Năng động chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, lao động ở vùng biển Nghệ An
Ngoài những giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, thì chính quyền các xã ven biển huyện Diễn Châu (Nghệ An) đang nỗ lực đẩy mạnh mở rộng đa dạng ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế.
Còn xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu) được biết đến là xã vùng biển năng động, không chỉ đầu tư tàu thuyền công suất lớn, tăng hiệu quả đánh bắt, người dân Diễn Ngọc còn năng động phát triển đa ngành nghề như kinh doanh dịch vụ, hậu cần nghề cá, chế biến hải sản.
Nghề đóng tàu ở Diễn Châu |
Hiện nay toàn xã có 48 doanh nghiệp, 2.000 cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thương mại, dịch vụ hậu cần nghề cá với doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Đây là hướng mở mới, được người dân Diễn Ngọc ngày càng quan tâm.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho biết, hàng năm UBND xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tăng cường chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển như công nghiệp, thương mại, dịch vụ… để tăng thêm thu nhập cho người dân.
Trong tổng số lực lượng người lao động toàn xã Diễn Ngọc hơn 7.700 người thì có 3.000 người liên quan đến đánh bắt, hậu cần nghề cá, còn lại là các ngành nghề khác. Nhờ vậy, thu nhập của người dân tăng cao, ổn định đời sống hơn trước.
Những năm qua, ngoài những giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, thì chính quyền các xã vùng bãi ngang ven biển Diễn Châu đang nỗ lực đẩy mạnh mở rộng đa dạng ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động.
Mỗi năm có gần 500 lao động vùng biển đi xuất khẩu lao động, gần 400 doanh nghiệp, cơ sở chế biển hải sản, hậu cần nghề cá, ngoài ra có hàng ngàn công nhân làm việc trong các nhà máy tại các khu công nghiệp.
Gia đình bà Nguyễn Thị Oanh (trú xóm Hải Nam, xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, Nghệ An) có thâm niên làm nghề đóng tàu đã trên 20 năm nay. Đây là nghề “cha truyền con nối” giúp gia đình bà có cuộc sống khá giả. Tuy nhiên, mấy năm qua nghề khai thác hải sản gặp nhiều khó khăn nên nghề cũng không níu giữ được 5 người con của bà Oanh tìm hướng đi mới.
Bà Oanh chia sẻ: “Ngày xưa nghề đóng tàu rất thịnh (phát triển), nhưng hiện nay đánh bắt hải sản khó khăn, dẫn đến nghề cũng ngày một mai một theo. Chính vì thế, gia đình đã vay mượn ngân hàng cho các con chuyển đổi nghề nghiệp, từ thợ thuyền, chuyển sang học tiếng xuất khẩu lao động (XKLĐ)”.
Hiện nay, gia đình bà Oanh có 7 người con, cả dâu, rể đều xuất khẩu lao động sang các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Lào; đem lai thu nhập từ 20 triệu đến 50 triệu đồng/tháng. Cuộc sống đều khá giả và ổn định hơn rất nhiều.
Gia đình bà Vũ Thị Thu (trú xóm Hải Trung, xã Diễn Bích) cũng phải chuyển đổi nghề cho 3 con bằng việc đi xuất khẩu lao động. Mỗi tháng, 3 người gửi về khoảng 50 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình bà Thu đã trả hết nợ, xây dựng nhà cửa, cuộc sống đỡ vất vả hơn.
“Nhờ các con đi xuất khẩu lao động mà cũng góp góp trả được hết nợ trả nần, còn làm được gian, nhà bố mẹ cũng phấn khởi với dân làng”, bà Thu vui mừng nói.
Những năm gần đây Diễn Bích đã luôn dẫn đầu huyện về số người XKLĐ với bình quân mỗi năm khoảng 60 người. Nhờ thu nhập từ XKLĐ, nhiều gia đình ở Diễn Bích trở thành khá giả, kinh tế địa phương phát triển.
Các địa phương ven biển nỗ lực chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo hướng đi mới để phát triển kinh tế |
Bên cạnh đó, các địa phương này đã năng động hình thành được những vùng kinh tế tập trung như: Nuôi tôm tại Diễn Trung, Diễn Kim, Diễn Vạn, dịch vụ du lịch tại Diễn Hải, Diễn Thành, Diễn Hùng, Diễn Trung, kinh doanh ngư lưới cụ tại Diễn Ngọc...
Nhờ vậy, hiện nay thu nhập của người dân vùng biển đã đạt trên 50 triệu đồng/người/năm. Đã có 6/8 xã vùng biển Diễn Châu về đích nông thôn mới.
Ông Phan Xuân Vinh- Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu thông tin: “Diễn Châu có 8 xã ven biển, trên 1.237 phương tiện khai thác hải sản. Khi ngư trường khai thác ngày càng cạn kiệt, nguy cơ thua lỗ, lao động dôi dư. Thì giải pháp đa dạng ngành nghề, chuyển đổi cơ cấu lao động sang các ngành nghề khác đang là hướng đi mới để các xã vùng biển có thể bứt phá vươn lên, giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương”.
Bảo Trâm