Nghề đan lát - nghề truyền thống giúp người La Pán Tẩn nâng cao đời sống
Ít ai biết đan lát là một nghề truyền thống của vùng núi La Pán Tẩn |
Nghề đan lát là nghề truyền thống đã có từ lâu đời của người đồng bào nơi đây. Có lẽ ngay từ khi sinh ra người Mông đã được bao bọc bởi những cánh rừng bạt ngàn tre, trúc và nhờ đó mà tâm hồn của họ luôn chất phác, mộc mạc và thật gần gũi với thiên nhiên, và hình như những đức tính đó được thể hiện luôn trong các sản phẩm đan lát của mình. Rất nhiều sản phẩm được người dân nơi đây làm ra từ cây tre, cây nứa từ đồ dùng, phương tiện vận chuyển đến một số vật dụng được dùng trong các nghi lễ. Tùy từng sản phẩm mà người đan sử dụng những nguyên liệu khác nhau. Nguyên liệu gồm có tre, nứa nhưng nhiều nhất trúc vẫn là nguyên liệu chính được bà con sử dụng. Các sản phẩm đều được làm rất công phu, tỉ mỉ. Để làm ra một sản phẩm được mọi người yêu thích, tin dùng đòi hỏi kinh nghiệm và sự khéo léo từ khâu tìm loại tre thích hợp cho việc đan lát. Đó phải là những cây thẳng, không quá già hoặc quá non và thưa đốt để khi đan không bị gãy, dễ dàng trong việc lận vành.cây mang về đốn khúc, chẻ nhỏ vót chuốt trơn tru, độ dài rộng tùy thuộc vào sản phẩm, mục đích của người đan. Sau khi đem phơi khô thì bắt đầu đan thành sản phẩm. Khó nhất trong các công đoạn chính là lúc lận vành, đòi hỏi phải có sự khéo léo và đôi bàn tay chắc khỏe, người có kinh nghiệm thì khi làm xong sản phẩm chắc chắn, bền đẹp, không bị cong vênh.... Công việc này chủ yếu do những người đã có nhiều năm kinh nghiệm đan lát đảm nhiệm.
Đối với đồng bào Mông La Pán Tẩn, ngoài thời gian lên nương, lên rẫy đồng bào nơi đây thường tụ họp với nhau vừa trò chuyện vừa tranh thủ cho ra những sản phẩm phục vụ đời sống. Sản phẩm hiện nay được đồng bào làm phổ biến là gùi hay còn gọi là Lu cở. Bởi đối với đồng bào nơi đây gùi không chỉ là đồ đựng thuần túy mà nó còn là đồ trang trí thể hiện óc thẩm mỹ và bàn tay khéo léo của người đan.
Không chỉ đan gùi cho người dùng, đồng bào nơi đây còn đan gùi cho cả ngựa nữa. Sự cẩn thận, trau chuốt trong từng chiếc nan như biến những người thợ thành người nghệ sĩ. Đôi bàn tay thoăn thoắt xếp những chiếc nan trúc vào đúng vị trí của nó tạo nên những nét độc đáo và riêng biệt trong từng sản phẩm của đồng bào.
Ngoài những sản phẩm chính, người Mông còn làm một số sản phẩm phục vụ cho đời sống hàng ngày như thúng, ghế, mâm, bộ ép xôi... Tùy từng loại sản phẩm, người Mông sử dụng những kỹ thuật đan lát cổ truyền khác nhau. Đan mâm dùng kỹ thuật đan xiên là kỹ thuật phức tạp và khó đan, rất ít người làm được, còn đan gùi dùng kỹ thuật lóng đôi và lóng ba. Người Mông tin rằng đan gùi lúa phải áp dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để tạo thành hoa văn thì người sử dụng chúng mới “ăn nên làm ra”.
Được sự hỗ trợ bảo tồn nghề truyền thống của Sở Văn Hoá, Thể thao và Du Lịch Yên Bái, nghề đan lát của đồng bào La Pán Tẩn đã từng bước được phát triển và trở thành hàng hoá phục vụ cho đời sống của người dân, nhiều gia đình người Mông nơi đây còn sản xuất thêm một số lượng ít các sản phẩm để mang ra chợ bán hay đan các món đồ nhỏ xinh để làm quà lưu niệm.
Cùng với sự cần cù khéo léo, những người Mông ở xã La Pán Tẩn – Mù Cang Chải đã tạo ra những sản phẩm giản dị nhưng đầy tiện ích, mang ý nghĩa lớn trong cuộc sống thường nhật của người dân miền sơn cước góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống và phát triển làng nghề đan lát La Pán Tẩu ngày một thịnh vượng hơn.