Nghệ An: Vùng "đất khó" bãi ngang nỗ lực xây dựng nông thôn mới
Xây dựng NTM ở các xã bãi ngang còn gặp nhiều khó khăn. |
Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức
Diễn Ngọc là một trong những xã của huyện Diễn Châu (Nghệ An) có số dân đông nhất với trên 15.000 nhân khẩu, tuy nhiên tổng diện tích chỉ có 340ha. Đất chật người đông, bà con chủ yếu sống bằng nghề đánh cá biển gần bờ và làm dịch vụ hậu cần nghề cá.
Đến nay, xã mới chỉ đạt 15/19 tiêu chí. 4 tiêu chí xã chưa đạt là đường giao thông được bê tông hóa (đạt 65%), nhiều tuyến đường không có mương thoát nước; tỷ lệ làng văn hóa đạt 55%...
Trong 4 tiêu chí thì xã đang gặp khó khăn nhiều về an ninh trật tự xã hội. Hiện nay, toàn xã có hơn 90 đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, 7 người nhiễm HIV/AIDS. Ngoài ra, tình trạng sử dụng ma túy đá cũng đang xâm nhập vào tầng lớp thanh niên Diễn Ngọc.
Tuy nhiên, theo anh Cao Đức Lam - Trưởng Công an xã Diễn Ngọc, tệ nạn ma túy tại địa phương vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Trên địa bàn có 12/12 xóm có đối tượng nghiện. Thậm chí, có gia đình cả con, cả cha đều nghiện, nguy cơ tiềm ẩn trong vấn đề này rất khó lường trong giai đoạn tiếp theo.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu) cho biết là xã vùng biển đất chật người đông nên để đạt tỷ lệ đường trục thôn, xóm được cứng hóa theo chuẩn của Bộ Giao thông Vận tải là rất khó. Đường đã làm nhưng hẹp, quanh co. Bên cạnh đó, thu nhập của người dân không cao nên việc huy động nguồn lực cũng hạn chế. Diễn Ngọc đưa ra mục đích là về đích NTM vào năm 2020 nhưng cũng đang bộn bề, nhiều trở ngại...
Xã Diễn Bích cũng là một trong những xã khó khăn của vùng bãi ngang, việc giảm nghèo trong NTM còn chưa thật bền vững, sự phối kết hợp trong chỉ đạo chương trình giảm nghèo chưa nhịp nhàng, đồng bộ. Hiện nay, bình quân thu nhập đầu người ở Diễn Châu đã đạt hơn 40 triệu đồng/năm nhưng ở Diễn Bích mới đạt 29 triệu đồng/năm. Con số này cũng rất bấp bênh vì phụ thuộc vào sự được, mất mùa của nghề biển.
Nhiều tàu cá của bà con ngư dân phải nằm bờ. |
Hơn 1 năm nay, nghề biển khó khăn, đã có hơn 20 chủ tàu rao bán tàu cá để lấy tiền trả nợ ngân hàng.
Chị Thái Thị Oanh (vợ một chủ tàu ở xóm Quyết Thắng, xã Diễn Bích) chia sẻ: "Tàu cá nhà tôi nằm bờ, đắp bạt nhiều tháng nay, dù thời tiết thuận lợi nhưng ra biển đánh bắt khó khăn. Khi đóng tàu trị giá 1,8 tỷ đồng, nhà tôi vay ngân hàng mất nửa đến hạn không trả được, vợ chồng tôi đang rao bán tàu 1 tỷ đồng nhưng không có ai mua. Chồng tôi phải vào Đà Nẵng đi làm thuê để trả lãi. Cuộc sống của chúng tôi phụ thuộc cả vào nghề biển nên giờ rất khó khăn".
Ông Nguyễn Văn Liên – Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích cho biết: "Chúng tôi đang rất lo lắng về việc khai thác đánh bắt mất mùa của bà con. Chưa khi nào nghề biển khó khăn như vài năm trở lại đây. Do đó, không chỉ khó khăn trong huy động nguồn lực mà việc triển khai vận động người dân mở rộng đường, hiến đất để xây dựng nhà văn hóa, sân chơi, địa phương cũng khó thực hiện. Xã đang gặp khó khăn trong xây dựng tiêu chí văn hóa khi mà tệ nạn xã hội còn nhiều. Tự đánh giá, địa phương mới chỉ có 14 tiêu chí có khả năng đạt nhưng chưa trọn vẹn. Thực tế này cũng đã ảnh hưởng đến quyết tâm của người dân trong việc phấn đấu hoàn thành kế hoạch xây dựng NTM vào năm 2020."
