Ngưng chia sẻ hình ảnh, clip nam sinh lớp 10 nhảy lầu tự tử
"Dù vô tình hay cố ý mọi người hãy dừng chia sẻ những hình ảnh, clip về câu chuyện đau lòng ấy. Các con đã phải bỏ cuộc sống này mà đi một cách đau đớn như vậy, hãy để chúng được an nghỉ"...
Ngồi kèm con học bài, tôi tranh thủ lướt mạng, tràn ngập FB thông tin cậu bé lớp 10 nhảy từ tầng 28 tự tử kèm đó là bức thư, một đoạn clip hoặc nhiều hình ảnh được cắt ra từ clip đó. Những tâm trạng: nước mắt, xót thương, phẫn nộ và cả đay nghiến… đủ cả từ những dòng trạng thái ấy.
Tôi lặng đi. Bởi tôi cũng là một phụ huynh, cũng có con học chuyên và cũng từng ở giai đoạn “dở ông, dở thằng” như bé trai kia.
Tôi tin, bất cứ bố mẹ nào cũng luôn yêu thương con một cách vô điều kiện, tôi cũng tin hầu hết các bố mẹ đều mong muốn con trưởng thành.
Nhưng cái chết kết thúc cuộc đời của cậu bé 16 tuổi đã xảy ra. Chuyện xảy ra ngoài sức tưởng tượng, ngoài dự liệu của người lớn. Nếu từng nghĩ tình huống ấy xảy ra, chắc chắn các bậc làm cha làm mẹ đã … nghĩ đến phương án tốt nhất giúp con vượt qua.
Ảnh minh hoạ |
Dằn vặt, day dứt sẽ đeo đẳng bố mẹ em suốt phần đời còn lại.
Nhiều năm trước, tôi từng viết về trường hợp một bé gái bị hiếp dâm. Tôi cố gắng tiếp cận với nạn nhân, tìm về tận nhà em, chụp ảnh ngôi nhà, nơi em sinh sống hòng cung cấp đến bạn đọc những thông tin chân thực nhất.
Nhưng rồi những tư liệu đó mãi mãi ngủ yên trong một góc phòng làm việc sau câu nói “đừng giết thêm bé, gia đình em một lần nữa” từ một nhà chuyên môn độc lập chuyên làm về bảo vệ phụ nữ và trẻ em.
Trở lại câu chuyện của nam sinh trường chuyên nhảy từ tầng 28 xuống đất với hàng loạt hình ảnh, clip được chia sẻ nhiều trên MXH bất giác tôi thấy xót xa. Thương bé, thương cho cả những người sống còn lại.
“Có ai nghĩ những tài nguyên ấy sẽ không bao giờ mất đi. Người ở lại sẽ đối diện thế nào với vết thương đó”, một đồng nghiệp của tôi đau đớn thốt lên.
Chị cho biết, nhiều năm trước chị cũng từng nhận được lời khẩn cầu của người mẹ có con trầm cảm. Bà mong muốn chị với nghề nghiệp của mình nếu có bản tin nào trên báo chí về sự ra đi ra đi của con mình thì giúp bà gỡ xuống. Người mẹ ấy, muốn khoanh lại một nỗi đau. Cuộc đời vẫn còn phải tiếp tục.
Chị băn khoăn “hôm nay, rất nhiều rất nhiều hình ảnh trên mạng xã hội lan truyền một bức thư, một đoạn clip hoặc hình ảnh trích ra từ clip ấy. Đăng lên, để ai đó (kể cả Bộ trưởng Bộ giáo dục đi nữa) nhìn vào, để thay đổi cách giáo dục, thì có nên không. Chẳng nhẽ, giằng xé nỗi đau của một gia đình, không cho nó lên da non, thì giáo dục sẽ thay đổi? Tôi không nghĩ chuyện đơn giản như vậy”.
Việc thay đổi quan điểm giáo dục, về những giấy khen, còn là chặng đường dài. Cũng như câu chuyện chia sẻ thông tin clip từ camera, từ lá thư hôm nay, nó cho thấy cả một chặng dài nữa của việc giữ quyền riêng tư.
TS. Khuất Thu Hồng, Viện Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) khẩn thiết “đừng đưa clip hay thư của các cháu lên nữa được không”.
Theo chuyên gia, dù vô tình hay cố ý mọi người dừng chia sẻ những hình ảnh, clip về câu chuyện đau lòng ấy. Các con đã phải bỏ cuộc sống này mà đi một cách đau đớn như vậy, hãy để chúng được an nghỉ. Nếu không, đó sẽ là tài nguyên còn mãi trên mạng. Nỗi đau của gia đình, người thân của bé sẽ rất khó liền da.
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Minh Khuyên, chuyên khoa tâm thần kinh Phòng khám Bệnh viện (BV) ĐH Y Dược 1 TP HCM, cho biết, giãn cách xã hội kéo dài vì dịch Covid-19, bệnh lý về rối loạn lo âu, trầm cảm tăng rất cao. Ở học sinh, có nhiều lý do khiến trẻ stress như: học trực tuyến nhiều, ở nhà lâu ngày, thay đổi thói quen hằng ngày, cuộc sống bị đảo lộn, không có điều kiện tiếp xúc xã hội...
Theo bác sĩ Trần Minh Khuyên, khi học trực tuyến, trẻ bị gò bó trong môi trường chật, không có cơ hội giao lưu với bạn bè, kèm theo đó là áp lực bài vở, kiểm tra khiến các em lúc nào cũng bồn chồn, ngủ không được, hoảng hốt, đang ngủ thì bật dậy, lúc nào cũng lo lắng về bài tập, thậm chí bỏ ăn để làm bài tập.
Khi các em có stress cấp tính là những bài tập, bài kiểm tra phải thực hiện, cơ thể sẽ vận động làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, tăng dopamine... giúp trẻ chú ý hơn, làm việc hiệu quả hơn để giải quyết vấn đề.
Nhưng khi stress cấp xảy ra liên tục, cơ thể không trở về được bình thường, tinh thần không được cân bằng dẫn đến stress mạn tính gây ra rối loạn lo âu và trầm cảm. Thực tế, stress là bệnh tâm lý nhưng đến lúc cơ thể có vấn đề và không được giải quyết sẽ chuyển thành bệnh lý thực sự.
BS Khuyên nhấn mạnh, khi rối loạn lo âu, người bệnh có thể mất ngủ, đau đầu, đau cổ gáy, tim đập nhanh, mệt, bất an... kèm theo trầm cảm nó có thể khiến người bệnh rơi vào trạng thái trầm buồn, mệt mỏi, mất năng lượng.
Tùy theo mức độ cụ thể sẽ ảnh hưởng đến người bệnh, nếu nặng, đứa trẻ có thể tự làm đau bản thân, đấm tay vào tường, lột da, cắt tay... hoặc có ý nghĩ tự tử.
N. Huyền