Nếu mức sinh giảm mạnh, Việt Nam chỉ còn 72 triệu người vào năm 2100
Nguy cơ dân số "tăng trưởng âm"
Năm 2006, Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế (2,09 con) và duy trì trong suốt 15 năm qua. Tuy nhiên, theo ước tính số liệu của Cục Dân số (Bộ Y tế), năm 2023, lần đầu tiên mức sinh ở Việt Nam dưới 2 con.
Năm 2023 ghi nhận mức sinh thấp chưa từng có ở Việt Nam. Nguồn: Tổng cục Thống kê, Điều tra biến động DS-KHHGĐ hằng năm, ước tính số liệu của Cục Dân số.
Tổng cục Thống kê dự báo, theo phương án trung bình, trong 5 năm đầu (2019-2024), dự báo dân số nước ta có tỷ lệ tăng hằng năm là 0,93%. Trong tương lai, dự báo tỷ lệ tăng dân số sẽ tiếp tục giảm và đạt trạng thái “dừng” vào cuối thời kỳ, giai đoạn 2064-2069.
Trong trường hợp mức sinh giảm mạnh như phương án thấp, sau năm 2054, dân số Việt Nam sẽ bắt đầu tăng trưởng âm và mức giảm dân số ngày càng lớn. Giai đoạn 2054-2059, bình quân mỗi năm dân số giảm 0,04%/năm, mức giảm này ở cuối thời kỳ dự báo (2064-2069) là 0,18%/năm, tương đương giảm bình quân 200 nghìn người mỗi năm.
Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê
Ngược lại, nếu mức sinh thay thế vẫn được duy trì ổn định trong suốt thời kỳ dự báo thì đến cuối thời kỳ, dân số Việt Nam vẫn tăng nhẹ, bình quân mỗi năm giai đoạn 2064-2069, dân số tăng 0,17%, tương đương 200.000 người mỗi năm.
Tiến sĩ Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế, cho hay một nghiên cứu quốc tế công bố năm 2020 dự báo dân số 23 quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc... giảm hơn một nửa vào năm 2100. Dân số Việt Nam sẽ tăng lên 107 triệu người vào năm 2044, sau đó giảm xuống 72 triệu người vào năm 2100, nếu không có các giải pháp can thiệp nâng mức sinh.
Ngày càng thiếu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn
Cục Dân số căn cứ vào số liệu báo cáo của 47/63 tỉnh, thành, ước cả năm 2023 tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta là 113,2 bé trai/100 bé gái sinh ra sống.
Cơ quan này tiếp tục nhận định mất cân bằng giới tính theo hướng thừa nam thiếu nữ tăng nhanh. "Tâm lý ưa thích con trai và mong có con trai trong gia đình quy mô nhỏ, lạm dụng khoa học công nghệ, thực thi các quy định pháp luật chưa nghiêm làm trầm trọng hơn tình trạng này", theo báo cáo.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam được phát hiện từ những năm đầu thế kỷ 21, dẫn tới thay đổi cơ cấu giới tính của dân số và tình trạng thừa nam giới trong độ tuổi kết hôn trong tương lai.
Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã ghi nhận tình trạng thừa nam giới trong độ tuổi kết hôn. Theo kịch bản dân số trung bình, trong năm 2021, cứ 100 nam giới trong độ tuổi kết hôn (từ 20 đến 39 tuổi) thì có hơn 3 người bị dư thừa do thiếu phụ nữ trong cùng độ tuổi, hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trong những năm 2000.
Năm 2024, số nam giới đến tuổi kết hôn nhiều hơn so với nữ giới cùng nhóm tuổi là 619,9 nghìn người, tương đương 4,1% dân số nam từ 20 đến 39 tuổi.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Sau năm 2034, tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong độ tuổi kết hôn tăng mạnh. Đến giai đoạn 2045-2049, nghĩa là hơn 20 năm nữa, dân số Việt Nam sẽ chứng kiến tình trạng thiếu hụt phụ nữ trong độ tuổi kết hôn cao nhất. Trong 5 năm này, bình quân mỗi năm Việt Nam thiếu khoảng 1,2 triệu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn.
Sau năm 2049, tình trạng dư thừa nam giới có dấu hiệu hạ nhiệt, đến cuối thời kỳ dự báo, bình quân mỗi năm số nam giới đến tuổi kết hôn nhiều hơn gần 1 triệu người so với nữ.
Điều này cho thấy hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trong 30 năm đầu thế kỷ 21 đã dẫn tới những thay đổi về cơ cấu giới tính của dân số của 20 năm kế tiếp, gây ra những bất cập về mặt xã hội kéo dài trong những thập kỷ tiếp theo.
Tình trạng này có thể khiến phụ nữ trong độ tuổi kết hôn ở nhóm dễ bị tổn thương phải đối mặt với nguy cơ bị bạo lực, bóc lột tình dục và nạn buôn bán người nhiều hơn do sự cạnh tranh tìm kiếm bạn đời của nam giới ngày càng gay gắt hơn.