kinh doanh, có công ăn việc làm ổn định, hòa đồng với cuộc sống”, ông Tuấn nói.
Một số đơn vị có tỷ lệ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch như Hà Nội, Quảng Nam, TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, cũng còn một số đơn vị hoàn thành kế hoạch thấp như Đăk Lắk (6,38%), Hải Phòng (32,22%), Thanh Hóa (37,38%).
Lý giải nguyên nhân tỷ lệ cho vay vốn còn thấp, ông Tuấn cho hay, theo quy định, các đối tượng muốn được vay vốn phải có xác nhận của chính quyền địa phương chính vì thế mà họ không muốn công khai, không muốn bị lộ danh tính. Đặc biệt là đối với người bán dâm hoàn lương phải có giấy xác nhận ra trại, có xác nhận của UBND cấp xã thì họ mới được tiếp cận nguồn vốn vay.
“Nhiều người mong muốn cho vay nhưng không thể hiện danh tính nhưng ngân hàng không thể làm thế được, không thể cho vay trong bóng tối được”, ông Tuấn nói.
Việc bình xét cho vay gặp khó khăn do tâm lý e ngại của hội đoàn thể, trưởng thôn, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn về năng lực quản lý vốn vay; khả năng thực hiện phương án sản xuất kinh doanh của các đối tượng dẫn đến ảnh hưởng khả năng trả gốc, lãi.
Mặt khác, những trường hợp cá nhân, hộ gia đình quy định tại Quyết định 29 có nhu cầu vay vốn nhưng nếu đã vay vốn từ các chương trình ưu đãi khác tại Ngân hàng chính sách xã hội để sản xuất kinh doanh rồi thì không được xem xét cho vay nữa.
Ngoài ra, mức cho vay đối với cá nhân và hộ gia đình hiện tại thấp chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của khách hàng cho một phương án sản xuất kinh doanh nên nhiều hộ cũng không muốn vay.
Hầu hết các đối tượng sống phụ thuộc vào gia đình, không có việc làm ổn định, trong khi gia đình của những người này hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn…
Theo lãnh đạo Ngân hàng chính sách xã hội, những khó khăn, vướng mắc nêu trên khiến cho chương trình tín dụng chưa đạt được yêu cầu như mong muốn nhưng chương trình đã tạo điều kiện cho các đối tượng được hòa đồng với xã hội, giúp họ thấy bản thân họ vẫn còn có ích, còn đóng góp công sức lao động cho sự phát triển của xã hội.
Nhiều đối tượng muốn làm lại cuộc đời nhưng không có vốn để sản xuất kinh doanh, chương trình đã “trao cần câu” cho họ, giúp họ quay trở lại với cuộc sống, từ đó cũng giảm bớt những tệ nạn xã hội, ổn định tình hình chính trị ở địa phương.