Một triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh
Ngày 19/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo góp ý hoàn thiện đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Để hoàn thiện đề án, đây là lần thứ hai Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo để lắng nghe các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL và các doanh nghiệp. ĐBSCL là vựa lúa của cả nước, những năm gần đây sản lượng lúa của vùng đạt khoảng 24-25 triệu tấn/năm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ mong muốn nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia ngành nông nghiệp, các địa phương, các tổ chức quốc tế, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu gạo về dự thảo đề án phát triển 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Đây là cơ sở để ban soạn thảo chỉnh sửa, hoàn thiện đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dự thảo đề án đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 nâng diện tích lúa chất lượng cao của vùng ĐBSCL 500.000ha, sản xuất 2 vụ/năm, tương đương 1 triệu hecta gieo trồng, sản lượng khoảng 6,2 triệu tấn lúa. Lợi nhuận bình quân người trồng lúa đạt trên 35%. Giảm lượng lúa giống còn 80kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, giảm 30% lượng nước tưới.
Tỷ lệ diện tích ứng dụng quy trình GAP và tương đương được công nhận đạt 80%, tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số đạt trên 20%. Tỷ lệ diện tích áp dụng cơ giới hóa đạt 50%. Giảm 10% phát thải khí nhà kính. Lượng gạo xuất khẩu có thương hiệu Việt Nam đạt 760.000 tấn, trong đó có 20% sản lượng gạo trong đề án.
Năm 2022, riêng Kiên Giang đã sản xuất 4,4 triệu tấn, trong đó có hơn 97% là lúa chất lượng cao, lúa chuyên canh, bên cạnh đó có 109.000ha liên kết tiêu thụ, tất cả đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và lúa hữu cơ. Kiên Giang có hơn 1.200ha lúa đạt chứng nhận hữu cơ, 500ha đạt chứng nhận GlobalGAP, gần 1.200ha lúa đạt chứng nhận VietGAP, trên 2.500ha đạt tiêu chuẩn SRP xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, tỉnh còn gặp khó trong tổ chức sản xuất cánh đồng lớn như sự liên kết giữa các tổ chức nông dân và doanh nghiệp thiếu bền vững, chưa gắn bó lâu dài trong liên kết sản xuất và tiêu thụ...
Theo các chuyên gia, nhà khoa học, để thực hiện thành công đề án này, cần có một cơ chế chính sách thông thoáng, phù hợp dành cho doanh nghiệp và nông dân như chính sách hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp; hỗ trợ hợp tác xã tham gia liên kết; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ lúa (được vay vốn ngân hàng phục vụ tiêu thụ lúa từ vùng liên kết, đầu tư xây dựng kho, hệ thống sấy, chế biến); hỗ trợ 50% chi phí chứng nhận sản phẩm đạt các tiêu chuẩn sản phẩm trong nước và quốc tế; hỗ trợ 100% chi phí chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn carbon thấp; đầu tư kết cấu hạ tầng cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu; chính sách phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ….
Phát biểu kết luận tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh đề án này tích hợp tất cả các dự án của các tổ chức quốc tế đang triển khai. Đề án phân ra thành nhiều giai đoạn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu được tham gia.
Ban soạn thảo rà soát các cơ chế chính sách đã có, tích hợp lại, đề nghị Chính phủ chỉnh sửa, bổ sung, điều chỉnh phù hợp. Dự án nêu cao vai trò của tổ khuyến nông cộng đồng trong việc hướng dẫn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho nông dân, đào tạo năng lực sản xuất, xây dựng quy trình sản xuất, chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, để tổ chức triển khai thực hiện xây dựng các vùng lúa chuyên canh chất lượng cao cần phải có thời gian, nguồn lực tổng thể, do vậy rất cần sự tham gia, liên kết, hợp tác của chính quyền địa phương vùng ĐBSCL, các bộ, ngành Trung ương, đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức quốc tế, các viện, trường trong nước và quốc tế, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân để thống nhất trong chỉ đạo thực hiện, đảm bảo đủ nguồn lực về khoa học, kỹ thuật, vốn đầu tư nhằm nâng cao giá trị, thu nhập người dân, giúp người dân an tâm sản xuất, làm giàu từ sản xuất lúa gạo.
Ngọc Yến