Mua bằng giả ĐH Đông Đô bảo vệ luận án tiến sĩ: Người hướng dẫn, hội đồng thẩm định liên đới trách nhiệm?
“Nhiều người cũng làm luận án tiến sĩ nhưng trình độ tiếng Anh cũng chỉ bập bẹ. Trong luận án tiến sĩ của họ liệt kê hàng trăm tài liệu tiếng Anh nhưng họ chẳng biết gì, không đọc được gì".
Mới đây, cơ quan điều tra Bộ Công an đã đưa ra kết luận vụ cấp gần 200 bằng giả xảy ra tại trường Đại học Đông Đô. Đáng nói, nhiều người sử dụng bằng tiếng Anh giả để bảo vệ luận án tiến sĩ.
TS. Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho hay: “Tôi nghĩ rằng, việc quy định trình độ ngoại ngữ chỉ là điều kiện cần để làm hồ sơ nghiên cứu sinh hay bảo vệ luận án tiến sĩ.
Trách nhiệm của thầy hướng dẫn bảo vệ luận án tiến sĩ quan trọng hơn cả vì khi hướng dẫn người thầy sẽ biết rõ trình độ ngoại ngữ của nghiên cứu sinh ở mức nào.
Vấn đề ở đây là không những nghiên cứu sinh thiếu trung thực mà ngay cả người thầy hướng dẫn cũng phải chịu trách nhiệm. Thậm chí, cần thiết thì xử lý cả cán bộ hướng dẫn luận án tiến sĩ hay hội đồng thẩm định luận án tiến sĩ cho những nhà khoa học rởm này”.
Đại học Đông Đô |
Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh thì tiếng Anh chỉ là môn công cụ giúp người làm khoa học tăng cường năng lực nghiên cứu, đọc tài liệu nước ngoài nhưng sự trung thực luôn phải có đối với người làm khoa học chân chính.
“Tôi biết nhiều người cũng làm luận án tiến sĩ nhưng trình độ tiếng Anh cũng chỉ bập bẹ. Trong luận án tiến sĩ của họ liệt kê hàng trăm tài liệu tiếng Anh nhưng... họ chẳng biết gì, không đọc được gì. Không ít người cũng là tiến sĩ nhưng khi giao cho đi làm việc với người nước ngoài là sợ rúm ró.
Những người đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khi bị phát hiện chắc chắn sẽ bị tước bỏ bằng tiến sĩ vì không đủ điều kiện đầu vào. Việc công bố danh tính những người mua bằng ngoại ngữ thì để cho cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Tôi tin khi bị phát hiện dùng bằng giả thì những tiến sĩ ấy cũng quá xấu hổ rồi”, TS. Vinh cho hay.
Còn TS. Lê Viết Khuyến – Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường Đại học Cao đẳng) cho biết: “Những người sử dụng bằng giả của ĐH Đông Đô mà công tác tại các cơ sở giáo dục đại học thì tôi đề nghị sau khi có kết luận của cơ quan điều tra phải áp dụng hình thức kỷ luật, thậm chí buộc rời khỏi giảng đường.
Người thầy mà mua bằng, mà gian dối thì dạy học sinh thế nào? Làm gì có tư cách mà đứng rao giảng đạo đức trên giảng đường”.
Ngoài ra, theo TS. Lê Viết Khuyến cần công khai danh tính những người sử dụng bằng giả bảo vệ luận án tiến sĩ để dư luận được biết.
Trong những người này, có người là cán bộ chủ chốt của một số cơ quan ở Hà Nội, có người là giảng viên một cơ sở đào tạo đại học ngành tư pháp. Trong đó, có 3 trường hợp tự nguyện viết đơn tố cáo sai phạm của Trường đại học Đông Đô.
Bước đầu, Cơ quan công an xác định, đây là hoạt động có tổ chức gồm nhiều đối tượng tham gia trên quy mô toàn quốc. Số đối tượng trên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân, vi phạm quy định của Bộ GD-ĐT về đào tạo và cấp phát bằng tốt nghiệp đại học thứ hai, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
Đáng chú ý, các trường hợp sử dụng văn bằng đều là những người có uy tín, vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành, phần lớn đang làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh để nâng cao trình độ.
Việc buông lỏng công tác quản lý đào tạo và cho phép học viên không phải đi học, không phải thi đầu vào, đầu ra, "phù phép" để hợp lý hóa hồ sơ cấp văn bằng 2 cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh hệ chính quy tại Trường đại học Đông Đô nhằm thu lợi bất chính đã gây bức xúc dư luận; làm suy giảm nghiêm trọng uy tín của ngành giáo dục; vi phạm quy chế đào tạo của Bộ GD-ĐT; có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về tội giả mạo trong công tác quy định tại điều 359, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hoàng Thanh