“Dấu hỏi” danh tính 55 người dùng bằng giả ĐH Đông Đô để bảo vệ luận án tiến sĩ
Nhiều người cho rằng phải công khai danh tính 55 người đã dùng bằng giả của ĐH Đông Đô phục vụ cho việc xét tuyển nghiên cứu sinh, làm luận án tiến sĩ để xem hiện nay họ công tác ở đâu, đảm nhiệm vị trí gì.
Mới đây, cơ quan điều tra Bộ Công an đã đưa ra kết luận vụ cấp gần 200 bằng giả xảy ra tại trường Đại học Đông Đô.
Theo kết luận, Đại học Đông Đô chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, giai đoạn 2015-2017, các bị can đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh và được Bộ GD&ĐT thông báo chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy.
Tài liệu điều tra xác định các bị can đã cấp 626 bằng cử nhân ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ tìm được 217 cá nhân có thông tin để xác minh (trong đó một người đã chết).
Trong số này, 193 người được Đại học Đông Đô cấp bằng không qua tuyển sinh hoặc không đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp. Toàn bộ bằng giả do bị can Dương Văn Hòa ký theo chỉ đạo của Trần Khắc Hùng (cựu Chủ tịch HĐQT nhà trường, đang bị truy nã). Cảnh sát đã thu được 177 bằng giả.
"Trong số 193 bằng giả, chỉ có thông tin về trường Đại học Đông Đô thu tiền của 161 trường hợp với tổng số tiền 2,5 tỷ đồng", kết luận điều tra nêu.
Danh tính 55 người dùng bằng giả ĐH Đông Đô để bảo vệ luận án tiến sĩ là những ai đây? |
Đối với 193 người được các bị can cấp bằng cử nhân giả, 60 trường hợp đã sử dụng bằng cho nhiều mục đích khác nhau.
Trong đó, 55 người dùng bằng giả để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ. 5 trường hợp còn lại thì có một người làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, một trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, một thi tuyển công chức và 2 người kê khai hồ sơ cán bộ.
Ngay sau khi thông tin này được công bố, nhiều người cho rằng cần công khai danh tính tất cả người dùng bằng giả trong việc thi viên chức, bảo vệ luận án tiến sĩ hay xét tuyển nghiên cứu sinh.
Một giảng viên đại học nêu ý kiến: “Tôi không thể tưởng tượng được khi đọc thông tin có đến 55 người dùng bằng giả cho việc xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ.
Bằng giả tức là bằng không có giá trị, không qua học tập mà có, cũng có thể những người này không biết lấy một chữ tiếng Anh nhưng dùng tiền mua bằng để vượt qua tiêu chuẩn về tiếng Anh phục vụ cho làm nghiên cứu sinh và tiến sĩ.
Thử hỏi, một nhà khoa học nhưng đến tiêu chuẩn ngôn ngữ cũng không có, chưa nói đến việc đạo đức của người làm nghiên cứu cũng không thì họ có xứng đáng với hai từ “tiến sĩ”?
Một người làm nghiên cứu khoa học mà gian dối thì không thể chấp nhận được. Tôi đề nghị phải công khai danh tính của những người này để dư luận biết, để thấy những con người dối trá trong làm khoa học thế nào”.
“Nghiên cứu sinh và tiến sĩ mà trắng trợn mua bằng, làm giả chứng chỉ để lừa lọc thì không có đủ tư cách. Không có lòng trung thực mà lại tham gia vào nghiên cứu khoa học để trở thành tiến sĩ rồi từng bước leo cao, tiến xa trên con đường quan trường thì thực sự những con người ấy sẽ gấy nguy hại cho xã hội.
Phải công khai danh tính 55 cán bộ đã mua bằng giả để phục vụ cho việc làm luận án tiến sĩ này, xem hiện nay họ đang công tác ở đơn vị nào, đảm nhiệm vị trí gì, nếu cần thiết thì đề nghị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự vì tội mua bán bằng giả.
Phải mạnh tay để làm tấm gương cho những tiến sĩ “rởm” có ý định mua bán bằng với mục đích làm đẹp hồ sơ, tiến thân... Làm sao có thể chấp nhận những kẻ dùng tiền để mua tri thức sau đó lại xếp ngang hàng với những trí thức thực thụ đổ mồ hôi, công sức trên giảng đường, trong các trung tâm nghiên cứu được.
Nếu không xử lý mạnh tay, để họ len lỏi vào đội ngũ tiến sĩ thật sẽ là sự xúc phạm với đội ngũ nghiên cứu khoa học nước nhà”, một nhà nghiên cứu Toán (ĐH Sư phạm Hà Nội) nói.
Hoàng Thanh