Là xã bãi ngang, xuất phát điểm thấp nên Diễn Kim gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng NTM. Vì vậy, xã tập trung xây dựng nông thôn mới tại từng xóm một.
Xóm Xuân Châu được xã chọn làm điểm, với nhiều giải pháp được thực hiện, trong đó công tác dân vận được chú trọng để tạo sự đồng thuận nên hiệu quả đạt cao. Trong 3 năm, xóm đã huy động trên 520 triệu đồng, người dân hiến 200m2 đất vườn, tự dỡ tường bao và đóng góp hàng trăm ngày công xây dựng. Nhờ vậy, 100% tuyến đường của xóm đã được bê tông, nhựa hóa đạt chuẩn.
Đầu năm 2019, xã bãi ngang ven biển Diễn Kim mới chỉ đạt 16/19 tiêu chí NTM. Để phấn đấu cuối năm 2019 về đích, Đảng bộ xã xây dựng nghị quyết, giao trách nhiệm cho các đoàn thể vận động đoàn viên, hội viên của mình. Quy chế dân chủ được phát huy tích cực để tạo sự đồng thuận của nhân dân. Nhờ vậy, xã đã huy động được 168 tỷ đồng để xây dựng NTM. Cơ sở vật chất như trụ sở UBND xã, hạ tầng trường học được đầu tư xây dựng đạt chuẩn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,1%...
Sau nhiều nỗ lực, diện mạo NTM ở các xã vùng bãi ngang đã có nhiều khởi sắc, mang đến diện mạo mới cho quê hương. |
Khởi sắc NTM ở vùng bãi ngang
Diễn Châu có 8 xã vùng biển, trong đó có 5 xã được công nhận là xã khó khăn vùng bãi ngang gồm: Diễn Trung, Diễn Bích, Diễn Kim, Diễn Hải và Diễn Vạn. Tuy vị trí địa lý năm ven biển nhưng các xã này còn nhiều khó khăn, nhất là các tiêu chí cần nhiều nguồn lực như giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, tỷ lệ hộ nghèo...
Bắt tay vào xây dựng NTM, các xã bãi ngang gặp vô vàn khó khăn, số tiêu chí xã tự chấm và huyện rà soát chí đạt từ 9 đến 12 tiêu chí. Sau gần 10 năm bắt tay vào xây dựng NTM, đến cuối năm 2019, vùng bãi ngang ven biển Diễn Châu có 3 xã đã đạt chuẩn NTM là Diễn Thành và Diễn Thịnh và Diễn Hùng; còn 2 xã Diễn Hải, Diễn Kim đang được UBND tỉnh thẩm định đạt chuẩn NTM trong năm 2019.
Bên cạnh những mặt được thì Diễn Châu vẫn còn không ít khó khăn như chính sách giảm nghèo trong NTM tại các xã bãi ngang còn chưa thật bền vững. Điều kiện tiếp cận chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho công dân xã bãi ngang còn chưa nhiều. Người dân còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng; muốn giữ tiêu chí xã bãi ngang khó khăn để được hưởng chính sách…
Theo ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng NN&PTNT Diễn Châu, để giúp các xã xây dựng NTM một cách bền vững, tăng cơ chế hỗ trợ trên các lĩnh vực, giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi xã được hỗ trợ trên 10 tỷ đồng ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
Ngoài ra, với phương châm “giúp xã là giúp huyện”, Huyện ủy Diễn Châu đã chỉ đạo, phân công các ban, ngành trực tiếp hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn các tiêu chí cho từng xã.
"Dù còn nhiều khó khăn, song với những chính sách và giải pháp phù hợp, các địa phương vùng bãi ngang Diễn Châu đã tạo được sự chuyển mình mạnh mẽ. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc", ông Hiếu cho hay.