Năm 2014, Myanmar sẽ có vũ khí hạt nhân?
Theo Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Anh (IISS), kể từ khi nhậm chức vào tháng 3/2011, Tổng thống Myanmar Thein Sein đã tiến hành hàng loạt những sự cải cách, trái ngược hẳn với sự độc đoán cứng nhắc của chế độ hội đồng quân sự trước đây. Những cải cách này đã khiến Myanmar trở thành một quốc gia “cở mở” hơn rất nhiều nhưng cộng đồng quốc tế vẫn đang rất mong chờ một sự cởi mở khác đó là những thông tin minh bạch hơn về chương trình hạt nhân của nước này.
Theo báo cáo của các tổ chức quốc tế và IAEA, năm 2002 Myanmar đã đạt được một thỏa thuận với Nga về việc mua một lò phản ứng hạt nhân có công suất 10 MW với lý do là để phục vụ nghiên cứu khoa học. Mặc dù sau đó thỏa thuận này đã không được thực hiện nhưng vẫn có những mối lo ngại rằng Myanmar đã theo đuổi các công nghệ liên quan đến vũ khí hạt nhân thông qua các cách thức che đậy khác. Một số nhân vật đã từng đào tẩu khỏi Myanmar cho biết họ đã từng biết đến, thậm chí là đã từng được tiếp xúc và làm việc trực tiếp với một chương trình vũ khí hạt nhân bí mật của nước này.
Ảnh chụp vệ tinh một cơ sở bí mật được cho là nơi Myanmar đang đặt căn cứ phát triển vũ khí hạt nhân. |
Hồi năm 2009, tờ Sydney Morning Heral đăng tải những thông tin cáo buộc rằng trên thực tế có hai dự án hạt nhân đang hoạt động ở Myanmar. Dự án thứ nhất là trung tâm nghiên cứu của Nga, vốn được điều hành dưới sự giám sát quốc tế. Dự án thứ hai được cho là một dự án bí mật nhằm xây dựng một lò phản ứng và liên kết với các nhà máy chế biến nguyên liệu hạt nhân cùng với sự giúp đỡ của Triều Tiên. Theo tờ báo này, nếu mọi việc diễn ra theo kế hoạch, Myanmar sẽ có vũ khí hạt nhân vào năm 2014.
Theo các nguồn tin được các báo Ấn Độ đưa ra, kể từ khi hai nhà khoa học nguyên tử Pakistan là Suleiman Assad và Mohd Mukhtar, từng tham gia chương trình bom nguyên tử của Pakistan do Tiến sĩ A.Q. Khan lãnh đạo, tới Rangoon (Myanmar) tháng 11/2001 (để tránh sự truy nã của Mỹ) và sau đó “mất tích” ở Sagaing, vùng ngoại ô thành phố Mandalay. Từ đó đến nay, người ta không hề nghe thấy bất kỳ tin tức nào về hai người Pakistan này. Tuy nhiên, chỉ sau đó ít năm, một số nhân vật đào tẩu Myanmar cho biết nước này đã bắt đầu triển khai dự án hạt nhân mang mật danh “Ayelar” do hai nhà khoa học Pakistan lãnh đạo.
Tình báo phương Tây cũng đã phát hiện các đơn đặt hàng từ một số viện nghiên cứu Myanmar mua những thiết bị công nghệ cao ở châu Âu. Trong quá khứ, một số cuốn băng video và ảnh chụp về “Chiến dịch mai rùa” cho thấy Bình Nhưỡng đã giúp Myanmar xây dựng một hệ thống gồm 800 đường hầm trong thời gian từ 2003 đến 2006. Những người nêu trên nói các đường hầm này đang được đào trong một quả núi gần khu vực Naung Laing, nơi một lò phản ứng hạt nhân bí mật đang được xây dựng.
Một sự kiện đáng ngờ khác, năm 2007, một máy bay vận tải bay từ Triều Tiên tới Myanmar xin phép bay qua vùng trời Ấn Độ tới Pakistan. Sau đó, năm 2008, một người Triều Tiên và một người Nhật Bản đã bị bắt tại Nhật Bản khi tìm cách bán các thiết bị công nghệ cao sang Myanmar. Các nhà phân tích Ấn Độ nói rằng, giữa Pakistan và Triều Tiên thường xuyên có các chuyến bay chở các thiết bị tên lửa và hạt nhân và đó là tín hiệu cho thấy có thể đã có sự trao đổi hạt nhân “bộ ba”: Pakistan, Bắc Triều Tiên và Myanmar.
