Nghệ An: Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Người dân làm nhà màng, phát triển cây trồng mang lại hiệu quả cao ở xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, Nghệ An. |
Qua 3 năm triển khai thực hiện kế hoạch số 22 về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, bức tranh nông thôn mới ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi diện mạo khu vực nông thôn.
Đặc biệt, huyện Diễn Châu tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với trọng tâm là đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực và có lợi thế của huyện.
Trong lĩnh vực trồng trọt, cây lúa, lạc, ngô vẫn chiếm ưu thế cả về năng suất, chất lượng; sản xuất lúa theo cánh đồng lớn, cánh đồng một giống đã có bước phát triển nhất định và đem lại hiệu quả cao cho cả người nông dân và doanh nghiệp đây được xem là mô hình liên kết có hiệu quả, bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ, là hạt nhân để nhân rộng.
Các vùng chăn nuôi tập trung của huyện được hình thành theo hướng trang trại và gia trại đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh như xã Diễn Trung, Diễn Thịnh, Diễn Liên...
Một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, như: ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau an toàn trong nhà màng tại các xã Diễn Thành, Diễn Phong, Diễn Mỹ, Diễn Hồng, Diễn Hải; đồng thời tăng cường thử nghiệm và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất, nhiều mô hình đã được nhân dân áp dụng và bước đầu đã chọn tạo được một số giống, dòng có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện địa phương.
Đầu năm 2016 thu nhập bình quân là 30 triệu đồng/người/năm đến cuối năm 2019 đạt trên 45 triệu đồng/người/năm, tăng 15 triệu đồng/người/năm so với năm 2016. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến cuối đầu năm 2016 là 5,53% Đến cuối năm 2019 giảm còn hơn 1,51%
Đến nay, đã có 38/38 xã đạt tiêu chí số 10 về Thu nhập, đạt 100%; 38/38 xã đạt tiêu chí số 11 Tỷ lệ hộ nghèo, đạt 100%; 38/38 xã đạt tiêu chí số 12 Lao động có việc làm, chiếm 100%.