Ngân hàng Trung ương Trung Quốc kêu gọi loại bỏ các chính sách kiểm soát sinh đẻ
SCMP trích dẫn thông tin từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho hay, nước này cần phải từ bỏ chính sách kiểm soát sinh sản để tránh nguy cơ tụt hậu so với Mỹ trong bối cảnh dân số già hóa.
Theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, dân số nước này có nguy cơ giảm 32 triệu người vào năm 2050 (trong khi ở Mỹ sẽ có thêm 50 triệu công dân). Trong kịch bản này, Trung Quốc sẽ mất lợi thế kinh tế và tụt hậu so với không chỉ Mỹ, mà cả các nước phương Tây khác do thiếu người trong độ tuổi lao động.
“Việc tự do hóa sinh đẻ nên được cho phép ngay bây giờ khi một số người dân vẫn muốn có con, nhưng không thể vì chính sách không cho phép. Sẽ vô ích nếu tự do hóa sinh đẻ khi không ai muốn có con”, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc trong một báo cáo mới đã khuyến nghị loại bỏ các chính sách kiểm soát sinh đẻ của nước này. (Ảnh: Xinhua) |
Cũng theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, mặt khác chúng ta cần tạo ra một môi trường thân thiện với trẻ sơ sinh và giải quyết các vấn đề mà phụ nữ gặp phải trong quá trình mang thai, sinh con, nhà trẻ và nhập học.
Các nhà nghiên cứu cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc trong bốn thập kỷ qua phần lớn là do tỉ lệ về cổ tức nhân khẩu học, trong đó dân số trong độ tuổi lao động từ 15 đến 64 tuổi lớn hơn tỉ lệ công dân không đi làm. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng Trung Quốc chỉ còn khoảng một thập kỷ nữa để tận hưởng những lợi ích kinh tế.
“Nếu Trung Quốc thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong 40 năm qua dựa vào lao động giá rẻ và cổ tức nhân khẩu học khổng lồ thì nước này sẽ dựa vào điều gì trong 30 năm tới?”, Ngân hàng trung ương Trung Quốc nhận định.
Theo SCMP, việc Trung Quốc có quá ít thời gian để tận hưởng thành quả từ cổ tức nhân khẩu học đã nhấn mạnh rằng họ phải chuẩn bị nhanh như thế nào cho một dân số già nhanh và tỉ lệ sinh giảm. Có đến 14% dân số sẽ trên 65 tuổi vào năm tới. Trong khi Trung Quốc phải mất 22 năm để đạt được mức đó thì Mỹ phải mất 72 năm.
“Dân số Trung Quốc có thể giảm 32 triệu người từ năm 2019 đến năm 2050, trong khi Mỹ sẽ tăng thêm 50 triệu người so với cùng kỳ”, theo dữ liệu từ Liên Hợp Quốc.
Năm 2019, tỉ trọng dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc vẫn cao hơn 5,4% so với Mỹ, nhưng có thể giảm xuống 1,3% vào năm 2050.
Tương tự, gánh nặng chăm sóc người cao tuổi của Trung Quốc được đo bằng số người cao tuổi trên dân số trong độ tuổi lao động, thấp hơn 7% so với Mỹ vào năm 2019, nhưng có thể cao hơn 7% vào năm 2050.
Báo cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho rằng, các quốc gia phát triển đã trải qua quá trình chuyển đổi nhân khẩu học đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của tỉ lệ sinh và già hóa dân số, đồng thời đánh giá quá cao vai trò của công nghệ và hệ thống lương hưu.
Nhưng bằng cách tận dụng nguồn lao động dồi dào ở các nước đang phát triển thông qua các công ty đa quốc gia và đưa người nhập cư sử dụng công nghệ cao, các nước phát triển như Nhật Bản và Mỹ có thể bù đắp một phần tác động từ việc giảm dân số, đồng thời nâng cao mức thu nhập.
Theo số liệu Cục thống kê quốc gia Trung Quốc, trong quý đầu tiên của năm nay nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng kỷ lục 18,3%. Sự gia tăng GDP được giải thích là do việc vượt qua đại dịch Covid-19. Tăng trưởng kinh tế chịu ảnh hưởng của một số yếu tố, bao gồm sự gia tăng nhu cầu trong nước, sự ổn định của thị trường lao động, đảm bảo năng suất sản xuất cao và nâng cao kỳ vọng của doanh nhân.
Hiện có gần 1,4 tỉ người sống ở Trung Quốc, kể từ năm 2016 người dân ở nước này không thể có nhiều hơn hai con. Nhưng các nhà chức trách đã nghĩ rằng chính sách tỉ lệ sinh cần phải được sửa đổi. Vào đầu năm 2020, Trung Quốc có mức sinh giảm kỷ lục. Số lượng dân số khỏe mạnh, bao gồm những người từ 16 đến 59 tuổi cũng đã giảm. Đồng thời, dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng.
Thanh Bình (lược dịch)