Mỹ cáo buộc nhóm ủng hộ Ukraine phá hoại đường ống Dòng chảy phương Bắc
Tờ The New York Times dẫn lời các quan chức giấu tên trên cho biết, không có bằng chứng nào về việc Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky hay các quan chức Ukraine khác đứng sau vụ tấn công đường ống, khiến khí tự nhiên phun ra biển Baltic.
Theo các quan chức Mỹ, những kẻ phá hoại có khả năng là người Ukraine hoặc người Nga và cũng có thể là sự kết hợp của cả hai. Tuy nhiên, không có công dân Mỹ hay Anh nào có liên quan tới vụ việc. Ngoài ra, không có bằng chứng nào cho thấy các quan chức Chính phủ Ukraine dính líu trực tiếp tới vụ tấn công.
Các quan chức Mỹ cũng không cho biết ai đã chỉ thị hoặc trả tiền cho hành động phá hoại đó, và rằng vụ tấn công có thể do một lực lượng được ủy nhiệm có liên quan tới chính phủ hoặc lực lượng an ninh Ukraine tiến hành.
Những quả bom làm hư hại ba trong số 4 đường ống dẫn khí ở dưới đáy biển Baltic rất có thể được những thợ lặn có kinh nghiệm gài. Các thợ lặn này dường như không làm việc cho quân đội hay lực lượng tình báo, song trong quá khứ có thể được huấn luyện chính quy.
Theo nguồn tin giấu tên này, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các trợ lý hàng đầu của ông không phê duyệt việc tấn công đường ống dẫn Dòng chảy phương Bắc và Mỹ không có liên quan tới vụ nổ ở đường ống.
Tuyên bố này đã trực tiếp giải đáp cho thông tin mà nhà báo điều tra Seymour Hersh đưa ra vào tháng trước, khi đó nhà báo này cáo buộc Mỹ ra lệnh đánh bom và gài chất nổ vào đường ống dẫn.
Vụ nổ đường ống Dòng chảy phương Bắc diễn ra 5 tuần sau vụ đánh bom xe ở Moscow khiến nhà báo Darya Dugina thiệt mạng. Các điệp viên ẩn danh của Mỹ trước đó cho biết, họ tin rằng các đối tượng trong Chính phủ Ukraine, không phải là ông Zelensky, đã ra tay song không nêu tên bất cứ ai. Kiev đã bác bỏ thông tin họ có liên quan tới vụ đánh bom xe.
Vụ nổ đường ống Dòng chảy phương Bắc xảy ra sau khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã kéo dài 7 tháng. Vụ việc xảy ra ở vùng đặc khu kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch tại biển Baltic. Cả hai quốc gia này đều kết luận vụ nổ xảy ra là cố ý, nhưng không nói ai phải chịu trách nhiệm.
Mỹ và NATO gọi vụ tấn công đường ống dẫn này là "một hành động phá hoại", trong khi Nga đổ lỗi cho phương Tây và kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập. Tuy nhiên, không bên nào đưa ra được bằng chứng.
Ngày 7/3, Đức cho biết đã nắm được thông tin về bài báo của tờ The New York Times song cuộc điều tra của riêng họ chưa kết thúc. Tổng thư ký NATO và Thủ tướng Thụy Điển đều từ chối bình luận về thông tin mà tờ báo đưa ra.
Hoài Linh