Mỗi tháng 'mất trắng' 400 triệu thuê mặt bằng, hiệu trưởng mầm non tư thục chật vật xoay xở mùa nghỉ dịch
'Với tiền thuê mặt bằng mỗi tháng lên đến cả trăm triệu rồi chưa kể tiền đóng bảo hiểm, tiền hỗ trợ để giữ chân giáo viên… nếu dịch bệnh kéo dài thêm, học sinh nghỉ học thì tôi chưa biết phải xoay xở thế nào'.
Đó là tâm sự của cô Nguyễn Thị Ngân – Hiệu trưởng trường Mầm non NSX (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Trường mầm non im lìm mùa dịch bệnh. |
Ngay sau khi có ca lây nhiễm cộng đồng trong đợt dịch bệnh Covid-19 mới này cô Nguyễn Thị Ngân đã thấy rất lo lắng, ngày đêm hi vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát và số ca mắc mới dừng lại.
Thế nhưng, cuối tháng 4/2021, khi nghe tin học sinh tiếp tục tạm dừng đến trường để phòng chống dịch bệnh, cô Ngân đã phải cố gượng để không bật khóc trước mặt những giáo viên của mình. Bởi lẽ, là chủ cơ sở mầm non tư thục, hơn ai hết cô thấu hiểu những khó khăn mà mình và các đồng nghiệp phải đối mặt trong thời gian tới.
Cả hai cơ sở mà cô Ngân làm chủ đều thuê mặt bằng ở chung cư nên giá rất cao.
Tiền thuê mặt bằng mỗi tháng đã gần 200 triệu/cơ sở nên chỉ 1 tháng học sinh tạm dừng đến trường là cô đã phải chật vật lo tiền thuê lên đến 400 triệu đồng/tháng trong khi không có nguồn thu.
“Cơ sở mới thành lập không lâu thì đợt dịch đầu tiên năm 2020 càn quét, học sinh cũng nghỉ dài ngày. Không có khoản dự phòng nên đương nhiên tôi và nhiều chủ trường mầm non tư thục lao đao.
Chủ mặt sàn không giảm tiền thuê khiến tôi phải đi vay lãi để đóng. Cơ sở mới vừa thành lập cũng không thể nói đóng cửa chuyển đi nơi khác ngay được vì tiền đầu tư cơ sở vật chất cũng mất cả tỷ, trong khi đó sự cạnh tranh lại nhiều nên cũng không thể thu học phí cao được. Tính tới tính lui kiểu gì cũng lỗ”, cô Ngân thở dài.
Cô Ngân không mong gì hơn là dịch bệnh mau qua để học sinh lại được tới trường bình thường. |
Mới hoạt động trở lại được một thời gian, chưa kịp “thở” thì đến thời điểm tháng 2/2021 và đầu tháng 5/2021 để đảm bảo an toàn cho học sinh nên Hà Nội tiếp tục cho học sinh dừng đến trường.
Theo cô Ngân dự đoán, kể cả trong tháng 6/2021, nếu học sinh được đi học trở lại thì một bộ phận phụ huynh có điều kiện kinh tế tốt vẫn không muốn cho con đi học cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn và chấm dứt vì đối với họ sức khỏe và sự an toàn của con là quan trọng nhất.
Trong năm 2020, tháng 5 học sinh được đi học trở lại nhưng 50% đã nghỉ học, số lượng học sinh chỉ duy trì rất ít. Gần đây, tháng 2/2021 nghỉ học thì tháng 3/2021 nhà trường cũng không tuyển sinh được, lượng học sinh chuyển vào trường công cũng đông hơn vì các gia đình này không có đủ khả năng cho con theo học trường tư.
Trường đã bù lỗ cả năm 2020 và đầu 2021 gần 2 tỷ đồng. Hiện tại học sinh nghỉ học nên nhà trường vẫn đang tiếp tục bù lỗ vì vẫn phải trang trải các khoản chi phí cố định như: lương, bảo hiểm xã hội cho hơn 20 giáo viên để đảm bảo đời sống và giữ chân giáo viên, chi phí internet, SMS, điện thoại, vệ sinh môi trường, phí dịch vụ chung cư… và khốn khổ nhất là tiền thuê mặt bằng.
“Thú thực đến tầm này là vợ chồng tôi phải xoay từng ngày để lo trả tiền mặt bằng khi nhà trường không có nguồn thu nào để tiếp tục duy trì trong thời gian tới. Quan trọng nữa là không biết bao giờ mới có thể bù được những khoản lỗ trước đó.
Giờ tôi không khác gì ngồi trên đống lửa, nhà trường hoạt động thoi thóp bỏ không được mà duy trì thì tiền đâu lo mặt bằng rồi lo trả lương giáo viên.
Giáo viên họ gắn bó với mình bao năm, nghỉ dạy tức là nguồn thu của họ cũng không có, nếu mình không hỗ trợ họ lại rời đi, sau này được phép đón học sinh trở lại trường thì lấy đâu ra giáo viên. Kéo dài mãi thế này thì không biết cầm cự được bao lâu nữa…”, cô Ngân trăn trở.
Câu chuyện của cô giáo Ngân không phải là cá biệt khi những ngày này trên các diễn đàn dành cho các chủ trường mầm non tư thục đang diễn ra tình cảnh chủ trường rao bán, sang nhượng trường ngày càng nhiều.
Đa số lý do đều là vì chủ trường không còn khả năng chi trả các khoản cố định như thuê mặt bằng, hỗ trợ lương giáo viên khi không có nguồn thu.
Với những trường đầu tư càng lớn thì nguy cơ phải sang nhượng hay giải thể càng cao, thậm chí sang nhượng thời điểm này cũng không ai dám mua khi tiền mặt bằng vẫn cao chót vót, nếu vốn không tốt thì chỉ 2-3 tháng có lẽ cũng… gục.
Thầy Hiệu trưởng 15 năm vượt qua xì xào “đàn ông dạy mầm non”
Ít ai biết về câu chuyện “dở khóc, dở cười” trên quá trình phấn đấu trở thành Hiệu trưởng Trường mầm non xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, Thanh Hóa của thầy Trịnh Hồng Quân.
Vụ doanh nhân Giàu kiện bà Phương Hằng, đòi bồi thường 1.000 tỷ có khả thi?
"Việc đòi bà Phương Hằng bồi thường 1.000 tỷ đồng của bà Giàu chỉ mang tính chất ví dụ, chắc chắn sẽ không đạt được", luật sư nêu.
Hoàng Thanh