Nghệ An: Lưu giữ và phát triển nghề muối phơi cát truyền thống ở Quỳnh Lưu
Quỳnh Lưu là một trong những huyện có diện tích sản xuất muối bằng phương pháp phơi cát theo quy trình truyền thống có từ lâu đời, được duy trì và tổ chức sản xuất tập trung hiện có quy mô lớn nhất cả nước, với diện tích 600 ha tại 9 xã như An Hòa, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Thọ, Quỳnh Yên, Quỳnh Thuận...; ngoài ra có 12 HTX và 1 xí nghiệp sản xuất muối Vĩnh Ngọc với hơn 4.000 hộ tham gia.
Để giúp diêm dân lưu giữ nghề muối truyền thống, từ năm 2012 đến nay huyện Quỳnh Lưu được UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ xây dựng gần 7.000 bộ chạt lọc cải tiến, với trị giá gần 21 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ trãi bạt nhựa HDPE trên ô kết tinh cho gần 800 đơn vị sản xuất muối (60m2/đơn vị), trị giá 2,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, huyện cũng đã đầu tư kinh phí nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng muối gồm hệ thống kênh cấp thoát nước, cải tiến ô phơi, sân, nề....
Với sự quan tâm của các cấp, các ngành diêm dân Quỳnh Lưu tích cực bám nắng sản xuất. Nhờ đó, sản lượng muối năm hàng năm của toàn huyện đạt từ 45.000 - 50.000 tấn, giá trị 150 tỷ đồng. Đồng thời, mỗi năm các công ty, đơn vị trên địa bàn huyện đã thu mua, bao tiêu khoảng 40.000 tấn muối thô cho bà con diêm dân. Trong đó, có khoảng 20.000 tấn muối tinh xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào.
Ông Hồ Anh Dũng, Chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết, toàn xã có 145 ha diện tích sản xuất muối, trong đó lao động làm muối chiếm 50% tổng số lao động toàn xã. Mỗi năm, diêm dân sản xuất 19.000 - 20.000 tấn muối cho doanh thu hàng chục tỷ đồng.
Sau nhiều năm giá muối xuống thấp, chỉ 1.100 - 1.200 đồng/kg; thậm chí có thời điểm giá giảm mạnh chỉ còn 900 đồng/kg. Tuy nhiên, từ đầu tháng 6/2022 giá muối đã bắt đầu tăng trở lại, thậm chí cao nhất từ trước đến nay.
“Hiện nay, giá muối đang tăng cao nên thu nhập của bà con cũng khá hơn. Bình quân mỗi lao động làm muối thu nhập về 200.000 đồng/ngày thay vì 80.000 – 100.000 đồng/ngày như các năm”, ông Dũng cho hay.
Giá muối tăng cao, diêm dân các xã ven biển Quỳnh Lưu tích cực bám nắng sản xuất. Theo thống kê từ phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu, 6 tháng đầu năm 2022, diêm dân Quỳnh Lưu đã sản xuất được 35.000 tấn/kế hoạch 47.000 tấn, đạt 74,4%. Đây là cơ hội để khuyến khích bà con đưa công nghệ làm muối trải bạt ô kết tinh vào sản xuất, thay thế cho phương pháp làm muối truyền thống hiện nay, qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh phương pháp sản xuất muối truyền thống, hiện nay bà con diêm dân các địa phương cũng tập trung tăng nhanh diện tích sản xuất muối theo quy trình sản xuất mới, áp dụng tiến bộ kĩ thuật nhằm nâng cao năng suất lao động.
Đồng thời, để đảm bảo đầu ra ổn định, các địa phương cũng đang đẩy mạnh việc xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bao tiêu sản phẩm, đầu tư nhà máy chế biến muối tinh, muối i ốt và các loại sản phẩm khác từ muối.
Tính đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 4 nhà máy chế biến muối tinh, muối i ốt. Từ hoạt động chế biến, mỗi năm các đơn vị đã thu mua, bao tiêu khoảng 40.000 - 50.000 tấn muối thô, doanh thu xấp xỉ đạt 10 tỷ đồng.
Ông Bùi Xuân Trúc, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Bên cạnh thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng hạ tầng để thu mua, chế biến muối thô, huyện tiếp tục động viên, chỉ đạo 30 cơ sở làm dịch vụ thu mua muối tại ruộng cho bà con. Đến nay, nhiều HTX trên địa bàn sản xuất muối đã đứng ra bao tiêu sản phẩm, đây là điều kiện, động lực giúp bà con yên tâm sản xuất, bám nghề muối truyền thống của địa phương.
Làng sản xuất muối Tân Thịnh (xã An Hòa) là một ví dụ. Làng có khoảng 190 hộ tham gia sản xuất muối trên diện tích 23 ha. Thời gian qua, các hộ dân đã đầu tư nâng cấp cải tạo, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất muối như xây chạt lọc cải tiến, trải bạt ô kết tinh...
Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị nghề muối, HTX đã mạnh dạn mở rộng liên kết từ khâu sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; Tăng cường cung ứng các dịch vụ đầu vào để các hộ dân yên tâm sản xuất; quan tâm bố trí nguồn kinh phí tu sửa, tổ chức nạo vét kênh mương đảm bảo yêu cầu về nguồn nước phục vụ sản xuất muối. Nhờ đó, sản phẩm muối của HTX Tân Thịnh luôn đạt chỉ tiêu về độ trắng, độ mặn và độ sạch.
Mỗi năm, bình quân sản lượng muối của làng nghề đạt từ 2.500 – 3000 tấn/năm mang lại doanh thu từ 2,5 đến 3 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động tham gia làm nghề đạt 20 triệu đồng/năm.
Hay như làng nghề muối Ngọc Tiến (xã Quỳnh Ngọc) hiện có 114 hộ tham gia sản xuất, chủ yếu tập trung ở 2 thôn Ngọc Đoài và Song Ngọc với diện tích khoảng hơn 18ha. Những năm gần đây, bà con diêm đã áp dụng quy trình sản xuất mới tạo ra muối sạch nên chất lượng, giá cả không ngừng được nâng lên. Mỗi năm, giá trị sản xuất nghề muối đem lại cho địa phương hơn 3 tỷ đồng, thu nhập bình quân mỗi lao động đạt 11,5 triệu đồng/năm.
Còn làng nghề sản xuất muối Hợp Công (HTX muối Hợp Công) thuộc xóm 8, xã Quỳnh Minh có 100% hộ dân trong xóm đều tham gia sản xuất muối trên diện tích 32,8 ha.
Thời gian qua, HTX tập trung chỉ đạo, đôn đốc các hộ dân nâng cấp cải tạo, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất muối như xây chạt lọc cải tiến, trải bạt ô kết tinh, khép kín diện tích sản xuất. Đồng thời, HTX liên kết từ khâu sản xuất với tiêu thụ... Với sự đầu tư khá bài bản về quy trình sản xuất, sản phẩm muối làng Hợp Công luôn đạt chất lượng, được thị trường đón nhận.
Theo đó, bình quân sản lượng muối của HTX Hợp Công đạt từ 2.000 – 2.500 tấn/năm, tổng thu nhập bình quân của người lao động tham gia làm nghề muối đạt hơn 11 triệu đồng/người/năm.
Hiện nay, có nhiều làng muối ở huyện Quỳnh Lưu được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là làng nghề sản xuất muối, như làng nghề sản xuất muối Tân Thịnh, làng nghề muối Ngọc Tiến, làng nghề sản xuất muối Hợp Công…
Hải Yến