National Interest vạch trần chiêu "lộng giả thành chân" của TQ ở Biển Đông
Với tiêu đề "Mối nguy hiểm thực sự ở Biển Đông là việc Trung Quốc cứ liên tục nói dối cho đến khi trở thành sự thật" (The Real Danger in the South China Sea is Repeating Assumptions Until They Become Truth), bài báo cho rằng “sự nguy hiểm thực sự nằm ở chỗ Bắc Kinh sẽ đưa khái niệm về “chủ quyền” Biển Đông của mình đi quá xa và các lực lượng bán quân sự của nước này sẽ được triển khai để đẩy lùi các tàu cá cũng như những đơn vị của các quốc gia trong khu vực khác, có thể bắt đầu từ Philippines”.
Bài báo cũng ám chỉ rằng gần như chắc chắn Trung Quốc sẽ xây dựng thêm một hòn đảo nhân tạo khác và tuyên bố Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Tác giả kết luận với một lời cảnh báo rằng nếu Bắc Kinh chiếm được ưu thế trong khu vực thì sự phẫn nộ sẽ lan rộng trong các quốc gia khác có chủ quyền trên Biển Đông và khu vực này sẽ mất đi hòa bình.
Một sự thật không thể tranh cãi được rằng Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động xây dựng nhanh chóng trong khu vực, đã tuyên bố ADIZ trên Biển Hoa Đông và không phủ nhận rằng một vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông không nằm ngoài ý định của nước này. Tất cả những yếu tố trên dường như càng làm rõ hơn tham vọng trở thành bá chủ khu vực của Trung Quốc.
Tàu khu trục lớp Luhu, Haribing của Hải quân Trung Quốc. Nguồn: Bộ Quốc phòng TQ |
Tuy nhiên, theo chuyên gia Merriden Varral của Tạp chí National Interest, có một hành động khác còn nguy hiểm hơn. Theo ông, một câu hỏi cần phải đặt ra lúc này là chúng ta đang có trong tay bằng chứng xác thực nào, ngoài cách hiểu của mỗi bên, về ý định thực sự của Trung Quốc? Điều này gần như là không thể, khó có thể đưa ra một bằng chứng như vậy. Thời báo Hoàn cầu nói một đằng, trong khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói một kiểu. Các quan chức cũng mỗi người một ý, các tướng lĩnh quân đội nghỉ hưu lại bày tỏ các quan điểm khác nhau và những gì mà các quan sát viên quốc tế có thể đánh giá lại là một vấn đề hoàn toàn khác.
Vì vậy, tất cả những gì có thể thực sự kết luận đó là, có nhiều quan điểm khác nhau trong nội bộ Trung Quốc về những gì nước này muốn đạt được và có thể đạt được như thế nào, còn tất cả những gì phần còn lại của thế giới biết đều là không chắc chắn.
Theo các nhà phân tích, Chủ tịch Tập Cận Bình có một quan điểm rất mạnh mẽ về những gì ông muốn đạt được, một “giấc mơ Trung Hoa”, tuy nhiên chi tiết của tầm nhìn đó không đạt được sự đồng thuận ở phạm vi toàn cầu. Ông Tập có một quyền lực rất chắc chắn, song liệu ông có thành công trong việc sở hữu và vận hành toàn bộ hệ thống này trơn tru hay không vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Cho đến nay, phương Tây vẫn còn thiếu chắc chắn về điều Trung Quốc thực sự muốn, thể hiện qua các hoạt động khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Có rất nhiều lời kêu gọi, yêu cầu Bắc Kinh phải minh bạch và làm rõ ý định của mình.
Vì không có sự rõ ràng như vậy nên rất nhiều nhà phân tích kết luận rằng những gì mọi người thấy bằng trực quan là phương pháp đáng tin cậy nhất. Từ những gì mà quốc tế đang thấy, thông qua cách hiểu về sự vận động của địa chính trị của thế giới, các hoạt động của Trung Quốc trông giống như đang cố đẩy Mỹ ra khỏi khu vực và Bắc Kinh sẽ thế chân để trở thành một cường quốc thống trị.
Nếu như đó thực sự là ý định của Trung Quốc thì việc biết được những động cơ của Bắc Kinh có ý nghĩa gì không? Trung Quốc sẽ hành xử khác ra sao và tại sao nước này lại muốn chiếm ưu thế? Có sự tương quan nào giữa quan điểm “thống trị” của Trung Quốc và các nước khác hay không?
Những vấn đề nói trên đều rất quan trọng khi các quốc gia liên quan đang cân nhắc các rủi ro khi đưa ra các phương án đáp trả, đặc biệt là để các biện pháp đó cần phải có hiệu quả trong thời gian dài.
Các quan chức chính sách hàng đầu của Trung Quốc nhìn nhận thế giới và vai trò của Bắc Kinh khác với các nhà lập pháp phương Tây. Xét về mặt ngôn ngữ và văn hóa, một từ “thống trị” của Trung Quốc có thể có rất nhiều phiên bản khác nhau.
Trên thực tế, “mối nguy hiểm thực sự” đó là trong khi thế giới vẫn tiếp tục bàn thảo về thái độ trong khu vực của Trung Quốc cũng như khát vọng trở thành bá chủ của nước này thông qua những ý kiến, giả định mà nhiều người cho là đúng, vô hình chung những “cảm nhận” đó lại dần dần trở thành một “sự thật” không thể chối cãi.
Nếu như tình hình hiện tại ngày càng trở nên căng thẳng thì các bên cần phải đảm bảo rằng có thể nhìn được một bức tranh toàn cảnh bằng mọi sắc thái chứ không chỉ có hai màu đen, trắng.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.