Đẩy mạnh xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, kích cầu tiêu dùng
Tối 28/12, tại Công viên huyện Thanh Oai, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) phối hợp với UBND huyện Thanh Oai tổ chức “Chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm nông sản, OCOP, làng nghề Chào Xuân Quý Mão 2023”.
Với quy mô 100 gian hàng, chương trình quy tụ sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP của 16 tỉnh thành, trưng bày, giới thiệu 1.000 dòng sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP tiêu biểu, đặc sản vùng miền và sản phẩm làng nghề truyền thống. Bên cạnh trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm còn có các hoạt động quảng bá, kết nối, dùng thử sản phẩm và trình diễn, chế biến sản phẩm tại chỗ…
Chủ một cơ sở sản xuất mắm khô cho biết ông làm mắm xuất phát từ niềm đam mê, đặc biệt là muốn đem sản phẩm “quà quê” được mẹ làm cho ăn từ thuở ấu thơ đến cho mọi người cùng thưởng thức. Do đó, sau khi cải tiến, món mắm cua gạch đạt chứng nhận 3 sao OCOP. Tiếp nối thành công của món mắm trên, cơ sở của ông tiếp tục sản xuất thêm các loại mắm độc đáo, tận dụng từ nguồn thủy, hải sản có trong tự nhiên như: mắm tôm sú, mắm sú cồ, mắm sò huyết, mắm bào ngư, mắm tôm hùm, mắm tôm gạch... Vì vậy, việc tham gia các hội chợ xúc tiến, quảng bá sản phẩm nông sản, OCOP là cơ hội để lan toả các sản phẩm vùng miền đến với người tiêu dùng.
Tương tự, giám đốc một doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm dừa cho biết, năm 2023 doanh nghiệp của ông sẽ hướng đến đưa sản phẩm mật dừa nước cô đặc đã được công nhận OCOP 4 sao và sản phẩm đường dừa nước - một sản phẩm mới do công ty vừa phát triển, xuất khẩu sang một số thị trường tiềm năng. Vì vậy, các Chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm nông sản có ý nghĩa lớn để doanh nghiệp từng bước tiếp cận khách hàng, doanh nghiệp đối tác tại các nước.
Có thể nói, tiềm năng phát triển sản phẩm ở các làng nghề là rất lớn và độc đáo. Tuy nhiên, để khơi dậy được tiềm năng đó cần phải có những hoạch định và hướng phát triển lâu dài và bền vững. Trước thực trạng đó, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP. Trong các chương trình xúc tiến thương mại, việc kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP xuất hiện ở nhiều hoạt động khác nhau như lồng ghép vào Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm thương mại; các Hội nghị kết nối cung cầu quy mô vùng và quốc gia; chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; chương trình đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài…
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, bất cứ chương trình xúc tiến thương mại nào chúng tôi cũng sẽ tiếp cận theo hướng cung cấp thông tin thị trường, kết nối, hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực để thực hiện được hoạt động xúc tiến thương mại một cách hiệu quả nhất.
Trong năm 2022, Bộ Công thương đã tiếp cận theo vùng miền. Ở mỗi vùng miền Bắc, Trung, Nam đều có “Ngày hội kết nối” nhà sản xuất, mà ở đây có thể nhắc đến những chủ thể OCOP, để có thể tiếp cận trực tiếp với hệ thống phân phối, nhà xuất khẩu, nhà thương mại… Qua đó giúp cho sản phẩm OCOP có thể tiếp cận thị trường bài bản, theo hướng quy mô thương mại chứ không chỉ mang tính làng xã, tự cung tự cấp như trước đây.
Song song với đó, riêng trong năm 2022, Bộ Công thương đã tổ chức nhiều phiên tư vấn thông tin thị trường; tập trung vào cung cấp thông tin thị trường xuất khẩu làm sao cho những sản phẩm OCOP có thể bắt nhịp được với nhu cầu của thị trường; sản xuất ra sản phẩm thị trường cần chứ không phải những sản phẩm mà làng xã đó có, bắt nhịp được xu hướng thị trường một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, có như vậy thì sản phẩm mới tiếp cận được thị trường và xuất khẩu được.
Theo các chuyên gia kinh tế, để tiếp tục hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các địa phương phát triển sản phẩm OCOP không chỉ đứng vững ở thị trường trong nước mà còn lan toả ở nước ngoài, thời gian tới, các hoạt động xúc tiến thương mại phải thiết kế ra được những hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại phù hợp với từng đối tượng, cho từng nhóm sản phẩm, cho từng thị trường và từng giai đoạn nhất định. Không phải sản phẩm nào cũng có chương trình xúc tiến thương mại như nhau, đối với mỗi nhóm sản phẩm cần có chương trình xúc tiến thương mại đặc thù.
Bên cạnh đó, hoạt động kết nối cực kỳ quan trọng đối với các sản phẩm OCOP, đó là các hội chợ OCOP, thông qua hội chợ triển lãm OCOP, sản phẩm OCOP cấp vùng sẽ mang đến hình ảnh các sản phẩm OCOP của mỗi vùng miền, mỗi địa phương đến tay người tiêu dùng, thị trường. Qua đó nâng cao được nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm, chất lượng OCOP và cả các thương hiệu sản phẩm OCOP.
Ngọc Yến