Ngành nông nghiệp Bạc Liêu đưa ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế biển
Trong kế hoạch phát triển kinh tế biển đảo từ nay đến năm 2030 tầm nhìn 2045, tỉnh Bạc Liêu đã trực tiếp giao mục tiêu cho ngành nông nghiệp tỉnh.
Nhiều mục tiêu phát triển kinh tế biển
Theo kế hoạch đặt ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu sẽ tăng cường tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển và ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản; tạo thương hiệu sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, có năng suất, chất lượng, tính cạnh tranh cao và giá trị lớn.
Đồng thời sẽ gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; tập trung phát triển các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể); phát huy lợi thế nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại các vùng nuôi siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh; xác định mô hình nuôi siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao là điểm nhấn; phát triển ổn định, bền vững mô hình nuôi tôm sạch (tôm - rừng); nghiên cứu phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển phù hợp với điều kiện tự nhiên.
Quy hoạch các cụm, khu công nghiệp chế biến sâu thực phẩm chất lượng cao, an toàn trên cơ sở sản phẩm nông nghiệp, thủy, hải sản địa phương; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan và địa phương xây dựng thương hiệu “Tôm Bạc Liêu”, “Tôm giống Bạc Liêu”. Xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước vào năm 2025.
Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (thủy lợi, giao thông, lưới điện, chợ thủy sản đầu mối) phục vụ sản xuất con giống, kênh thoát nước đảm bảo môi trường sinh thái các vùng nuôi thủy sản, các khu trang trại hiện đại; khu chế biến; dịch vụ; đầu tư hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, nhất là các vùng nuôi siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh và vùng sản xuất giống thủy sản tập trung.
Yếu tố không thể thiếu là ứng dụng rộng rãi nuôi trồng thủy sản có chứng nhận (ASC, MSC, CoC, GlobalGAP, BMP,...) vào các vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, sản lượng, chất lượng; đầu tư xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Ảnh minh họa. |
Tập trung đầu tư các công trình thuộc Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 06/8/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững tỉnh Bạc Liêu 2018 - 2020 và Kế hoạch hành động số 93/KH-UBND ngày 28/9/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh phát triển ngành tôm tỉnh Bạc Liêu đến năm 2025.
Bạc Liêu cũng sẽ phối hợp với các tỉnh lân cận đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu; các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, kiểm soát xâm nhập mặn phục vụ sản xuất của Tiểu vùng bán đảo Cà Mau và trong tỉnh nhưng có tác động lan tỏa.
Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển hạ tầng kinh tế biển, ven biển.
Khai thác ngành nghề phù hợp
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu đội tàu và cơ cấu nghề hợp lý khai thác vùng lộng; tăng năng lực khai thác vùng khơi, ứng dụng công nghệ cao, phát triển số lượng tàu có công suất lớn đánh bắt dài ngày và hoạt động trên các vùng biển sâu, biển xa.
Sở sẽ tăng cường hướng dẫn chuyển đổi nghề, tạo sinh kế thay thế một số nghề khai thác thủy sản vùng biển ven bờ; giảm áp lực, tạo việc làm với nghề mới ổn định, nâng cao mức sống ngư dân và nâng cao trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản môi trường sinh thái vùng biển ven bờ, đồng thời xử lý nghiêm, kiên quyết các trường hợp vi phạm.
Thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý tàu cá, công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, công tác bảo quản sản phẩm sau khai thác với các công nghệ tiên tiến nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và phù hợp với quy định quốc tế.
Tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển thủy sản, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vừa gia tăng sản lượng khai thác thủy sản, vừa tham gia thực hiện bảo vệ chủ quyền biển đảo và biên giới quốc gia.
Cà Mau thu hút đầu tư, khai thác lợi thế kinh tế biển trong các lĩnh vực: Phát triển nuôi trồng, thủy hải sản; kết hợp trồng và tái sinh rừng ngập mặn nhằm bảo vệ và mở rộng rừng phòng hộ ven biển; nâng cao hiệu quả nghề khai thác hải sản, tập trung phát triển mạnh đội tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, có khả năng đánh bắt xa bờ, dài ngày trên biển gắn với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng an ninh; phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, từng bước đưa huyện Đông Hải trở thành huyện trọng điểm phát triển kinh tế biển.
Kim Chi