'Ngậm đắng' đóng cửa, rao bán rẻ trường mầm non vì khánh kiệt
“Ở giai đoạn này trường mầm non đầu tư nhỏ thì chết kiểu nhỏ còn đầu tư lớn cũng chết kiểu lớn” – một chủ cơ sở mầm non tư thục ở Hà Nội ngậm ngùi chia sẻ
Học sinh nghỉ học đồng nghĩa với các trường mầm non tư thục, các nhóm lớp mầm non không có nguồn thu.
Thế nhưng, mỗi tháng phải các cơ sở mầm non này vẫn phải “cõng” vô số các chi phí như tiền thuê mặt bằng, tiền lương hỗ trợ, tiền bảo hiểm cho giáo viên… khiến nhiều chủ trường rơi vào cảnh khốn khó.
Không cầm cự nổi, nhiều người đành cay đắng sang nhượng trường mầm non tư thục, vớt vát một phần vốn bỏ ra.
Trường mầm non tư thục im lìm giữa mùa dịch. |
Chị Hà Liên - chủ một nhóm lớp mầm non tư thục trên đường Thanh Bình (quận Hà Đông, Hà Nội) - cho biết: “Hiện giờ không xác định được khi nào hết dịch bệnh để học sinh có thể quay lại trường, trong khi đó mỗi tháng tôi vẫn phải chi trả 150 triệu đồng tiền thuê căn biệt thự trong khu đô thị mới làm mặt bằng, tôi không thể gắng gượng thêm nữa.
Tôi chọn khu dân trí cao để mở nhóm lớp mầm non với hi vọng chiêu sinh tốt nhưng phụ huynh càng có điều kiện thì họ lại càng có vô số lựa chọn.
Khi thuê lại căn biệt thự tôi cũng phải sửa sang, ngăn lớp, đầu tư cơ sở vật chất ngót 1 tỷ đồng. Trong khi học phí cũng chỉ thu được ở mức 3 triệu/học sinh mỗi tháng, cả trường lúc đi học đông nhất có khoảng 40-50 cháu khiến tôi vẫn phải bù lỗ tiền trả lương giáo viên hằng tháng.
Tôi quyết định tìm người sang nhượng để vớt vát được chút nào hay chút ấy còn hơn là mất trắng”.
Chủ cơ sở mầm non tư thục rao sang nhượng trường giữa mùa dịch. |
Chủ những trường mầm non tư thục gặp phải hoàn cảnh như chị Liên chẳng hiếm hoi trong giai đoạn này. Khi khó khăn chồng chất khó khăn nên họ buộc phải “bán trường” với giá rẻ, thanh lý thiết bị dạy học vì càng gắng gượng càng lún sâu hơn.
Trước tình trạng này, cô Hà Tuyết Loan – chủ nhóm lớp mầm non Cây Nấm Xinh - thừa nhận dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đối với khối mầm non tư thục.
Theo cô Loan, các cấp học tư thục khác như tiểu học, THCS hay THPT dù học sinh tạm dừng đến trường nhưng để đảo bảo thời gian năm học nên các nhà trường vẫn tổ chức dạy học trực tuyến. Điều đương nhiên là phụ huynh vẫn phải đóng học phí để hỗ trợ trang trải các hoạt động của nhà trường.
Trong khi đó trường mầm non tư thục hoàn toàn không có bất cứ nguồn thu nào khi học sinh nghỉ học phòng dịch.
“Tôi xuất phát từ một giáo viên mầm non, sau khi có kinh nghiệm làm quản lý cho một trường mầm non lớn thì quyết định mở nhóm lớp mầm non với số vốn ít ỏi.
Ở giai đoạn này, trường mầm non 'đầu tư nhỏ thì chết kiểu nhỏ còn đầu tư kiểu lớn thì chết kiểu lớn'.
Nhà tôi kinh tế không dư dả, lúc mở trường cũng phải lấy sổ đỏ nhà đi cầm cố ngân hàng mà hiện giờ mỗi tháng bù lỗ 30 triệu. Trong khi nhà trường chỉ có 27 học sinh với mức học phí 1,8 triệu/học sinh thì phải mất gần 3 tháng nhà trường mới bù lỗ được 2 tháng nghỉ dịch, rồi các chi phí phát sinh khác nữa.
Để đỡ đau đầu tôi quyết định sang nhượng toàn bộ cơ sở với giá 100 triệu, không bằng một phần khi tôi đầu tư cơ sở vật chất nhưng bán tháo còn hơn là lỗ đậm hơn nữa”, cô Loan chia sẻ.
Theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 15.700 nhóm lớp mầm non tư thục với quy mô dưới 70 học sinh, điều đó có nghĩa chủ trường là những nhà đầu tư nhỏ.
Theo ghi nhận của PV Infonet, nhiều chủ trường chấp nhận vay ngân hàng, thế chấp nhà để có vốn mở trường nên khi học sinh nghỉ học dài ngày họ phải bù lỗ, lo trả lãi vay,tiền mặt bằng vô cùng căng thẳng.
Một số người cho biết nếu cố hết sức cũng chỉ cầm cự được khoảng 3 tháng nghỉ dịch vì các chi phí khác sẽ đẩy họ vào tình cảnh cạn kiệt tài chính.
Mỗi tháng 'mất trắng' 400 triệu thuê mặt bằng, hiệu trưởng mầm non tư thục chật vật xoay xở mùa nghỉ dịch
'Với tiền thuê mặt bằng mỗi tháng lên đến cả trăm triệu rồi chưa kể tiền đóng bảo hiểm, tiền hỗ trợ để giữ chân giáo viên… nếu dịch bệnh kéo dài thêm, học sinh nghỉ học thì tôi chưa biết phải xoay xở thế nào'.
Hoàng Thanh