Ngăn chặn vận chuyển tiền trái phép qua biên giới: Chống rửa tiền từ đây!
So với hàng hóa buôn lậu qua biên giới thì tiền tệ không cồng kềnh, lại có giá trị lớn và thù lao thuê vận chuyển rất cao nên đã thu hút khá nhiều người tham gia vao hoạt động này gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn và phát hiện các đối tượng vận chuyển tiền lậu.
Tang vật bị lực lượng chức năng bắt giữ (Ảnh: Hoàng Anh) |
Gia tăng mạnh
Trong 5 tháng đầu năm 2015, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Mộc Bài (Tây Ninh) đã khám phá và bắt giữ nhiều vụ lớn về hoạt động vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Hoạt động này ngày càng có chiều hướng gia tăng nhằm phục vụ cho các casino phía bên Campuchia.
Cụ thể, vào hồi đầu tháng 1/2015, lực lượng đồn biên phòng đã phối hợp với lực lượng Hải quan Mộc Bài bắt giữ đối tượng Yceung Mit (ngụ tại TP Bà Vét, Campuchia) về hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới với số tiền 364 triệu đồng. Đặc biệt, cũng vào đầu tháng 1/2015, Đồn BP CKQT Mộc Bài phối hợp cùng Chi cục Hải quan, Công an huyện Trảng Bàng và Công an huyện Bến Cầu đã bắt quả tang 4 đối tượng vận chuyển tiền và ngoại tệ trái phép qua biên giới. Tại hiện trường, qua kiểm tra hành lý của các đối tượng, lực lượng chức năng thu giữ: 36.000 USD, 106 triệu đồng, 4 điện thoại di động và các giấy tờ có liên quan. Điều đáng nói là 4 đối tượng này đều là người thân trong gia đình, trong đó có 1 em nhỏ sinh năm 2001 cũng tham gia. Tiếp đó, vào đầu tháng 5, các chiến sĩ đồn BP CKQT Mộc Bài cũng đã phát hiện và bắt giữ đối tượng Nguyễn Minh Thái (quê ở Bình Dương) do đã có hành vi vận chuyển 360 triệu đồng trái phép qua biên giới.
Hoạt động vận chuyển tiền trái phép qua biên giới tại Tây Ninh không phải mới “nóng” lên trong thời gian gần đây, trước đó, vào năm 2014, lực lượng chức năng của Tây Ninh cũng phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển tiền trái phép qua biên giới với số lượng lớn lên đến hàng tỷ đồng.
Cụ thể vào tháng 8/2014, Công an huyện Tân Biên phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Xa Mát (Cục Hải quan Tây Ninh) phát hiện tên Tan Zheng (quốc tịch Trung Quốc) giấu 18,2 tỉ đồng Việt Nam với ý định vận chuyển tiền từ Việt Nam sang Campuchia. Sau đó không lâu, Chi cục Hải quan cửa khẩu Xa Mát cũng phát hiện và bắt giữ 2 đối tượng ngụ ở Tây Ninh khi bọn chúng đang giấu trong người 35 triệu Riel (tiền Campuchia), tương đương 180 triệu tiền Việt Nam.
Không riêng Tây Ninh, các tỉnh thành có biên giới cũng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển tiền trái phép qua biên giới.
Cuối năm 2014, tại tỉnh Đồng Tháp, Công an tỉnh phối hợp với công an huyện Tân Hồng và đồn Biên phòng cửa khẩu Thông Bình đã phát hiện và bắt quả tang đối tượng Lê Văn Thương (Đồng Tháp) vận chuyển gần 1 tỉ đồng Việt Nam từ biên giới Campuchia về Việt Nam. Lần theo lời khai của tên Thương, các lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện ra đường dây giao dịch, vận chuyển tiền trái phép qua biên giới lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Ngoài ra, ở An Giang, vào hồi đầu tháng 2/2015, lực lượng Biên phòng CK Sông Tiền và Chi cục Hải quan CK Vĩnh Xương trong khi tuần tra trên sông Tiền đã phát hiện và bắt giữ 1 người phụ nữ mang theo bọc tiền gồm 55.720.500 Riel Campuchia, tương đương với 294 triệu đồng tiền Việt Nam.
Tội phạm lợi dụng để rửa tiền?
Theo đánh giá của lực lượng chức năng, công tác phòng chống rửa tiền là một trong những nhiệm vụ quan trọng, hoạt động vận chuyển tiền tệ trái phép cũng là một trong những hoạt động rửa tiền của tội phạm, nhất là ở khu vực cửa khẩu, biên giới.
Thời gian gần đây, việc vận chuyển tiền tệ trái phép ở biên giới Tây Ninh có xu hướng tăng là bởi đây là nơi có lưu lượng hành khách qua lại lớn, hơn nữa đối diện phía Campuchia có rất nhiều sòng bạc, nhiều đối tượng vượt biên dưới hình thức đi đánh bạc để vận chuyển tiền trái phép.
Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, trong năm 2014 hoạt động buôn bán vận chuyển tiền, ngoại tệ vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra trên các tuyến biên giới các tỉnh phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long, cửa khẩu hàng không. Cụ thể, toàn ngành Hải quan đã phát hiện và xử lý 30 vụ, tang vật gồm: 28.500 CNY, 33,27 triệu Ried, 104.935 USD, 19.300 CAD; 20.000 USD giả...; trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 23 vụ, khởi tố vụ án hình sự 3 vụ, chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật…
Nhiều ý kiến cho rằng, do cơ chế phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố của các quốc gia có mức độ chặt chẽ khác nhau, nên tội phạm có xu hướng vận chuyển tiền mặt có được từ hoạt động bất hợp pháp tới quốc gia có cơ chế phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố yếu kém hơn. Ngoài mục đích rửa tiền, việc vận chuyển tiền mặt qua biên giới còn nhằm thực hiện các hành vi bất hợp pháp hoặc gây khó khăn cho lực lượng điều tra.
Do vậy, để ngăn chặn hiệu quả, riêng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải Quan) cho biết, trong 2 năm gần đây, Tổng cục Hải quan đã thường xuyên tổ chức, tập huấn và triển khai, đặc biệt là hướng dẫn Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện kế hoạch phòng, chống rửa tiền của toàn ngành.
Bên cạnh đó đã đề xuất và phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về các đối tượng vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới và phần mềm quản lý ngoại hối đối với khách hàng; phối hợp với các đơn vị liên quan, xây dựng quy chế trao đổi thông tin giữa Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước); làm việc với các chuyên gia của lực lượng Đặc nhiệm Tài chính (FATF) thuộc Văn phòng Chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc, đưa ra các quy định của Việt Nam về chuyển tiền qua biên giới, các phương pháp quản lý.
Để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, Tổng cục Hải quan liên tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm soát các cửa khẩu, đặc biệt là những hành khách xuất cảnh, nhập cảnh là người nước ngoài thường xuyên qua lại biên giới; các đối tượng có dấu hiệu nghi vấn mang theo tiền với số lượng lớn nhằm mục đích rửa tiền, tài trợ cho các tổ chức hoạt động phi pháp hoặc vận chuyển trái phép qua biên giới cũng sẽ được khoanh vùng để có hướng xử lý phù hợp.