Nguồn tin tình báo cũng cho biết Myanmar đã bắt đầu bắt tay với công ty thương mại Namchogang, được coi là công ty trung chuyển các bộ phận tên lửa và thiết bị hạt nhân của Triều Tiên. Chan Tun, cựu Đại sứ Myanmar tại Bình Nhưỡng, cho rằng: “Nói thẳng ra là chính quyền Myanmar muốn có công nghệ để phát triển một quả bom hạt nhân”. Theo lời các nhân vật Myanmar, điều đáng lo ngại là dường như nước này đã đạt được trình độ khá cao trong lĩnh vực xây dựng lò phản ứng hạt nhân.
Trong các bài báo đăng trên Sydney Morning Herald và Bangkok Post, Giáo sư Desmond Ball thuộc trường Đại học Quốc gia Australia và nhà báo Phil Thornton cho rằng vào năm 2014, Myanmar có thể chế biến được khoảng 8 kg plutoni-239/năm và sau đó, nước này có thể sản xuất được 1 quả bom nguyên tử mỗi năm.
Thiết bị kích nổ bom nguyên tử bị bắt giữ trong đang đang trên đường vận chuyển lậu vào Myanmar. |
Năm 2010, cựu thanh sát viên quốc tế của IAEA là ông Robert Kelley đã công bố một báo cáo trong đó có hàng trăm bức ảnh do một nhân vật đào tẩu cung cấp về những cơ sở và thiết bị “đáng ngờ” được cho là thuộc dự án phát triển vũ khí hạt nhân của Myanmar. Bản báo cáo kết luận: “Có niềm tin cao độ rằng Myanmar đang theo đuổi công nghệ hạt nhân chỉ dùng cho vũ khí hạt nhân chứ không phải cho mục đích dân sự hay điện hạt nhân”.
Cũng trong năm 2010, Viện nghiên cứu Khoa học và An ninh quốc tế (ISIS) đã công bố một báo cáo khác trong đó nêu rõ Cục đào tạo nghề và Kỹ thuật Myanmar đã mua hàng loạt thiết bị công nghiệp có 2 công dụng và độ chính xác cao vào các năm 2006 và 2007. ISIS cho rằng những thiết bị này là quá hiện đại và tiên tiến cho các hoạt động đào tạo bình thường của Cục. Thêm vào đó, Cục đào tạo nghề này trước kia đã cùng chung địa chỉ với Cục năng lượng nguyên tử (DEA) của Myanmar nên ISIS nghi ngờ rằng thực tế cơ quan kia chỉ là tấm bình phong để DEA thực hiện các vụ mua bán thiết bị dùng cho mục đích phát triển hạt nhân này.
Có một điểm chung trong 2 bản báo cáo này là họ đều cho rằng chương trình hạt nhân của Myanmar có liên quan đến Triều Tiên. Cáo buộc này có vẻ hợp lý vì Triều Tiên có khá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển năng lượng hạt nhân cũng như có một liên hệ khá mật thiết trong lĩnh vực quân sự với Myanmar. Tuy nhiên, tất cả những báo cáo này mới chỉ dừng lại ở việc phỏng đoán chứ chưa có cơ sở đáng tin cậy nào chính vì thế việc Myanmar có hay không tồn tại những cơ sở hạt nhân bí mật chưa bao giờ được khẳng định.
Tháng 6/2011, Phó tổng thống Myanmar Thiha Thura U Tin Aung Myint Oo đã khẳng định với thượng nghị sỹ John McCain rằng nước này đã tạm dừng chương trình nghiên cứu hạt nhân do “cộng đồng quốc tế có thể hiểu nhầm”. Tại sự kiện Diễn đàn đối thoại an ninh Shangri La 2012, trung tướng Hla Min, Bộ trưởng Quốc phòng Myanmar tái khẳng định quốc gia này đã từ bỏ các hoạt động liên quan đến hạt nhân mặc dù nó hoàn toàn vì mục đích dân sự, đồng thời giảm bớt các mối quan hệ quân sự với Triều Tiên.
Tuy nhiên, khi IAEA gợi ý Myanmar nên để cho tổ chức này vào lãnh thổ của họ và xác minh các tình trạng thực sự của các hoạt động hạt nhân và kiểm chứng sự tồn tại của nó thì ông Bộ trưởng quốc phòng đã chối thẳng thừng với tuyên bố: “Chẳng có gì để điều tra cả”.
Bên cạnh đó, Myanmar vẫn chưa ký nghị định thư bổ sung cho phép các thanh sát viên của IAEA mở rộng quyền được tiếp cận những thông tin và địa điểm liên quan đến hạt nhân của nước này. Myanmar mới chỉ tham gia nghị định thư về số lượng vật liệu hạt nhân nhỏ trước đây và do đó họ chỉ có trách nhiệm báo cáo về các hoạt động liên quan đến hạt nhân tạm thời.
Chính vì thế theo IAEA và cộng đồng quốc tế, trừ khi Myanmar cho phép điều tra, kiểm chứng, người ta vẫn không thể loại trừ khả năng nước này đang âm thầm tiến hành các dự án hạt nhân bí mật.